Trong một cuộc trao đổi với trang Yahoo Finance chỉ vài giờ sau khi Fed công bố kết quả cuộc họp chính sách tiền tệ ngày 1/11, ông Dimon nói: “Tôi nghĩ là họ đúng khi tạm dừng tăng lãi suất ở đây và chờ những diễn biến tiếp theo. Nhưng tôi cho rằng có lẽ họ chưa hoàn thành việc tăng lãi suất”.
Sau cuộc họp định kỳ kéo dài 2 ngày, Fed giữ lãi suất quỹ liên bang ở mức 5,25-5,5%, cao nhất trong 22 năm. Đây là cuộc họp thứ hai liên tiếp Fed không thay đổi lãi suất sau 11 lần nâng kể từ khi chiến dịch thắt chặt này bắt đầu vào tháng 3/2022.
Nói về mức tăng lãi suất nếu Fed còn thắt chặt, ông Dimon phát biểu: “Có thể là 25, 50 hoặc 75 điểm cơ bản. Tôi sẽ không dự báo cụ thể, tôi chỉ cho là khả năng tăng lãi suất thêm sẽ cao hơn so với mọi người đang nghĩ”.
Nếu Fed tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản, tức 0,75 điểm phần trăm, lãi suất quỹ liên bang sẽ lên tới 6,25%, cao nhất kể từ đầu năm 2001.
“Tôi nghĩ lạm phát có thể sẽ dai dẳng hơn một chút so với dự báo chung hiện nay, vì các biện pháp kích thích tài khoá và tiền tệ trong mấy năm qua là nhiều hơn so với những gì mọi người nhìn thấy. Tỷ lệ thất nghiệp hiện nay cũng đang rất thấp”, ông Dimon nói về cơ sở để dự báo Fed còn tăng lãi suất.
Từ mấy tháng nay, ông Dimon đã cảnh báo về khả năng lãi suất sẽ tăng lên cao hơn và những rủi ro mà lãi suất cao hơn đặt ra đối với các nhà đầu tư đã ham thích rủi ro quá mức khi lãi suất còn ở mức thấp.
“Đây có thể chính là thời điểm nguy hiểm nhất mà thế giới từng ở vào trong nhiều thập kỷ qua”, ông Dimon nhận định hôm 13/10 khi JPMorgan Chase công bố báo cáo tài chính quý 3/2022.
Nhà điều hành cấp cao nhất của ngân hàng lớn nhất Mỹ về giá trị tài sản đặc biệt lo ngại về ảnh hưởng từ việc Fed thắt chặt định lượng (QT). Đây là việc Fed thu hẹp bảng cân đối kế toán thông quá bán dần lượng trái phiếu khổng lồ mà ngân hàng trung ương này đã mua vào trong chương trình nới lỏng định lượng (QE) – một cách để bơm tiền vào nền kinh tế nhằm kích cầu trong thời gian đại dịch Covid-19 hoành hành.
Theo ông Dimon, việc Fed thắt chặt định lượng sẽ làm gia tăng nguồn cung trái phiếu chính phủ Mỹ trong lúc các chính phủ nước ngoài giảm mua tài sản này. Tình trạng như vậy có thể làm gia tăng sức ép tăng đối với lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10, sau khi lợi suất của kỳ hạn này gần đây vượt mốc 5% lần đầu tiên sau 16 năm.
“Sẽ đến lúc, điều này khiến thị trường chao đảo”, ông Dimon phát biểu ngày 1/11.
JPMorgan Chase được xem là ngân hàng lớn đang có được vị thế tốt nhất trong kỷ nguyên lãi suất cao ở Mỹ. Vị thế này có được là nhờ tầm nhìn sáng suốt, khi ngay từ năm 2020 JPMorgan Chase đã phát tín hiệu sẽ không nhân cơ hội dòng tiền gửi chảy mạnh vào hệ thống ngân hàng ở giai đoạn đầu của đại dịch để đầu tư mạnh vào các tài sản rủi ro.
Một số đối thủ của JPMorgan Chase đã dùng tiền gửi đó để đầu tư vào các trái phiếu kỳ hạn dài nhằm tìm kiếm mức lợi suất cao hơn. Khi Fed bắt đầu tăng lãi suất, giá trị của các trái phiếu này sụt giảm mạnh, gây ra thua lỗ lớn. Đó chính là một nguyên nhân quan trọng dẫn tới cuộc khủng hoảng ngân hàng khu vực ở Mỹ hồi đầu năm nay, bao gồm một số nhà băng như Sillicon Valley Bank sụp đổ.
Nguồn thạo tin tiết lộ ông Dimon lo ngại rằng đến hiện tại, một số ngân hàng ở Mỹ vẫn chưa giải quyết triệt để các vấn đề trong bảng cân đối kế toán sau cuộc khủng hoảng ngân hàng khu vực 2023.
Về phần mình, JPMorgan Chase đã hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng đó. Hồi tháng 5, ngân hàng này thắng trong một cuộc đấu giá cho cơ quan chức năng tổ chức, giành quyền mua lại phần lớn First Republic, một ngân hàng khu vực ở San Francisco sụp đổ trong cuộc khủng hoảng nói trên. Việc thâu tóm hoạt động của First Republic khiến cho JPMorgan Chase càng có lãi hơn. Trong quý 3 vừa qua, lợi nhuận của JPMorgan Chase đạt 13,2 tỷ USD, tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái và vượt kỳ vọng của Phố Wall.
Ông Dimon, người trở thành CEO của JPMorgan Chase vào năm 2005, hiện đang là “sếp tổng” lâu năm nhất của một ngân hàng lớn ở Mỹ và là người duy nhất còn giữ vị trí như vậy kể từ khủng hoảng tài chính 2008.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn ngày 1/11, ông Dimon nói sau nhiều thập kỷ lãi suất thấp, thị trường có thể phải đối mặt với “sự thay đổi lớn”, bao gồm các yếu tố mà ông gọi là “hiệu ứng lạm phát dài hạn” như thâm hụt ngân sách khổng lồ của Mỹ, chi tiêu của Chính phủ Mỹ vào các chương trình mới, và dân số lão hoá dựa ngày càng nhiều vào mạng lưới an sinh xã hội.
“Tôi không thấy có yếu tố nào gây giảm lạm phát trong tương lai cả”, ông Dimon nói, và cho biết JPMorgan Chase đã chuẩn bị sẵn sàng cho lãi suất cao hơn lâu hơn. Ông cũng cảnh báo rằng lãi suất duy trì ở mức cao “sẽ làm lộ ra khá nhiều người tắm truồng”.