Cẩn trọng
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T cho biết, Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo cộng với xung đột Nga – Ukraine có thể sẽ khiến thị trường gạo bị thiếu hụt nguồn cung. Đây sẽ là cơ hội lớn cho gạo Việt Nam xuất khẩu vươn lên. Doanh nghiệp sẽ đàm phán dễ dàng hơn trong các thương vụ xuất khẩu gạo.
“ Tuy nhiên, chúng tôi cũng lo ngại là khi giá tăng, sản lượng xuất khẩu tăng thì có ảnh hưởng đến an ninh lương thực hay không và chính sách của Nhà nước có phương án gì để phòng chống rủi ro an ninh lương thực ”, ông Tùng nói.
Theo ông Tùng, khi xuất khẩu sản lượng lớn cần xem lại quy mô sản xuất trong nước có đáp ứng được đầy đủ nhu cầu xuất khẩu và nhu cầu sử dụng trong nước hay không.
Cũng theo ông Tùng, hiện nay, doanh nghiệp này đang có lượng đơn hàng xuất khẩu ký hợp đồng từ trước rất ổn định. Thế nhưng, nếu giá gạo tăng lên trong thời gian tới, doanh nghiệp có thể gặp thua lỗ với những hợp đồng đã ký từ trước vì giá gạo “chốt” từ đầu năm.
Tuy nhiên, với những hợp đồng ký mới thì cơ hội dành cho doanh nghiệp là rất lớn. Đây cũng là tín hiệu vui với những người trồng lúa.
Ông Trương Mạnh Linh, Giám đốc ngành gạo Tập đoàn Tân Long chia sẻ, việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo sẽ giúp giá gạo Việt Nam gia tăng trong thời gian tới. Bởi, Ấn Độ là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 4 trên thế giới và cạnh tranh trực tiếp với các dòng gạo “bình dân” của Việt Nam như 504, tấm…
Thế nhưng, theo ông Linh, thời điểm Ấn Độ đưa ra thông tin cấm xuất khẩu gạo lại gây trở ngại không nhỏ cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu.
Cụ thể, Ấn Độ đưa ra lệnh cấm vào chính vụ hè thu của Đồng bằng Sông Cửu Long, ngay lúc các doanh nghiệp xuất khẩu đang thu mua lúa và nguyên liệu phục vụ cho các đơn hàng đã ký trước đó. Việc mua cao hơn vài trăm đồng/kg, thậm chí 1.000 – 2.000 đồng/kg để giao hàng khiến cho nhiều doanh nghiệp thiệt hại lớn.
Cũng theo ông Linh, với các doanh nghiệp đã ký đầu vào (từ nông dân), việc Ấn Độ cấm xuất khẩu khiến giá tăng đột biến cũng không đem lại lợi ích nào cho doanh nghiệp và người nông dân. Bởi, đầu vào đã ký sẵn, đầu ra cũng ký sẵn và nhiều bên không thể nhận thêm đơn hàng.
Ông Linh dự báo, giá gạo Việt Nam sẽ còn tăng từ nay tới cuối năm, ít nhất là đến vụ Đông Xuân năm sau.
“ Phải nhìn nhận là giá tăng ở khâu nào, có phải đơn hàng xuất khẩu ký được giá cao hơn không, hay là giá nội địa tăng cao do nhiều doanh nghiệp đã ký bán trước đó nay cần mua vào gấp để giao hàng khiến giá tăng đột biến” , ông Linh nói.
Ông Linh cho biết, trên thực tế, từ 1 – 2 tháng trước, nhiều khách hàng nước ngoài đã ký mua gạo cho tháng 7, 8, 9, cộng với việc giá tăng cao đang khiến nhu cầu xuất khẩu yếu đi. Các nước châu Phi, Trung Quốc gần như không mua hàng. Nhu cầu các nước nhập khẩu như Philippines cũng yếu, quốc gia này đã mua được lượng gạo khá lớn nên cũng không vội ký tiếp.
Ông Linh nhận định, giá tăng cao là giá nội địa mua vào và không phản ánh được giá xuất khẩu bán được thời điểm này.
Xuất khẩu chưa tăng nhưng giá lúa đã “nhảy múa”
Bà Dương Thanh Thảo, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Gạo Ông Thọ cho biết, việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo đã khiến giá lúa trong nước “nhảy múa” khá mạnh. Trong 5 ngày qua, giá lúa OM18 đã tăng 10%.
Cụ thể, vào ngày 20/7, giá lúa tươi OM18 mua tại đồng là 6.300 đồng/kg thì đến 25/7 đã tăng lên 6.900 – 7.000 đồng/kg.
Bà Thảo chia sẻ, Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo cũng là cơ hội lớn cho Việt Nam nhưng nguy cơ cũng không hề nhỏ. Điển hình như nguy cơ thiếu hụt gạo nguyên liệu dùng cho sản xuất trong nước, bởi những năm gần đây, Việt Nam đang “chạy theo” chương trình gạo chất lượng cao. Điều này khiến cho gạo sản xuất có giá “nhảy múa”, trong khi gạo thơm các dòng ST thì cũng không nhiều.
“ Tôi nghĩ doanh nghiệp nên bám sát thông tin thị trường, dù có nhiều chuyên gia nước ngoài đã liên tưởng đến cơn sốt gạo đã từng diễn ra vào năm 2008. Các nhà quản lý cần biết rõ lượng tổn thực và tình hình mùa vụ của Ấn Độ và Trung Quốc. Bởi hai quốc gia này sẽ cho chúng ta thấy được bức tranh tổng thể của thị trường gạo thế giới. Từ đó, Việt Nam sẽ tính toán, đưa ra những bước đi phù hợp để chiến thắng trong chính sách bán hàng của mình” , bà Thảo nói.
Theo bà Thảo, chắc chắn Việt Nam không bị ảnh hưởng an ninh lương thực vì sản xuất trong nước luôn dư thừa. Do đó, Việt Nam chỉ cần dự đoán sao cho đúng “đỉnh” để xuất khẩu đúng thời điểm, thu lợi nhiều về cho nước nhà.
Còn theo ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, Ấn Độ cấm xuất khẩu rõ ràng là cơ hội lớn của doanh nghiệp Việt. Tuy nhiên, muốn ngành gạo phát triển bền vững thì ngoài những cơ hội như hiện nay, cần phải nâng cao chất lượng lúa gạo nhằm gia tăng tính cạnh tranh.
Ông Thuận cho biết, những tháng đầu năm 2023, tình hình thế giới có những biến động phức tạp, đặc biệt là hiện tượng El Nino gây hạn hán, các nước bị thiếu lương thực dẫn đến nhu cầu mua dự trữ lương thực tăng thêm.
Ấn Độ – nơi chiếm khoảng 40% hoạt động thương mại gạo toàn cầu thông báo dừng xuất khẩu đang là cơ hội tốt cho các nước xuất khẩu gạo nói chung và Việt Nam nói riêng. Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này để trở thành điểm cung ứng gạo bền vững cho thị trường lương thực quốc tế.
Theo ông Thuận, dù đang có nhiều thuận lợi nhưng gạo Việt Nam vẫn gặp phải nhiều thách thức. Điển hình như việc nông dân chưa tối ưu hóa được hiệu quả sản xuất dẫn đến năng suất và chất lượng lúa chưa cao. Điều này dẫn đến giá bán sẽ khó cạnh tranh hơn.
Cụ thể, nông dân chưa tiếp cận được với nguồn giống xác nhận, do đó năng suất lúa chưa đạt mức tối ưu, giá thành tăng do lượng giống sử dụng nhiều dẫn đến tăng lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Điều này không chỉ giảm lợi nhuận mà còn có hại cho môi trường.
Bên cạnh đó, ông Thuận cho rằng, lượng phân bón nông dân sử dụng cũng đang nhiều hơn nhu cầu. Do đó, nông dân có thể giảm lượng phân bón sẽ giúp giảm chi phí, giảm sâu bệnh dịch hại và tránh tình trạng phú dưỡng của đất trồng lúa.
Đối với tình hình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hiện nay có nhiều qui trình trồng lúa đáp ứng với yêu cầu về chất lượng của từng thị trường. Tuy nhiên, nông dân trồng lúa chưa được tiếp cận nhiều với các qui trình này dẫn đến tình trạng lúa hàng hóa không theo tiêu chuẩn cụ thể, do đó không thể xuất khẩu theo đúng thị trường có nhu cầu cụ thể.
Đối với dịch vụ nông nghiệp, ông Thuận cho rằng, dịch vụ nông nghiệp đang chiếm hơn một nửa giá thành sản xuất lúa tại ruộng. Tuy nhiên, do chưa được tổ chức đồng bộ, dẫn đến lãng phí trong đầu tư khiến hiệu suất sử dụng thiết bị chưa đạt đến mức tối ưu.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã đề nghị Hiệp hội Lương thực Việt Nam phối hợp tăng cường đôn đốc các hội viên, nhất là doanh nghiệp lớn, giữ vai trò dẫn dắt, tổ chức thu mua và tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa, bảo đảm lợi ích cho người trồng lúa theo chính sách hiện hành.
Cục Xuất nhập khẩu yêu cầu thực hiện nghiêm túc các quy định tại Nghị định số 107/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo; thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu theo quy định, đảm bảo cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, góp phần bình ổn giá thóc, gạo tại thị trường trong nước; bên cạnh đó tiếp tục theo dõi sát tình hình thị trường gạo; chủ động trao đổi, tổng hợp ý kiến của hội viên về khó khăn, vướng mắc phát sinh trong cung ứng, lưu thông gạo trên thị trường trong nước và quốc tế để báo cáo và đề xuất giải pháp phù hợp với các bộ, ngành liên quan.
Với thương nhân, Cục Xuất nhập khẩu đề nghị thương nhân thực hiện nghiêm túc các quy định tại Nghị định số 107/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo về việc thu mua thóc, gạo hàng hóa nhằm đảm bảo cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.