Trên cổng thông tin tài sản công, các công ty đấu giá thông báo nhiều xe máy, ôtô vi phạm giao thông sẽ được bán đấu giá trong tháng 4.2024.
Công an huyện Hương Sơn (Tuyên Quang) đấu giá 214 xe máy (trong đó 138 xe bán theo hình thức phế liệu; 76 xe bán theo hình thức nguyên trạng). Giá khởi điểm 214 xe máy là hơn 170 triệu đồng. Đây là các phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung công quỹ nhà nước.
Theo thông báo của công ty bán đấu giá 214 xe máy của huyện Sơn Dương sẽ được bán đấu giá ngày 29.4.2024.
Công ty bán đấu giá cũng thông tin, Công an huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh bán đấu giá 2 ôtô vi phạm bị thu giữ. Đó là ôtô tải có mui, nhãn hiệu HYUNDAI, biển số 70H-040.34 và xe ôtô cứu thương, nhãn hiệu MERCEDES-BENZ, biển số 77A-021.40. 2 ôtô này được bán với giá khởi điểm hơn 322 triệu đồng. Thời gian bán đấu giá 2 ô tô này ngày 22.4.
Ngoài ra, Phòng Cảnh sát giao thông – Công an tỉnh Tây Ninh có lô đấu giá 6 xe máy, xe máy kéo các loại, xe cũ, đã qua sử dụng. 6 chiếc xe máy được bán với giá khởi điểm là 91 triệu đồng (trong đó 2 chiếc exciter được định giá 15 triệu, 2 chiếc honda sonic định giá 20 triệu đồng còn lại 2 máy kéo không rõ nguồn gốc. Thời gian bán đấu giá là 19.4
Trước đó, Báo Lao Động phản ánh tình trạng các bãi đỗ xe vi phạm giao thông thường xuyên quá tải. Công an Hà Nội cho biết, trong năm 2023, đơn vị này đã tạm giữ 42.731 phương tiện. Trong đó, ôtô là 4.713 chiếc; xe máy là 37.560 chiếc; xe máy điện là 326 chiếc; phương tiện khác gồm 117 xe; xe ba bánh là 15 chiếc.
Trao đổi với báo giới, đại diện Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong năm 2023, Cảnh sát giao thông mở nhiều đợt xử lý vi phạm nồng độ cồn nên lượng xe bị tạm giữ gia tăng.
Năm 2023, cảnh sát xử lý hơn 651.000 trường hợp, trong đó vi phạm nồng độ cồn có gần 130.000 trường hợp vi phạm, chiếm 19,7% tổng số vị phạm về giao thông. Tổng số lượng môtô và ôtô bị tạm giữ là hơn 150.000 phương tiện, trong đó có hơn 1.500 ôtô vi phạm bị tạm giữ.
Theo quy định Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), khi hết thời hạn tạm giữ mà người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận mà không có lý do chính đáng thì được xử lý như sau:
Trường hợp xác định được người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp của tang vật, phương tiện thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo cho họ 2 lần.
Lần thông báo thứ nhất phải được thực hiện trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện.
Lần thông báo thứ hai được thực hiện trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày thông báo thứ nhất.
Hết thời hạn 1 tháng, kể từ ngày thông báo lần thứ hai nếu người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận thì trong thời hạn 5 ngày làm việc, người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu phương tiện vi phạm hành chính;
Đối với phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ theo quy định khi hết thời hạn thi hành quyết định xử phạt mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính không thi hành quyết định xử phạt thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn thi hành quyết định xử phạt, người có thẩm quyền tạm giữ phải chuyển tang vật, phương tiện vi phạm hành chính cho người có thẩm quyền cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt để quyết định việc kê biên, bán đấu giá theo quy định của pháp luật để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt.
Như vậy, theo quy định của pháp luật khi hết thời hạn bị tạm giữ xe do vi phạm nồng độ cồn, người vi phạm có trách nhiệm nhận lại xe. Nếu không đến lấy xe, phương tiện có thể bị tịch thu sung công quỹ.
Nguồn tin: https://laodong.vn/xe/nhieu-oto-xe-may-vi-pham-giao-thong-se-duoc-mang-ra-ban-dau-gia-1325205.ldo