Một trong những nỗ lực sớm nhất của Mỹ nhằm khuyến khích sử dụng xe điện là Đạo luật Chính sách năng lượng năm 1992, khuyến khích sử dụng năng lượng thay thế (bao gồm điện) thông qua phương pháp tiếp cận bắt buộc và tự nguyện.
Đạo luật Giảm lạm phát (IRA), được thông qua vào tháng 8 năm 2022, bao gồm nhiều chương trình tài trợ và ưu đãi thuế khác nhau để đáp ứng mục tiêu xây dựng nền kinh tế năng lượng sạch.
Một phần của Đạo luật tập trung vào việc đẩy nhanh việc áp dụng EV, với nguồn tài trợ riêng là 369 tỉ USD được phân bổ cho các khoản đầu tư khí hậu. Tín dụng thuế cho phương tiện sạch đưa ra một loạt điều kiện mới để các mẫu xe điện đủ điều kiện nhận ưu đãi.
Từ năm 2023 trở đi, các điều kiện này quy định rằng quá trình lắp ráp cuối cùng phải diễn ra ở Bắc Mỹ và các phương tiện đó phải có pin 7 kWh trở lên (không bao gồm xe điện hybrid cắm điện tầm thấp PHEV), có tổng trọng lượng dưới 6,35 tấn và có giá bán lẻ đề xuất dưới 80.000 USD đối với xe tải, SUV và xe bán tải hoặc 55.000 USD đối với các loại xe khác.
Thông qua các chương trình tài trợ vốn vay, quỹ liên bang Mỹ được sử dụng để cung cấp hỗ trợ tín dụng nhằm mục tiêu đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
Hiện tại, Cục Xây dựng Hoa Kỳ (thuộc Văn phòng Bộ trưởng Giao thông Vận tải) và Văn phòng Chương trình Cho vay của Bộ Năng lượng Hoa Kỳ cung cấp các chương trình tài trợ vốn vay. Hỗ trợ tín dụng bao gồm các khoản vay có bảo đảm (trực tiếp), bảo lãnh khoản vay và hạn mức tín dụng. Giải pháp này có thể khuyến khích đồng đầu tư tư nhân và ngoài liên bang cho các dự án.
Chính sách hỗ trợ nhà sản xuất của Trung Quốc hiện là quốc gia dẫn đầu thị trường xe điện toàn cầu, chiếm 44% tổng lượng xe điện thế giới.
Vào năm 2020, Trung Quốc có hơn 4 triệu xe ôtô điện, 300 triệu xe hai bánh điện (hơn 50% thị trường toàn cầu) và hơn 420.000 xe buýt điện (99 %thị trường toàn cầu).
Từ năm 2009 – 2022, Chính phủ Trung Quốc đã phân bổ tới hơn 200 tỉ nhân dân tệ (tương đương 29 tỉ USD) vào các khoản trợ cấp và giảm thuế cho xe điện, hỗ trợ các công ty xe điện duy trì hoạt động trong những năm đầu, triển khai chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích người dân mua xe điện.
Khoản trợ cấp của Chính phủ cũng được phân tầng theo dung lượng pin.
Xe ôtô thuần điện có phạm vi chạy trên 400km sẽ được trợ giá 3.600 USD, từ 250 – 400km được nhận 2.600 USD, dưới 250km không được trợ giá. Xe PHEV với ngưỡng pin đạt 80km được trợ giá 1.500 USD.
Ngoài ra, Trung Quốc có chính sách hỗ trợ người tiêu dùng. Vào năm 2022, Bộ Tài chính, Cục Thuế Nhà nước cùng Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc đã ra công bố sẽ miễn thuế 5% cho người mua tất cả các loại ôtô chạy bằng điện, xe hybrid có sạc ngoài và xe pin nhiên liệu.
Chính phủ cũng giảm 50% phí đăng ký xe điện. Các chính sách này đã giúp người dân Trung Quốc tiết kiệm 5,7 tỉ USD trong 7 tháng đầu năm 2022.
Ngoài ra, Trung Quốc đã tăng chi ngân sách cho xe điện, chiếm 50% tổng giá trị phương tiện mua mới của Chính phủ trong giai đoạn 2016 – 2021. Bên cạnh đó, gần như tất cả các nhà máy sản xuất xe bắt buộc phải có năng lực sản xuất xe điện.
Chính phủ Trung Quốc đã tích cực cung cấp các ưu đãi đáng kể cho người mua và cung cấp trợ cấp cho các nhà sản xuất ôtô trong hơn một thập kỷ, nhằm thúc đẩy lĩnh vực ôtô sạch.
Những nỗ lực này đã thu hút một số lượng đáng kể các công ty vào thị trường ôtô Trung Quốc. Ở một giai đoạn, người tiêu dùng nhận được ưu đãi lên tới 8.317 USD khi mua xe điện.
Nguồn tin: https://laodong.vn/xe/nhieu-nuoc-co-chinh-sach-ho-tro-thue-phi-cho-oto-dien-1368424.ldo