Hà Nội đang vận hành 2 tuyến buýt mini. Đó là tuyến 145 (Hoàng Cầu – Công viên nước Hồ Tây) và tuyến 146 (Hào Nam – Khu liên cơ Võ Chí Công – Hào Nam).
Trong đó, tuyến xe buýt cỡ nhỏ 146 được vận hành từ tháng 7.2022 kết nối với metro Cát Linh – Hà Đông tại Hào Nam, đi qua nhiều điểm du lịch, vui chơi giải trí và khu phố cổ của Hà Nội.
Còn theo đề án tái cấu trúc mạng lưới xe buýt TPHCM, trong giai đoạn 2025-2030, TPHCM định hướng thay thế toàn bộ gần 100 tuyến nội thành hiện hữu thành hệ thống 179 tuyến được phân cấp gồm: 18 tuyến trục – 73 tuyến nhánh – 88 tuyến gom.
18 tuyến trục sẽ hoạt động theo các hành lang giao thông đông đúc nhất thành phố, có cự ly dài nhất, đi qua nhiều vùng, hầu hết dùng xe buýt lớn có sức chứa tối đa 80 chỗ.
Buýt nhanh có hành trình ngắn hơn, kết nối vào tuyến trục và metro, nối liền những điểm đông khách như khu dân cư, trường học, khu công nghiệp, sử dụng xe buýt vừa (55 chỗ) và nhỏ (40 chỗ).
Buýt gom tiếp cận các khu vực còn lại, phần lớn có phạm vi hoạt động ngắn trong từng quận, huyện, nối các tuyến công suất lớn hơn, chủ yếu dùng xe buýt nhỏ dưới 17 chỗ.
Trao đổi vấn đề này, ông Nguyễn Văn Quyền – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho biết, hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải đang trình Chính phủ Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến quản lý hoạt động vận tải bằng xe ôtô. Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cũng đã có văn bản kiến nghị về vấn đề này.
Theo Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, hiện nay, nhu cầu đi lại ở các thành phố lớn ngày càng tăng cao, nhất là ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Các thành phố lớn đều đã và đang đặt ra nhiệm vụ về phát triển vận tải khách công cộng, giảm thiểu việc sử dụng phương tiện cá nhân, nhất là xe môtô, xe máy.
Nhà nước đã có kế hoạch đầu tư phát triển vận tải khách công cộng. Tuy nhiên, tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông đưa vào sử dụng nhưng khả năng thu hút khách không cao như kỳ vọng.
Trong khi đó, các tuyến xe buýt mới giải quyết một phần nhỏ nhu cầu đi lại trong điều kiện số ghế trống trên chuyến xe (kể cả vào giờ cao điểm) còn nhiều.
“Một trong những nguyên nhân của tình hình trên là nhu cầu kết nối từ nơi xuất phát đến các đầu mối vận tải (bến xe, ga đường sắt, điểm dừng xe buýt…) chưa được giải quyết tốt”, Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam nhấn mạnh.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Quyền, tại các đô thị lớn, tỉ lệ sử dụng môtô, xe máy rất cao; các địa phương đều đặt ra yêu cầu giảm sử dụng môtô và xe máy theo lộ trình, nhưng giải pháp để thay thế thì chưa rõ.
Trong khi đó, nhu cầu của người dân đi lại trên cung đường ngắn từ trên 500m đến dưới 3.000m là rất lớn (học sinh, sinh viên, người đến câu lạc bộ và công viên, người đi chợ…) hiện đa số đều sử dụng xe máy;
Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho biết thêm, trước đó, Hiệp hội Vận tải hành khách thành phố Hồ Chí Minh đã có đề xuất gửi Bộ Giao thông Vận tải cho tổ chức thí điểm sử dụng xe ôtô dưới 16 chỗ ngồi để vận chuyển xe buýt đường ngắn nối từ khu dân cư đến các đầu mối vận tải, công viên, chợ, trường học. Hiệp hội cho rằng cần ủng hộ đề xuất này.
Chính phủ đã và đang chỉ đạo thực hiện các chương trình về giảm thiểu khí thải, bảo vệ môi trường, giảm ùn tắc giao thông…, nên cần có những giải pháp mới mang tính đột phá.
Từ thực tiễn đó, Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam đề nghị bổ sung loại hình kinh doanh vận tải mini buýt, với loại xe trên 7 chỗ ngồi đến dưới 16 chỗ ngồi, sử dụng năng lượng điện, với các phương thức kết nối và thanh toán hiện đại; trong giai đoạn triển khai ban đầu có thể trợ giá để giải quyết vấn đề giao thông đô thị hiện nay.
Nguồn tin: https://laodong.vn/xe/kien-nghi-luat-hoa-mo-hinh-buyt-mini-1289993.ldo