Chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên ủng hộ biện pháp xử lý hình sự với người vi vi phạm nồng độ cồn ở mức cao dù chưa gây tai nạn.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này khuyến cáo thời điểm áp dụng biện pháp hình sự.
“Thói quen sử dụng rượu bia nhiều đã tồn tại rất lâu và hầu hết ở các vùng miền của Việt Nam. Do đó, việc hạn chế rượu bia của người Việt không thể thực hiện trong một sớm một chiều”, ông Bùi Danh Liên nhấn mạnh.
Ông Bùi Danh Liên cho biết thêm, thời gian qua lực lượng chức năng siết mạnh xử lý vi phạm nồng độ cồn đã có tác động rất lớn đến việc giảm thiểu tác hại của rượu bia, qua đó góp phần hạn chế tai nạn giao thông. Đây là biện pháp hữu hiệu cần tiếp tục được duy trì.
“Tuy nhiên, nếu áp dụng ngay các biện pháp mạnh như xử lý hình sự với người vi phạm nồng độ cồn quá cao mà chưa gây tai nạn sẽ gây ra phản ứng trái chiều người dân. Bởi thay đổi thói quen vẫn cần một quá trình chuyển đổi”, ông Liên chia sẻ.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội gợi ý, thời gian tới bên cạnh việc siết chặt xử lý vi phạm nồng độ cồn, lập các chốt xử lý, các đoàn thể như đoàn thanh niên, hội phụ nữ… cần vào cuộc tích cực hơn trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân.
Khi nào nhận thức của người dân thực sự thay đổi về tác hại nguy hiểm của lái xe sau khi uống rượu bia, khi đó chúng ta mới có thể áp dụng biện pháp mạnh hơn như xử lý hình sự.
Trước đó, tại hội thảo do Bộ Công an, Bộ Y tế tổ chức ngày 29.1, nhiều chuyên gia đưa ra ý kiến về việc xử lý hình sự với người vi phạm nồng độ cộ cồn quá cao.
Ông Trần Hữu Minh – Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, hiện mức xử phạt hành chính đối với vi phạm nồng độ cồn đã ở mức tương đối cao, tạo được sức răn đe tốt.
Tuy nhiên, pháp luật hiện hành quy định những người có nồng độ cồn ở mức trên 0,4mg/l khí thở, dù cao đến mấy vẫn chung một hình phạt.
Ông Minh lấy ví dụ về việc người uống 5 cốc bia hay 30 cốc, đều có thể bị xử phạt hành chính ở mức như nhau. Ông cho rằng, điều này chưa phù hợp và chưa tương xứng với mức độ vi phạm.
“Theo chúng tôi nếu vượt qua mức 3 hoàn toàn có thể tách ra để xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự, kể cả chưa gây hậu quả”, ông Minh nói.
Ngoài ra, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đề xuất nghiên cứu thêm việc đa dạng hóa hình thức xử phạt như trừ điểm bằng lái, phạt lũy tiến, buộc học và thi lại bằng lái xe, lao động công ích, treo bằng, tịch thu bằng, buộc lắp thiết bị kiểm soát nồng độ cồn trên xe…
Trong năm 2023, lực lượng CSGT toàn quốc đã xử lý hơn 770.000 trường hợp tài xế vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Như vậy, trung bình mỗi ngày xử lý khoảng 2.100 trường hợp.
Ngoài ra, theo thống kê điều tra xã hội học với 45.661 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại các trại giam của Bộ Công an, có 23.438 phạm nhân trước khi phạm tội có sử dụng rượu, bia.
Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định 3 mức vi phạm về “nồng độ cồn”, gồm:
Mức 1: Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở;
Mức 2: Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở;
Mức 3: Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.
Nguồn tin: https://laodong.vn/xe/hiep-hoi-van-tai-ha-noi-noi-ve-de-xuat-xu-ly-hinh-su-nguoi-vi-pham-nong-do-con-vuot-muc-3-1298800.ldo