Giảm phí trước bạ có tác động tích cực đối với người tiêu dùng
Theo khảo sát của phóng viên Báo Lao Động ở các đại lý xe hơi trên địa bàn TPHCM, cả người dân và các đại lý đều rất mong chờ chính sách giảm phí trước bạ.
Ghi nhận ở một đại lý thương hiệu Kia tại Quận 7, nhân viên tư vấn bán hàng chia sẻ: “Sau quý I có doanh số khá tốt thì tình hình kinh doanh của đại lý trong quý II lại rất ảm đạm. Khách gọi điện nhờ tư vấn xe cũng có nhưng đa số đều hỏi thông tin giá cả rồi đợi giảm phí trước bạ mới quyết định mua”.
Tình trạng thưa khách cũng đang diễn ra ở các đại lý thương hiệu Hyundai tại TPHCM. Trao đổi với một nhân viên bán hàng xe Hyundai, đa số khách hàng đều đã biết thông tin về việc lệ phí trước bạ khả năng cao sẽ được giảm trong tháng 6. Vì vậy, hầu hết khách hàng muốn chờ thông tin chính thức mới quyết định mua xe.
Giám đốc kinh doanh một đại lý thương hiệu Ford tại TPHCM cho biết, trong bối cảnh sức mua ôtô từ đầu năm 2024 đang khá yếu thì dự kiến chính sách giảm lệ phí trước bạ của Chính phủ được kỳ vọng sẽ giúp thị trường xe hơi tại Việt Nam sôi động hơn.
Chính sách mới của Chính phủ cũng có thể giúp các nhà phân phối ôtô giải quyết được nhiều “bài toán” khó, trong đó có gánh nặng về tài chính. Điều này dễ hiểu khi suốt quý I/2024, doanh số ôtô liên tục giảm mạnh, buộc các đại lý phải tung nhiều chương trình khuyến mãi kích cầu thị trường, kể cả việc tự tung ra các gói ưu đãi lệ phí trước bạ.
Kỳ vọng vào thị trường ôtô sau giảm phí trước bạ
Thông tin tới Báo Lao Động, Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Vam cho biết, tính đến hết tháng 5.2024, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm tới 14%, trong khi xe nhập khẩu tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tháng 5.2024, doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 25.794 xe, tăng 6% so với tháng 4.2024, tăng 24% so với tháng 5.2023.
Nhiều chuyên gia lý giải, thị trường ôtô trong tháng 5 có sự tăng trưởng, nhất là ôtô nhập khẩu, trong khi ôtô lắp ráp trong nước lại giảm. Với sự ấm lên của thị trường, cùng với những “trợ lực” từ chính sách, nhiều chuyên gia kỳ vọng ôtô lắp ráp trong nước sẽ bứt phá tăng trưởng sau khi chính sách giảm phí trước bạ chính thức được thông qua.
Liên quan đến chính sách giảm phí trước bạ, trong phiên họp Quốc hội đầu tháng 6, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, Chính phủ sẽ sớm ban hành Nghị định giảm lệ phí trước bạ ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước. Chính sách này áp dụng liên tục 3 năm gần đây. Ba lần thực hiện trước đó, Chính phủ luôn áp dụng mức giảm 50%.
Qua thực tiễn chứng minh, mỗi lần giảm phí trước bạ là một lần thị trường ôtô được hồi sức. Điển hình, trong 6 tháng cuối năm 2020 khi áp dụng chính sách này, lượng ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước đăng ký trước bạ lần đầu là 209.584 xe, bình quân 34.930 xe/tháng, tăng gấp 2,03 lần so với 6 tháng đầu năm 2020.
Tương tự, từ tháng 12.2021-5.2022 lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước đăng ký trước bạ lần đầu tăng 2,67 lần so với 6 tháng trước đó, lên 398.177 xe. Trong đó, số lượng ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước đăng ký trong tháng 12.2021 là 103.722 xe (tăng 2,67 lần so với tháng 11.2021); số lượng ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước đăng ký trong 5 tháng đầu năm 2022 là 294.455 xe (tăng từ 1,2 đến 2 lần so với các tháng cùng kỳ năm 2021 và chiếm gần 50% tổng số xe ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước đăng ký năm 2022).
Có thể nói, việc giảm lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước đã góp phần hỗ trợ tài chính cho người dân, doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy sức mua trong nước, tạo đà cho việc tái sản xuất, nối lại chuỗi cung ứng, phục hồi tốc độ tăng trưởng của ngành sản xuất, lắp ráp ôtô. Do đó, chính sách này đang rất được người dân mong đợi.
Trao đổi với Báo Lao Động, đại diện Bộ Tài chính cho biết, việc giảm mức thu lệ phí trước bạ có tác động tích cực đối với người tiêu dùng, nhà sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước và kinh tế xã hội. Theo Bộ Tài chính, thời gian qua, việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước góp phần hỗ trợ tài chính cho người dân, doanh nghiệp thông qua việc trực tiếp giảm chi phí khi đăng ký quyền sở hữu ôtô, từ đó kích cầu nhu cầu, thúc đẩy người dân, doanh nghiệp mua sắm ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng và sản xuất kinh doanh. Qua đó, hỗ trợ các nhà sản xuất, nhà phân phối tiêu thụ được lượng ôtô tồn kho kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát. Đồng thời, thúc đẩy các nhà sản xuất ôtô trong nước đẩy mạnh sản xuất, lắp ráp xe mới đưa vào thị trường.
Nguồn tin: https://laodong.vn/xu-huong-xe/giam-le-phi-truoc-ba-tro-luc-cho-thi-truong-oto-viet-nam-1353185.ldo