Ghi nhận tại bến xe Mỹ Đình, nhiều người mặc áo xe ôm công nghệ nhưng khi lại gần hỏi giá theo app thì được biết họ là xe ôm truyền thống không có app công nghệ.
Báo Lao Động từng phản ánh tại các bến xe, nhiều người mặc áo xe ôm công nghệ chèo kéo khách ngoài với giá cao.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Vân (29 tuổi, Thái Bình) chia sẻ, khi chị đặt chân xuống bến xe Giáp Bát, Hà Nội ngay lập tức được một tài xế tiến lại gần chào mời đi xe ôm.
Tài xế còn nắm luôn cổ tay khách kéo đi hoặc nhanh tay giằng lấy túi đồ của khách. Dù chưa đồng ý, nhưng người đàn ông này vẫn kéo tay, đồng thời xách hộ túi đồ của chị Vân đưa ra xe đang đỗ ở ngay cổng bến. Khi chị Vân hỏi giá tiền về đường Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) thì bị người này “hét” giá 130.000 đồng. Biết số tiền quá cao, thậm chí cao gấp 2-3 lần so với thực tế nên chị đành ngồi chờ người nhà ra đón.
Còn chị Nguyễn Minh Hà (sinh viên) chia sẻ về một chuyến đi từ bến xe Nước Ngầm về Trường Đại học Ngoại thương, ban đầu tưởng xe ôm công nghệ, chạy đúng giá GrabBike nên chị lên xe là đi luôn, trong khi giá thực tế trên ứng dụng chỉ khoảng hơn 60.000 đồng mà tài xế “chém” đến 120.000 đồng.
Khi phản ứng giá cao quá thì người này liền to tiếng, hăm dọa nên chị Hà cũng đành phải chấp nhận với mức giá này.
Khảo sát trên thị trường online, đồng phục các hãng xe ôm công nghệ được bày bán công khai trên mạng, nhiều nơi giá còn rẻ hơn so với chính hãng cung cấp.
Ví dụ bộ đồng phục grab được công khai giá gói cơ bản là 380 ngàn đồng, trong đó, mũ là 80 nghìn/2 mũ; áo thun dài là 70 ngàn / chiếc, áo khoác là 150 ngàn/chiếc.
Trong khi đó, tại 1 website công khai áo thun dài grab là 58 đến 65 ngàn/áo, mũ grab từ 62 đến 75 nghìn/2 mũ.
Trao đổi với Lao Động về tình trạng này, luật sư Nguyễn Tình, phó trưởng văn phòng Tinh hoa Việt cho biết, nếu người hành nghề xe ôm công nghệ dùng app (Grab, Be) các hãng này có quy định xử lý.
Theo quy tắc ứng xử của Grab quy định cấm sử dụng đồng phục, thương hiệu của Grab gây ảnh hưởng đến Grab. Cụ thể các hành vi như, chào mời khách hàng sử dụng dịch vụ ngoài ứng dụng, sử dụng hình ảnh, thương hiệu của Grab đón khách ngoài, lừa đảo chiếm đoạt tài sản xe ôm công nghệ bị khóa ứng dụng vĩnh viễn.
Ngoài ra, xe ôm công nghệ mặc trang phục không gọn gàng lịch sự, quần cộc quá đầu gối, áo sát nách, đi dép lê… Sử dụng đồng phục cũ rách/ bạc màu hoặc không mua trực tiếp từ Grab, xe ôm công nghệ sẽ bị khóa tài khoản theo thời hạn.
Bộ quy tắc ứng xử của Be cũng quy định sử dụng các thiết bị hoặc ứng dụng khác hoặc bất kỳ một thủ thuật nào khác để thực hiện chuyến đi/hàng hóa/đơn hàng nhằm gian lận, xe ôm công nghệ bị Khóa tài khoản vĩnh viễn.
Hoặc xe ôm công nghệ bị khách hàng than phiền về tình trạng xe và/hoặc trang phục/mũ bảo hiểm không sạch sẽ khi cung cấp dịch vụ sẽ bị cảnh báo hoặc khóa tài khoản theo thời hạn.
Tài xế BeBike không mặc đủ trang phục Be (trang bị đầy đủ bao gồm mũ bảo hiểm và áo phông hoặc áo khoác cũng sẽ bị khóa tài khoản.
Ngoài ra các hãng công nghệ đều đưa ra quy định, ngoài việc áp dụng các hình thức nêu tại bộ quy tắc ứng xử, các hãng xe ôm công nghệ có quyền cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra hoặc các cơ quan có thẩm quyền khác xử lý.
Tuy nhiên, nếu xe ôm mặc áo Grab, Be nhưng không có app thì các hãng xe ôm công nghệ không thể áp dụng quy tắc này.
“Để đảm bảo quyền lợi, hành khách khi lựa chọn dịch vụ xe ôm, người dân nên hỏi kỹ xem họ là xe ôm công nghệ hay xe ôm truyền thống. Nếu đó là xe ôm mặc quần áo xe ôm công nghệ nhưng không dùng app cần thẳng thắn trao đổi về mức giá trước khi sử dụng”, Luật sư Nguyễn Tình chia sẻ.
Nguồn tin: https://laodong.vn/xe/dong-phuc-hang-xe-om-cong-nghe-ban-tran-lan-tren-mang-1311523.ldo