“Nên rút giấy phép đơn vị bị tước phù hiệu vẫn trây ỳ hoạt động”
Như Lao Động đã thông tin, các đơn vị như Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ vận tải Phiệt Học, Công ty TNHH Sơn Hà, dù xe đã bị cơ quan chức năng tước phù hiệu nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động đón trả khách.
Trong khi đó, tại một số điểm du lịch, tình trạng xe điện “3 không” (không phép, không biển số, không phù hiệu) vẫn vô tư thực hiện hoạt động đưa đón khách, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên cho rằng, thời gian qua, xe không được cấp phù hiệu, hoặc thu hồi phù hiệu vẫn hoạt động khá phổ biến. Điều này khiến cho môi trường kinh doanh vận tải rất “loạn”.
Đã đến lúc Việt Nam cần phải mạnh tay hơn với các loại xe vi phạm.
Theo ông, việc chỉ thu hồi phù hiệu 1 loại xe là chưa đủ sức răn đe. Bởi việc thu hồi chỉ thực hiện với chính xe đó trong một thời gian nhất định.
Qua theo dõi, ông Bùi Danh Liên cho rằng, cuối năm 2023, Sở Giao thông Vận tải TPHCM đã ra quyết định thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải xe ôtô không thời hạn với một đơn vị nhà xe khi gây hậu quả nghiêm trọng. Đây là động thái cứng rắn cần thiết.
“Đây có thể coi là án lệ để các địa phương như Hà Nội có thể nghiên cứu áp dụng đối với nhà xe có nhiều vi phạm, xe bị thu hồi phù hiệu vẫn trây ỳ hoạt động để tránh để tình trạng đáng tiếc xảy ra” – chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên nhấn mạnh.
Ngoài ra, muốn dẹp xe dù bến cóc thì Bộ Tài chính nên có thay đổi thu thuế khoán cho địa phương quản lý (như trước đây). Theo đó, xe đăng ký kinh doanh phải nộp thuế khoán tại quận, huyện quản lý. Việc làm này phải thống nhất trong cả nước, có mức thuế riêng cho từng vùng miền.
Luật sư Nguyễn Thu Trang, Văn phòng Luật sư Hưng Đạo Thăng Long cho rằng, một khi cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản về việc thu hồi phù hiệu, thì hậu quả pháp lý phải được thực hiện nghiêm chỉnh chứ không chỉ dừng lại trên giấy. Nếu không sẽ xảy ra tình trạng nhờn luật.
“Để làm được điều này, công tác tăng cường hậu kiểm thu hồi phù hiệu là vô cùng quan trọng. Điều này đảm bảo quyết định của nhà nước phải được thực hiện triệt để”, luật sư Trang nói.
Đẩy mạnh phân cấp, giảm thủ tục hành chính
Bên cạnh việc siết chặt quản lý với các xe vi phạm về cấp phép, cấp phù hiệu, các chuyên gia đồng quan điểm phải tăng cường bảo vệ các xe được cấp phép. Cần phải tạo môi trường minh bạch trong kinh doanh vận tải, tạo được mức độ hấp dẫn với các xe kinh doanh vận tải đảm bảo pháp lý.
Theo đó, không chỉ ngành giao thông vận tải mà các địa phương cần vào cuộc đấu tranh với tình trạng xe không biển số, không phù hiệu ngang nhiên hoạt động.
“Bản thân chúng tôi rất thông cảm với ngành giao thông vận tải. Bởi lực lượng của ngành giao thông vận tải không đủ lớn để có thể giám sát toàn bộ các xe kinh doanh vận tải hoạt động trên địa bàn. Do đó, cùng với lực lượng giao thông, các đơn vị khác như Công an, UBND các quận, huyện, xã phường cần tích cực vào cuộc hơn nữa trong công tác loại bỏ xe dù bến cóc” – chuyên gia Bùi Danh Liên đưa ra nhận định.
Còn luật sư Nguyễn Thu Trang cho rằng, thời gian tới phải tăng cường giám sát xe không đạt tiêu chuẩn. Nhất là các xe điện ở khu du lịch. Các địa bàn này không quá rộng nên hoàn toàn có thể kiểm tra kiểm soát thường xuyên.
Bên cạnh sự kiểm tra của Sở Giao thông Vận tải, các đơn vị như Công an, UBND các quận huyện, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, ban quản lý di tích cần phải vào cuộc tích cực hơn.
Các chuyên gia đều cho rằng, thời gian tới, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Thí dụ đến lúc đưa bến xe, nhà xe về địa phương, quận huyện quản lý. Đơn vị này gần gũi hơn nên có thể kiểm tra giám sát thường xuyên với các hoạt động kinh doanh vận tải.
Nhằm tạo môi trường cho các xe kinh doanh vận tải hoạt động thuận lợi, theo các chuyên gia là cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong cấp phép, cấp phù hiệu.
Chuyên gia Bùi Danh Liên cho biết thêm: “Thời gian qua, hiệp hội lắng nghe nhiều đơn vị phản ánh, việc cấp phép cho xe điện còn nhiều khó khăn, phức tạp. Do đó, cơ quan nhà nước cần cải cách hành chính thông thoáng hơn khuyến khích phát triển loại hình xe điện. Khi quy trình đã thông thoáng, việc cấp phép được đảm bảo cũng là tiền đề để loại bỏ các loại hình xe điện không được cấp phép”.
Liên quan đến vấn đề Báo Lao Động phản ánh, phóng viên đã liên hệ với Sở Giao thông Vận tải Hà Nội và hiện vẫn chờ phản hồi từ phía cơ quan chức năng.
Nguồn tin: https://laodong.vn/xe/dau-hieu-nhon-luat-can-manh-tay-thu-hoi-giay-phep-nha-xe-nhieu-vi-pham-1308831.ldo