Luật sư Nguyễn Tình, Phó Trưởng văn phòng luật sư Tinh hoa Việt phân tích, việc khoán kinh phí đối với xe ôtô công nhằm hướng tới mục tiêu tiết kiệm ngân sách.
Ví dụ với chức danh Chủ tịch UBND tỉnh là chức danh được sử dụng xe ôtô với giá mua tối đa 1,4 triệu đồng (theo điểm a khoản 1 Điều 7 Nghị định số 72/2023/NĐ-CP).
Tại khoản 2 Điều 7 Nghị định này quy định trường hợp các chức danh quy định tại khoản 1 Điều này (trong đó có chức danh Chủ tịch UBND tỉnh) tự nguyện nhận khoán kinh phí sử dụng xe ôtô thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ tình hình thực tế của cơ quan, tổ chức, đơn vị, phương án nhận khoán và số lượng chức danh nhận khoán kinh phí để xem xét, quyết định việc khoán kinh phí và số lượng xe ôtô trang bị, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả giữa việc bố trí xe ôtô phục vụ công tác với việc khoán kinh phí sử dụng xe ôtô.
Việc khoán kinh phí sử dụng xe ôtô thực hiện theo quy định tại Điều 21 Nghị định này.
Một số điểm đáng lưu ý tại Điều 21 khoán kinh phí sử dụng xe ôtô như sau:
Công đoạn khoán kinh phí sử dụng xe ôtô:
Đưa, đón từ nơi ở đến cơ quan và ngược lại.
Đi công tác.
Hình thức và mức khoán kinh phí:
Hình thức khoán theo km thực tế
Đối với công đoạn đưa, đón từ nơi ở đến cơ quan và ngược lại: Mức khoán kinh phí sử dụng xe ôtô được xác định trên cơ sở số km từ nơi ở đến cơ quan (2 lần/ngày), số ngày làm việc thực tế trong tháng và đơn giá khoán.
Đối với công đoạn đi công tác: Mức khoán kinh phí sử dụng xe ôtô được xác định trên cơ sở số km thực tế của từng lần đi công tác và đơn giá khoán.
Hình thức khoán gọn:
Đối với công đoạn đưa, đón từ nơi ở đến cơ quan và ngược lại: Căn cứ khoảng cách bình quân từ nơi ở đến cơ quan và ngược lại, số ngày đưa, đón bình quân hàng tháng của các chức danh có tiêu chuẩn, đơn giá khoán để xác định mức khoán gọn áp dụng cho các chức danh.
Đối với công đoạn đi công tác: Căn cứ số km bình quân đi công tác hàng tháng theo yêu cầu công việc của các chức danh tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước và đơn giá khoán.
Đơn giá khoán: Phù hợp với đơn giá dịch vụ vận chuyển của phương tiện vận tải tương đương trên thị trường.
Nguồn kinh phí khoán được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước, nguồn kinh phí được phép sử dụng của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước. Kinh phí khoán được thanh toán cho người nhận khoán cùng với việc chi trả tiền lương hàng tháng.
Nguồn tin: https://laodong.vn/xe/chu-tich-tinh-khong-di-oto-cong-duoc-khoan-kinh-phi-1379010.ldo