Luật Đường bộ số 35, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ số 36 có hiệu lực từ ngày 1.1.2025 tới đây sẽ thay thế Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Trong đó, không quy định về thẩm quyền dừng phương tiện giao thông đối với Thanh tra đường bộ.
Cụ thể, theo Điều 83, Luật Đường bộ số 35/2024/QH15, Thanh tra đường bộ có nhiệm vụ sau đây:
Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về kết cấu hạ tầng đường bộ; vận tải đường bộ tại đơn vị vận tải, bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, đơn vị thực hiện dịch vụ hỗ trợ vận tải;
Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về hoạt động đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, hoạt động kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới, trừ hoạt động đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe của lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ;
Nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật về thanh tra và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Như vậy, so với Luật giao thông Đường bộ 2008 thì Luật Đường bộ số 35/2024 không còn quy định nhiệm vụ và quyền hạn được phép dừng phương tiện giao thông, yêu cầu người điều khiển phương tiện thực hiện các biện pháp để bảo vệ công trình theo quy định của pháp luật và phải chịu trách nhiệm về quyết định đó của Thanh tra giao thông vận tải đường bộ.
Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 35/2018/QH14 và Luật số 44/2019/QH14 hết hiệu lực kể từ ngày Luật Đường bộ 2024 có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp quy định tại Điều 86 của Luật Đường bộ 2024.
Nguồn tin: https://laodong.vn/lai-xe-an-toan/chi-tiet-quyen-cua-thanh-tra-giao-thong-tu-112025-1381271.ldo