Cử tri thành phố Long Khánh (Đồng Nai) kiến nghị xem xét lại quy định kiểm định xe ôtô, xe cơ giới cũng như quy trình sát hạch thi giấy phép lái xe A1, A2, B1, B2… còn nhiều bất cập. Bên cạnh đó người dân phải đóng rất nhiều loại phí như: Phí cầu đường, phí đăng kiểm, các loại lệ phí nên giảm bớt gánh nặng cho người dân.
Trả lời vấn đề này, ngày 13.3, Bộ GTVT cho biết, giá dịch vụ kiểm định phương tiện vận tải, giá dịch vụ sử dụng đường bộ trả khi sử dụng đường bộ đầu tư theo hình thức BOT: Chi phí cho dịch vụ kiểm định phương tiện bao gồm giá dịch vụ kiểm định và lệ phí cấp giấy chứng nhận (riêng khoản thu phí sử dụng đường bộ là thu hộ cho Ngân sách nhà nước) khi chủ phương tiện nộp tại đơn vị đăng kiểm.
Về mức thu giá dịch vụ kiểm định và mức thu lệ phí cấp giấy chứng nhận về cơ bản không thay đổi trong hơn 10 năm qua, mặc dù các chi phí hoạt động đầu vào của hoạt động đăng kiểm đều tăng.
Năm 2022, khi Bộ Tài chính điều chỉnh mức thu giá dịch vụ đăng kiểm thêm 10.000 đồng để bù đắp cho chi phí tổ chức thu lệ phí thì đồng thời, Bộ Tài chính điều chỉnh giảm mức thu lệ phí đi tương ứng 10.000 đồng nên tổng chi phí người dân phải nộp tại đơn vị đăng kiểm không tăng thêm.
Giá dịch vụ sử dụng đường bộ phải trả khi sử dụng đường bộ theo hình thức BOT là số tiền chủ phương tiện chi trả khi lưu thông qua các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ của các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo hình thức đối tác công tư.
Mức thu tại các trạm BOT tuân thủ theo quy định của pháp luật về đầu tư đối tác công tư và thực hiện cơ chế giá quy định tại Luật Giá, Thông tư số 35/2016/TTBGTVT ngày 15.11.2016 và Thông tư số 28/2021/TT-BGTVT ngày 30.11.2021 của Bộ Giao thông vận tải.
Trả lời về quy định kiểm định xe ôtô cũng như quy trình sát hạch thi giấy phép lái xe (GPLX) A1, A2, B1, B2… còn nhiều bất cập, Bộ GTVT cho biết, về lĩnh vực kiểm định xe cơ giới: Triển khai quy định của Luật Giao thông đường bộ 2008, Bộ GTVT đã xây dựng, hoàn thiện các quy định, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện làm cơ sở, căn cứ để các tổ chức, cá nhân liên quan triển khai thực hiện công tác quản lý nhà nước về điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới khi tham gia giao thông đường bộ.
Nhằm đáp ứng thực tiễn phát triển nhanh của số lượng phương tiện, Bộ GTVT đã chỉ đạo các đơn vị tham mưu rà soát, sửa đổi bổ sung các quy định về đăng kiểm.
Thực tế đã chứng minh công tác đăng kiểm có những tích cực.
Về lĩnh vực đào tạo, sát hạch lái xe: Công tác tổ chức sát hạch lái xe đối với học viên sau khi hoàn thành khóa học tại cơ sở đào tạo được thực hiện theo quy trình sát hạch lái xe quy định và các Sở GTVT thực hiện thống nhất trên toàn quốc.
Tất cả các thí sinh phải thực hiện đầy đủ các nội dung sát hạch lý thuyết, sát hạch thực hành trước khi được công nhận kết quả.
Việc sát hạch để cấp giấy phép lái xe được thực hiện tại các trung tâm sát hạch lái xe hoặc sân sát hạch lái xe có đủ điều kiện hoạt động theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
Việc tổ chức các nội dung sát hạch đều được thiết bị tự động hóa trên sân sát hạch chấm điểm, báo cáo kết quả mà không có sự can thiệp của con người, kết quả các nội dung sát hạch và hình ảnh giám sát tại phòng sát hạch lý thuyết, phòng sát hạch mô phỏng và trên sân sát hạch được hiển thị trực tiếp tại trung tâm sát hạch, truyền trực tiếp về cơ quan quản lý để giám sát và phục vụ công tác thanh, kiểm tra đảm bảo minh bạch và chặt chẽ.
Nguồn tin: https://laodong.vn/xe/bo-gtvt-phan-hoi-kien-nghi-giam-phi-dang-kiem-phi-cau-duong-1314715.ldo