Đối với Kazuo Ishiguro, Nhật Bản là một giấc mộng ám ảnh tựa như Nước Mỹ trong trí tưởng tượng mơ màng của Franz Kafka. Đến Anh Quốc khi mới 5 tuổi, dấu ấn Nhật Bản còn sót lại của K. Ishiguro chỉ là cái tên khai sinh và khuôn mặt đặc trưng của một người châu Á. Không thể nói và viết bằng tiếng mẹ đẻ, nhưng hai cuốn tiểu thuyết đầu tiên của K. Ishiguro lại có chủ đề xoay quanh con người và đất nước Nhật Bản thời hậu chiến.
Ngạc nhiên hơn, ông đã hoàn thành chúng mà chưa một lần quay trở lại cố quốc. Trong chuyến thăm Nhật Bản lần đầu tiên năm 1989, K. Ishiguro dường như đã thật sự vỡ mộng khi tâm sự với nhà văn Kenzaburo Oe: “Cha mẹ tôi vẫn cố gắng tiếp tục dạy dỗ con trai mình những kiến thức tối thiểu nhằm chuẩn bị cho tôi trở lại Nhật Bản. Cho nên tôi đã nhận được một số sách và tạp chí (về Nhật Bản). Dĩ nhiên hồi ấy tôi vẫn chẳng biết gì hơn về Nhật Bản vì chưa có dịp trở lại. Nhưng ở nước Anh, tôi đã dành tất cả thời gian của mình để dựng xây và khắc họa trong tâm trí tôi một nước Nhật tưởng tượng (…) và rồi tôi thật sự nhận ra rằng nước Nhật mà tôi hằng trân trọng thực sự chỉ là tồn tại trong trí tưởng tượng của tôi”.
Tác giả Kazuo Ishiguro
Lần trở lại cố hương ấy dường như đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong đời viết văn của K. Ishiguro khi mọi giá trị về nước Nhật mà ông từng kiến tạo dường như đã tan ra từng mảnh chẳng khác nào tâm trạng của Achebe khi viết Thing falls apart hay S. Rushdie với Midnight children. Nhất là khi trước đó, ngòi bút của ông bắt đầu hướng về nước Anh, quê hương thứ hai của mình đánh dấu bằng sự kiện cuốn tiểu thứ ba của ông: The reamains of the day đã ra mắt trong sự ngỡ ngàng từ công chúng.
Phải chăng một cuộc đào tẩu căn tính của K. Ishiguro đã thật sự bắt đầu? Nhưng tất cả đã không diễn ra một cách dễ dàng và êm thấm như vậy. Trong những tác phẩm tiếp theo và đặc biệt là Never let me go, K. Ishiguro đã dẫn dụ người đọc vào chuyến hải trình nổi trôi đến một nước Anh tưởng tượng. Rút cục, Anh Quốc dường như chỉ là một chốn Utopia để K. Ishiguro thoải mái khẳng định những đức tin cố hữu của mình – nơi làm sống lại những kiến giải nhân văn mà ông từng hình dung về Nhật Bản trong quá khứ.
Mang một nhan đề lãng mạn gợi nhớ một bộ phim tình cảm của tài tử Clark Gable, thực tế Never let me go lại là một tiểu thuyết khoa học giả tưởng mô tả về một xứ sở Anh Quốc khác – nơi con cháu của Victor Frankenstein cuối cùng cũng hoàn thiện sứ mệnh của Prometheus thời hiện đại: sáng tạo ra sự sống và “có thể trả lại sự sống ở những cơ thể đã bị tử thần biến hoàn toàn cho mục rữa” .
Tại nước Anh đó, bệnh ung thư và hàng loạt căn bệnh hiểm nghèo đã được các bác sĩ chữa khỏi khiến người ta hoàn toàn quên mất rằng… nguồn nội tảng mạnh khỏe và khổng lồ ấy đến từ những cá thể người nhân bản vô tính. Những người vô tính đó được nuôi dưỡng bí mật trong những ngôi trường nội trú tách biệt với đời sống bên ngoài, bị triệt sản hoàn toàn và cuộc đời “đã được định sẵn” để trở thành thế thân cho kẻ khác trước lưỡi hái tử thần. Ngôi trường Hailsam nơi Kathy, Ruth và Tommy lớn lên cũng là một “trại trẻ mồ côi” như vậy. Chỉ có một điều đặc biệt biến Hailsam trở thành huyền thoại so với các “cơ sở nuôi người” khác đó là các giáo viên ở đây muốn các em học sinh được sống tốt đẹp hơn so với cái cuộc sống ngắn ngủi lẽ ra các em phải chịu.
Nhưng vô tình “đặc ân” đó lại nuôi dưỡng trong tâm trí của Kathy, Ruth và Tommy ước mơ cháy bỏng: được sống bên cạnh người mình yêu dù chỉ trì hoãn thêm một vài năm trước khi bị “đồng loại” của mình cướp đi sự sống. Với giọng kể bình thản và cam chịu của Kathy H, tấn bi kịch của cả một lớp người bị ngược đãi và quên lãng cứ dần được hé lộ qua từng trang văn bản. Là “những chuyên gia về cái chết” nhưng không mảy may biết gì về cuộc sống hiện tại ngoài các điều méo mó học được từ một vài tác phẩm văn học, nghệ thuật, phim truyền hình rẻ tiền và thậm chí cả… tạp chí khiêu dâm, một mối tình tay ba trong sáng, một tình bạn phi vụ lợi và khát vọng sống vẫn nảy nở trong Kathy, Ruth và Tommy.
Chúng diễn ra trong bầu không khí u hoài, êm đềm gợi nhớ tới những tiểu thuyết của N. Soseki hay các bộ phim nhẹ nhàng của Ozu và xa hơn là hình bóng vẻ đẹp con người Nhật Bản truyền thống. Trong Never let me go, các nhân vật đã chấp nhận cái chết như một phần của sự sống và trải nghiệm cảm giác cận kề đó yên bình tựa một giấc chiêm bao. Nhưng những ám ảnh sau giấc mộng về nước Anh tưởng tượng của Ishiguro vẫn tiếp tục theo đuổi người đọc với những câu hỏi thường trực: Chúng ta là ai? Thế nào là con người? Ai mới có quyền được sống, tự do và mưu cầu hạnh phúc?
3 diễn viên chính trong bộ phim chuyển thể cùng tên
“Cả đến con vật cũng có đôi có lứa, mà chỉ mình ta đơn chiếc hay sao? Ta từng có tình cảm yêu thương nhưng nó được đền đáp bởi ghét bỏ và căm giận (…) chẳng lẽ người có quyền hạnh phúc khi ta phải đắm mình trong cảnh khốn nạn tận cùng ư? Ngươi có thể tiêu diệt mọi tình cảm khác của ta, nhưng sự thù hằn còn mãi đó – thù hằn ở đây quý báu hơn cả ánh sáng, thức ăn!”. Đó là những lời ai oán và đe dọa tiến sĩ Victor Frankenstein từ con quái vật được chính chàng tạo ra trong một phút giây khoái cảm điên rồ. Nhưng xa hơn, đó cũng là những câu hỏi về định nghĩa và giá trị Người của M. Shelley dành cho nhân loại khi tại thời điểm bà viết cuốn truyện rùng rợn này vẫn tồn tại chế độ nô lệ, nạn phân biệt chủng tộc vv.
Sau hơn một thế kỷ, Ishiguro và nhiều nghệ sĩ khác vẫn tiếp tục kiếm tìm câu trả lời. Sự phát triển của nền văn minh nhân loại, tiến bộ của khoa học kỹ thuật dường như chỉ kéo chúng ta ra xa đáp án cần tìm kiếm. Nhưng rõ ràng, chúng không thể được trả lời bằng sự căm thù, bạo lực, cái ác mà tên ác thần trong Frankenstein đã thực hiện, mà tự sự bao dung và tha thứ với cuộc đời còn nhiều bất công này.
Hải Ngọc – Trạm đọc (Read Station)