Kinh Thánh quả thực là một văn bản văn chương kinh điển cần thiết cho mọi người, mọi nhà.
Trong lịch sử của ngành in ấn thánh kinh ở Việt Nam, khi nhắc đến Kinh thánh, độc giả hiện đại thường hình dung ra một cuốn sách khổ nhỡ, in gộp cả Cựu ước và Tân ước, bìa da màu đen in dòng chữ “Kinh Thánh” nhũ vàng trang nghiêm, bên trong là loại giấy trắng mỏng chất lượng cao, cỡ chữ nhỏ, chia thành các cột được sắp xếp và đánh số một cách chặt chẽ, khoa học. Những đặc điểm tương đối thống nhất về mặt hình thức in ấn đó đã góp phần tạo nên một ấn tượng chung của độc giả khi nhắc đến Kinh Thánh: đó là một cuốn kinh của những người theo Ki-tô giáo, dành riêng cho những người theo Ki-tô giáo, phục vụ các hoạt động thuộc về đức tin và nghi lễ; và từ góc độ nghiên cứu, nó là đối tượng của môn thần học.
Điều đó không sai. Song nếu nhìn từ góc nhìn lịch sử, chúng ta có thể thấy rằng Ki-tô giáo không ra đời từ chân không và trong một khoảnh khắc nhất thời. Xuất phát điểm của nó là đức tin về một tương lai bớt đau khổ hơn của các cộng đồng (hầu hết là người Do Thái) thuộc tầng lớp khốn cùng trong lòng đế chế La Mã, những người quyết duy trì đức tin để sống còn và quyết sống còn để bảo vệ đức tin của mình trong hoàn cảnh luôn bị truy đuổi, bách hại. Quá trình hình thành Ki-tô giáo kể từ sau cái chết của chúa Jesus, như vậy, là một quá trình trải qua nhiều thế hệ với những đấu tranh khốc liệt để tồn tại và lớn mạnh.
Tương tự, cuốn kinh Tân Ước, kể về cuộc đời chúa Jesus và sự hình thành, phát triển của Ki-tô giáo trong lòng đế chế La Mã, cũng không phải là một sản phẩm từ hư vô hay tự hoàn bị. Tân Ước ngay từ đầu không phải tồn tại tự nhiên nhi nhiên như một phần của Kinh Thánh như chúng ta thấy bây giờ. Đúng hơn, đó là một quá trình ở đó các câu chuyện được tạo dựng, được kể, truyền miệng, ghi chép, biên tập và thánh điển hoá. Bản thân tên gọi của nó (New Testament, bản “Giao ước Mới” hay “Tân Ước”) cũng đã ngầm chứa trong đó cả một quá trình đấu tranh, thương thoả, chọn lựa, sàng lọc, quy điển để đi đến quyết định cuối cùng về những truyện kể nào được đưa vào một “tác phẩm” chung có tính chất thánh điển, được gọi là Tân Ước. Quá trình quy điển hoá này kéo dài đến tận cuối thế kỉ 4, từ đó Tân Ước có nội dung và kết cấu như ta biết ngày nay.
Nói cách khác, trước khi trở thành sách kinh của một tôn giáo, Tân Ước có thể dược xem là một tuyển tập các truyện kể của các tác giả khác nhau, được hình thành trong quãng thời gian từ khoảng giữa thế kỉ 1 đến khoảng giữa thế kỉ 2 (hoặc muộn hơn nữa, tuỳ các quan điểm khác nhau của các học giả), kể về một nhân vật trung tâm là Jesus – người hiện thân cho những khát khao hướng tới một thế giới tốt đẹp hơn của những cộng đồng người cùng khổ trong lòng đế chế La Mã thời điểm bấy giờ – và các thiết chế của một tôn giáo được hình thành dần dần trên nền tảng là các lời rao rảng được cho là của ông, do những người đi theo ông hoặc người đời sau chép lại và truyền bá (trong quá trình thánh điển hoá, những “người đi theo ông” sẽ trở thành các “tông đồ” của Chúa, và một số những “người đời sau” sẽ trở thành các “Thánh”). Các truyện kể này được viết ra, tồn tại, tương tác với các thiết chế và cộng đồng người đọc người nghe đương thời, và lưu truyền, tác động tới người đọc, người nghe trước hết trong tư cách là các truyện kể/ tự sự (narrative). Nghĩa là, các chuyện/truyện kể này phải được thiết kế theo những chiến lược trần thuật nào đó nhằm hướng tới các đối tượng độc giả cụ thể, trong những bối cảnh cụ thể, để có thể dễ dàng đi vào lòng công chúng và thuyết phục họ tin vào một hình tượng Jesus mà tác giả các truyện kể này muốn kiến dựng, nhằm lôi kéo công chúng đi theo đức tin mà họ đang vun đắp và theo đuổi. Cùng với quá trình lớn mạnh dần của các tổ chức mang tính tôn giáo, các truyện kể này dần được khuôn định và được luân chuyển, truyền bá, tuân theo các nguyên tắc tổ chức ngày một chặt chẽ của các cộng đoàn. Đó chính là lí do quan trọng khiến Kinh Thánh, ngoài ý nghĩa tôn giáo của nó, vẫn thường được trích dẫn trong các tuyển tập văn chương, được đưa vào trong danh sách đọc của các khoá học thuộc ngành nghiên cứu văn chương và văn hoá ở các nước Âu Mĩ và trên thế giới nói chung.
Xin phân tích một khía cạnh cụ thể làm ví dụ: về mặt tổng thể, nếu xâu chuỗi các truyện kể trong Tân Ước lại với nhau, ta sẽ thấy hiện lên một nhân vật trung tâm chính là Jesus, người có dáng dấp của một nhân vật bi kịch, bền gan theo đuổi lí tưởng và sẵn sàng chết cho lí tưởng mà mình đã chọn. Mô hình truyện kể này hẳn có gốc gác rất xa xưa, từ những mẩu thần thoại Hy Lạp kiểu các câu chuyện kể về thần Prometheus sẵn sàng xả thân, lấy trộm lửa từ thiên đình đem xuống hạ giới cứu loài người, cho đến những mẫu hình triết gia thời Hi Lạp cổ đại sẵn sàng chết vì tư tưởng triết học mà họ đã nghiền ngẫm và theo đuổi, như Socrates (470-399 BC). Bản thân “gospel” (tin mừng, tin lành, phúc âm) trước khi trở thành Gospel (được viết hoa, với ý nghĩa chỉ riêng “Tin mừng” của Thiên Chúa, hiện diện trong các phiên bản “Tin mừng” cụ thể khác nhau theo các Thánh), cũng là một thể loại chuyện/truyện phổ biến trong thời kì đầu của đế chế La Mã. Đến lượt nó, với sự tham dự của các tông đồ trong việc sử dụng hình thức chuyện/truyện kể này để phục vụ cho các mục đích tôn giáo, nó đã thay đổi ý nghĩa và hình thức, và dần trở thành một điển mẫu mới cho các hoạt động truyền giáo ở các thế hệ sau.
Từ góc nhìn này, việc xuất hiện nhiều bản dịch Kinh Thánh khác nhau sang tiếng Việt, mà trường hợp gần đây nhất là việc Omega+ và Nhà xuất bản Tôn giáo trong những tháng cuối cùng của năm 2022 cho in lại bản dịch Tân Ước của linh mục, dịch giả Nguyễn Thế Thuấn, là một tín hiệu đáng mừng (bản dịch Cựu Ước của cùng dịch giả cũng sẽ sớm được in lại), không chỉ bởi đây là một bản dịch được đánh giá cao, mà còn bởi việc xuất bản này giúp Kinh Thánh không còn bị giới hạn trong cái ý nghĩa là một bản kinh của riêng cộng đồng giáo dân, dùng cho các hoạt động nghi lễ và đức tin giáo lí. Kinh Thánh cần được nhìn nhận từ những góc nhìn khác nhau, cần được đọc và tìm hiểu từ nhiều cộng đồng đọc khác nhau, trong đó có bình diện văn chương và lịch sử thế tục như được đề cập ở trên. Bài “Tiểu dẫn vào Tân Ước” đặt ở đầu sách và các đoạn tiểu dẫn ngắn trước mỗi phần chính văn (“Tin mừng”, “Công vụ các tông đồ”, “Thư” của các thánh), của dịch giả Nguyễn Thế Thuấn, dù ngắn gọn, cũng có giá trị khảo cứu rất cao bởi người dịch đã đặt Tân Ước vào bối cảnh lịch sử cụ thể để chỉ ra diễn tiến phát triển của nó, gắn với quá trình phát triển trong giai đoạn sơ khai của Ki-tô giáo. Xin trích dẫn một đoạn ngắn trong bài “Tiểu dẫn vào Tân Ước”: “Tiêu biểu cho giai đoạn này [tức giai đoạn phát triển thứ nhất của Cộng đoàn Ki-tô giáo sơ khởi, bắt đầu ngay sau khi chúa Jesus chết tại Jesuralem] là các thư của thánh Phaolô, một tông đồ siêu bạt, một nhà thần học thượng trí. Các thư ấy hầu hết đã ra đời nhân dịp những nhu cầu cấp bách của Cộng đoàn, giữa thời hoạt động ráo riết và lao đao của vị tông đồ, như ta thấy ám chỉ trong thư thứ hai gửi tín hữu Corinthô (6 1-10 11 1tt). Các thư ấy rọi lại một thời phấn khởi, một sức hăng hái chinh phục không ngừng của một trào lưu đang vươn tiến.” (trang X)
Kinh Thánh, như cách gọi của Northrop Frye, là một “mã lớn” (great code), chính bởi tầm vóc đó: nó không chỉ có ý nghĩa phục vụ hoạt động nghi lễ và thực hành đức tin, mà còn là một kiệt tác ra đời trong lòng nền văn minh La Mã cổ đại mà các thành tựu của nó đã đạt đến đỉnh cao, phát toả ảnh hưởng ra toàn thế giới. Kinh Thánh quả thực là một văn bản văn chương kinh điển cần thiết cho mọi người, mọi nhà.
Lê Nguyên Long
(Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội)