Chiều 4/9, bão Yagi mạnh lên cấp 12, đạt cực đại vào ngày 6/9 với sức gió 183 km/h (cấp 15), một số đài quốc tế dự báo có thể lên 184-201 km/h (cấp 16 – siêu bão).
Tại cuộc họp ứng phó với bão Yagi do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức chiều 4/9, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, cho biết lúc 14h, bão cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) 710 km. So với sáng nay, bão đã tăng một cấp, sức gió khoảng 118-133 km/h (cấp 12), giật cấp 15.
Như vậy sau hơn 24 giờ vào Biển Đông, bão đã tăng bốn cấp. Bão sẽ tiếp tục tăng cấp trong 24-48 giờ tới khi áp sát đảo Hải Nam. Nguyên nhân là nhiệt độ mặt nước biển đang ấm (30 độ C) và các điều kiện khí tượng khác thuận lợi cho quá trình phát triển của bão.
“Trong bản tin lúc 11h, chúng tôi dự báo bão có thể lên cấp 15 thay vì 14 như bản tin lúc 8h. Hiện một số cơ quan khí tượng quốc tế đã nhận định bão mạnh lên cấp 16, từ giờ đến tối nay chúng tôi sẽ tiếp tục đánh giá để xem xét có nâng mức độ bão lên cấp siêu bão hay không”, ông Khiêm nói.
Nếu lên cấp 16, Yagi sẽ là siêu bão tương đương mức độ rủi ro thiên tai cấp 5 – thảm họa. Cấp độ này cảnh báo thiệt hại rất lớn về người; vật nuôi; dịch bệnh phát sinh, cộng đồng dân cư không đủ khả năng phục hồi thiệt hại và khắc phục hậu quả thiên tai. Môi trường bị tàn phá nặng nề, hậu quả nghiêm trọng và lâu dài. Phạm vi tác động trên nhiều tỉnh thành.
Hiện đài Nhật Bản đã nâng Yagi lên “cuồng phong” và sẽ đạt cực đại với sức gió mạnh nhất 180 km/h khi ở sát đảo Hải Nam ngày 6/9. Đài Hong Kong cho rằng Yagi sẽ ở mức siêu bão, sức gió mạnh nhất 195 km/h. Đài Hải quân Mỹ nhận định bão hiện mạnh 130 km/h, trước khi vào đảo Hải Nam tăng lên 213 km/h.
Cơ quan khí tượng Việt Nam nhận định đêm 6/9, bão vào vịnh Bắc Bộ, đạt cấp 12-13, giật cấp 15. Về khả năng bão vào đất liền, ông Khiêm phân tích còn phụ thuộc hướng di chuyển lệch lên bắc hay xuống phía nam.
“Năm 2014 có một cơn bão tương tự, thời điểm ở phía đông đảo Hải Nam ở cấp 12, giật cấp 15 nhưng do đi lên phía bắc nên khu vực Quảng Ninh chỉ có gió cấp 8-9, giật cấp 10, mưa 100-200 mm. Nếu tâm bão lệch thêm 100 km nữa thì sức gió sẽ giảm nhiều, đất liền Việt Nam chỉ có gió cấp 6”, ông Khiêm phân tích.
Về kịch bản xấu, khi bão đi lệch xuống phía nam 50 km thì hoàn lưu bão sẽ bao trùm lên toàn bộ đồng bằng Bắc Bộ. Cả Hà Nội, Bắc Ninh cũng sẽ có chịu tác động xấu. Ngoài gió giật mạnh, các tỉnh ven biển sóng sẽ cao 9 m, sau tăng lên 11 m. Hiện thủy triều đang thấp nên sóng cao sẽ ít ảnh hưởng, nhưng do mưa lớn dẫn tới khu vực trũng thấp, ven biển vẫn có khả năng ngập úng.
Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá nhiều năm qua Việt Nam chưa phải trải qua cơn bão mạnh như hiện tại với mức độ ảnh hưởng lớn ở cả trên biển, đất liền, đồng bằng và vùng núi. “Khu vực dự báo bão đổ bộ là trọng điểm phát triển kinh tế, xã hội ở miền Bắc cả về công nghiệp và nông nghiệp nên nếu chủ quan thì thiệt hại sẽ rất lớn”, ông nói.
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị cơ quan khí tượng cung cấp thông tin dự báo sớm. Bản tin 14h ngày mai sẽ quyết định phương hướng chỉ đạo phòng chống bão. Nếu ở mức độ hiện tại thì Thủ tướng sẽ thành lập Ban chỉ đạo tiền phương. Nếu lên mức siêu bão thì thẩm quyền chỉ đạo sẽ là Chủ tịch nước.
Bộ trưởng Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nói Trung ương sẽ có chỉ đạo, nhưng ngay từ bây giờ địa phương cần chủ động đưa ra các tình huống, kịch bản để hạn chế rủi ro tính mạng, tài sản của người dân với tinh thần “hành động không hối tiếc”. Các địa phương có thể cấm biển, cấm hoạt động đông người như họp chợ, hoãn khai giảng và sẵn sàng sử dụng doanh trại, đồn biên phòng để làm nơi di tản người dân.
Hiện, Bộ đội biên phòng các tỉnh đã hướng dẫn cho 504 tàu, hơn 3.300 lao động hoạt động ở khu vực nguy hiểm về nơi tránh trú. Về hồ chứa, ở Bắc Bộ có 120 hồ hư hỏng, 77 hồ đang thi công. Trung Bộ có 140 hồ hư hỏng, 63 hồ đang thi công.
Đê biển đang được thiết kế chống chịu bão cấp 9-10. Theo thống kê, tuyến đê biển, đê cửa sông từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi có 91 trọng điểm xung yếu, trong đó có 31 điểm ở miền Bắc. Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ còn 15.000 ha lúa hè thua đang chuẩn bị thu hoạch, gần một triệu ha lúa mùa đang ở giai đoạn hóa đòng, nếu ngập quá 24 giờ sẽ hỏng.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/yagi-co-the-manh-len-sieu-bao-4788988.html