Người trúng đấu giá quyền sử dụng đất, khai thác khoáng sản vi phạm nghĩa vụ thanh toán sẽ bị xử lý để ngăn chặn bỏ cọc, lũng đoạn thị trường.
Chiều 27/6, Quốc hội thông qua Luật đấu giá tài sản sửa đổi, trong đó bổ sung quy định xử lý vi phạm đối với người trúng đấu giá quyền sử dụng đất, khai thác khoáng sản mà không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.
Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người trúng đấu giá vi phạm sẽ bị cấm tham gia đấu giá với loại tài sản đó trong 6 tháng đến 5 năm. Quyết định cấm được thông báo cho người vi phạm, các tổ chức liên quan và đăng tải trên Cổng thông tin đấu giá tài sản quốc gia. Quy định này nhằm ngăn chặn hành vi bỏ cọc, lũng đoạn thị trường, bảo đảm tính minh bạch, an toàn trong hoạt động đấu giá.
Trước đó, nhiều đại biểu đề nghị nghiên cứu chế tài xử lý vi phạm với người trúng đấu giá mà không nộp tiền trúng đấu giá với các loại tài sản khác ngoài quyền sử dụng đất và quyền khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng chỉ nên quy định xử lý người vi phạm ở hai loại tài sản này vì đặc thù, có giá trị lớn, ảnh hưởng lớn đến thị trường bất động sản, chứng khoán, giá cả vật liệu xây dựng.
Bên cạnh đó, luật cũng đã quy định người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, vi phạm các điều cấm có thể bị kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Các hành vi cấm bao gồm: Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật; sử dụng giấy tờ giả mạo để đăng ký tham gia đấu giá; thông đồng, móc nối để dìm giá, làm sai lệch kết quả; cản trở, gây rối tại cuộc đấu giá; đe dọa, cưỡng ép đấu giá viên, người tham gia đấu giá khác.
Muốn đấu giá cần đặt trước 5-20% giá khởi điểm
Luật quy định người tham gia đấu giá phải nộp tiền đặt trước. Tiền đặt trước do tổ chức hành nghề đấu giá tài sản và người có tài sản đấu giá thỏa thuận, nhưng tối thiểu là 5% và tối đa là 20% giá khởi điểm.
Trường hợp đấu giá quyền khai thác khoáng sản mà giá khởi điểm chưa xác định được bằng tiền thì tiền đặt trước được xác định theo quy định về khoáng sản. Nếu xác định được giá khởi điểm thì tiền đặt trước tối thiểu là 10% và tối đa là 20% so với giá khởi điểm.
Đấu giá quyền sử dụng đất với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư thì tiền đặt trước tối thiểu là 10% và tối đa là 20% so với giá khởi điểm.
Vợ, chồng, anh ruột, chị ruột, em ruột bị cấm tham gia phiên đấu giá đối với cùng một tài sản, tránh tình trạng thông đồng, dìm giá hay “quân xanh, quân đỏ”.
Luật đấu giá tài sản sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2025.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/xu-phat-nguoi-trung-dau-gia-dat-vi-pham-thanh-toan-4763385.html