Chính phủ đặt lộ trình chọn nhà thầu xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc Nam trước tháng 11/2026 và khởi công dự án vào tháng 12/2026.
Ngày 23/4, Chính phủ ban hành nghị quyết cụ thể hóa Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam. Bộ Xây dựng được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan hoàn tất thủ tục phê duyệt dự án, trình báo cáo nghiên cứu khả thi vào tháng 8/2026. Hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định và trình Thủ tướng quyết định phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án trong tháng 9/2026.
Công tác giải phóng mặt bằng tại 20 tỉnh thành dự án đi qua sẽ do các địa phương và EVN thực hiện, hoàn thành trước tháng 12/2026 để bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công. Các bộ ngành tổ chức lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng và đảm bảo các điều kiện để khởi công xây dựng trước ngày 31/12/2026. Bộ Xây dựng triển khai thi công, mua sắm, lắp đặt thiết bị, cơ bản hoàn thành dự án từ năm 2035.
Tàu cao tốc chạy tuyến Jakarta – Bandung (Indonesia). Ảnh: CGTN
Để đẩy nhanh tiến độ dự án, Chính phủ sẽ xây dựng, ban hành các nghị định để triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù đã được Quốc hội cho phép, bao gồm: Nghị định quy định về nội dung, yêu cầu về khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật tổng thể (thiết kế FEED) thay thế cho thiết kế cơ sở trong báo cáo nghiên cứu khả thi dự án và các bước thiết kế triển khai sau thiết kế FEED.
Cùng với đó, Chính phủ sẽ xây dựng nghị định quy định về tiêu chí lựa chọn tổ chức, doanh nghiệp nhà nước được giao nhiệm vụ hoặc tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam được đặt hàng cung cấp dịch vụ, hàng hóa công nghiệp đường sắt; Nghị định hướng dẫn thực hiện công tác phát triển khoa học, công nghệ đường sắt và quy định chi tiết về việc nghiên cứu, ứng dụng, nhận chuyển giao công nghệ đối với các dự án đường sắt..
Phát triển công nghiệp đường sắt và đào tạo nhân lực
Đề án phát triển công nghiệp đường sắt đến năm 2035, tầm nhìn 2045 sẽ được xây dựng và trình Thủ tướng phê duyệt. Đề án này sẽ đánh giá thực trạng, đề ra nhiệm vụ, giải pháp nhằm đảm bảo phù hợp với định hướng và lộ trình phát triển của ngành, đồng thời xác định rõ các lĩnh vực công nghiệp đường sắt trọng điểm như xây dựng, phương tiện, vật tư chuyên ngành, điện động lực, hệ thống thông tin tín hiệu và công nghiệp phụ trợ, kèm theo lộ trình cụ thể cho từng lĩnh vực.
Bên cạnh đó, đề án đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực đường sắt cũng sẽ được xây dựng và trình Thủ tướng để triển khai công tác đào tạo theo kế hoạch.
Ban Quản lý dự án chuyên ngành được kiện toàn để tổ chức quản lý, thực hiện Dự án. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ tái cơ cấu để phối hợp và tham gia vào quá trình triển khai dự án ngay từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, triển khai thực hiện và tiếp nhận, quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng sau khi dự án hoàn thành.
Phát triển đô thị tại các nhà ga
Chính phủ yêu cầu các địa phương chủ động phối hợp với Bộ Xây dựng nhanh chóng rà soát, điều chỉnh quy hoạch vùng phụ cận các nhà ga đường sắt tốc độ cao dựa trên phương án vị trí ga đã được xác định. Việc điều chỉnh này bao gồm các chỉ tiêu về quy hoạch, kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội nhằm triển khai dự án khai thác quỹ đất theo mô hình phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng (TOD).
Các địa phương tổ chức lập và phê duyệt các dự án khai thác quỹ đất theo mô hình TOD tại các nhà ga; đồng thời bố trí nguồn vốn ngân sách để bồi thường, hỗ trợ tái định cư theo quy hoạch vùng phụ cận ga, qua đó tạo quỹ đất để đấu giá, phục vụ mục tiêu phát triển đô thị.
Nguồn ngân sách thu được từ việc đấu giá quỹ đất vùng phụ cận các nhà ga đường sắt tốc độ cao sẽ được các địa phương sử dụng để phát triển đô thị theo quy định, đồng thời tạo nguồn lực tài chính để tái đầu tư cho cả ngân sách địa phương và trung ương.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào tháng 11/2024 với tổng vốn sơ bộ khoảng 1,7 triệu tỷ đồng (tương đương 67 tỷ USD). Tuyến đường dài 1.541 km, bắt đầu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội) và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TP HCM), đi qua 20 tỉnh thành.
Dự án được đầu tư mới với khổ đôi 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục, bao gồm 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách và có khả năng vận tải hàng hóa khi cần thiết, đồng thời phục vụ mục tiêu quốc phòng, an ninh.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/xay-dung-duong-sat-toc-do-cao-bac-nam-vao-thang-12-2026-4878208.html