Trưa đầu tuần, mặt trời đứng bóng, Khang khom người giữa cánh đồng vàng ruộm. Đôi chân trần rón rén giẫm lên lớp cỏ khô, cố không tạo ra tiếng
động. Đột nhiên, cậu nhảy vọt về phía trước rồi bật cẫng lên, bàn tay đầy đất ôm gọn một chú chuột đồng, cười khoái chí. Mỗi lần ra đồng thế này,
cậu có thể bắt được 2-3 con, nhặt thêm nhúm rau muống mọc dại là đủ một nồi canh chua chuột đồng.
Từ hồi bỏ học, Khang lãnh trách nhiệm lo thức ăn mỗi bữa cho cả nhà. Nếu còn đến trường, giờ cậu đã lên lớp 6. Nhưng 10 tuổi, cậu mới học lớp
1, chưa hết nửa học kỳ thì nghỉ, theo cha mẹ rời quê lên TP HCM.
Thạch Khang là thế hệ thứ ba của đại gia đình người Khmer gốc Sóc Trăng di cư đến mảnh đất ven sông Đồng Nai thuộc phường Long Phước, TP Thủ
Đức. Năm 2008, ông nội cậu hoà vào làn sóng rời khỏi Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) để tìm nguồn sinh kế mới. Quyết định đó mở đường cho cuộc
“nhổ rễ” kéo dài gần hai thập kỷ của cả nhà với mong ước về một cuộc sống an cư.
Nhưng sau 16 năm làm dân thành phố không chính thức, gia đình ông vẫn sống trong căn chòi tranh lợp lá. Những đứa trẻ bỏ học nửa chừng y hệt
cha mẹ, và có thể lại rơi vào cảnh di cư mới bất cứ lúc nào.
Cuộc “nhổ rễ”
“Máy làm hết rồi, không còn ai thuê mình ra ruộng gặt tay nữa”, ông Thạch Điệp, 61 tuổi, ông nội Khang, giải thích ngắn gọn quyết định di cư
16 năm trước. “Ngồi ở nhà nhiều đến nỗi không còn kiếm được hạt gạo để ăn”.
Giai đoạn đó, nông nghiệp ĐBSCL được cơ giới hoá mạnh mẽ toàn vùng. Năm 2002, Sóc Trăng – tỉnh trọng điểm lúa của ĐBSCL – mới có khoảng 15-20%
diện tích đất dùng máy xới, cày… Đến 2008, 90-95% diện tích lúa đã được cơ giới hóa khâu gieo hạt, thu hoạch; hơn 50% sản lượng được vận chuyển
bằng máy. Năm ấy, cây lúa đạt năng suất và sản lượng cao nhất lịch sử tỉnh, dù diện tích gieo trồng liên tục giảm.
Nhưng niềm vui của ngành nông nghiệp và chủ ruộng lại là nỗi lo với những người gặt thuê. Chiếc máy gặt đập liên hợp thu hoạch rồi máy cộ đưa
lúa xuống ghe chỉ trong phút chốc mà chẳng cần tới sức người. Nông dân làm thuê như ông Điệp bị đẩy vào cảnh mất việc. Cùng với đó, chính sách
giảm diện tích đất nông nghiệp để phát triển công nghiệp, dịch vụ khiến nhu cầu mướn thợ gặt càng giảm mạnh.
“Quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế và cơ giới hoá dẫn đến dư thừa lao động ở nông thôn. Trong khi đó, khu vực
công nghiệp và dịch vụ ở ĐBSCL chưa hấp thụ lực lượng lao động này”, PGS.TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng đại học Khoa học xã hội và Nhân văn,
chuyên gia nghiên cứu về sinh kế các dân tộc, nói.
Nghiên cứu của bà Lan từng phân tích mối quan hệ giữa sản xuất nông nghiệp và di cư lao động tại vùng, cho thấy dư thừa lao động mùa vụ, thiếu
đất sản xuất, thiếu việc làm ở nông thôn và các yếu tố bất ổn trong sản xuất nông nghiệp là nguyên nhân thúc đẩy người dân ĐBSCL di cư.
Giai đoạn 2004-2009, ĐBSCL được xem là nơi xuất phát của phần đông lao động di cư trong cả nước, theo Tổng cục Thống kê. Kết quả nghiên cứu về
di cư của Quỹ dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNFPA) năm 2007 cũng nêu, 7 trong số 10 người rời quê hương vì mục đích kinh tế như tìm việc
làm, cải thiện thu nhập…
Không có ruộng hay đất đai để trồng trọt, chăn nuôi, nguồn thu nhập duy nhất từ việc đi gặt và vác lúa thuê bị cắt đứt. Sau nhiều tháng ngồi
không, ông Điệp được em họ – người đã đến TP HCM từ trước – giới thiệu một mối gặt thuê trên thành phố.
Cơ hội đó như “phao cứu sinh” vì vẫn được làm nông, lại có mức thu nhập cao hơn và dễ dàng kiếm việc khác trong thời gian nông nhàn như phụ
hồ, bốc vác… Vợ chồng ông quyết định ra đi, bỏ lại căn nhà gạch hơn 80 triệu, vượt quãng đường gần 250 km lên thành phố.
Đó không phải lựa chọn của riêng ông Điệp. Hai thập kỷ qua, Đông Nam Bộ là miền đất hứa của dân miền Tây. Gần 70% người xuất cư khỏi ĐBSCL
chọn điểm đến mới là TP HCM và Bình Dương.
Ở tuổi 45, ông Điệp làm lại từ đầu. Tại mảnh đất ven sông Đồng Nai, thuộc phường Long Phước, TP Thủ Đức, hai vợ chồng dựng tạm căn chòi tranh
rộng 10-15 m2, đủ đặt một chiếc giường ngủ. Mùa mưa, ông thường chặt lá dừa khô về lợp lại mái để khỏi bị dột. Điện nước được câu từ nhà chủ đất,
cũng là người thuê vợ chồng ông làm ruộng.
Kế hoạch di dân ban đầu chỉ là những chuyến đi ngắn ngày theo mùa vụ, kéo dài thành năm, rồi cuối cùng ở hẳn. Căn nhà ở quê hầu như luôn cửa
đóng then cài, chỉ có hơi người mỗi dịp nhà có đám.
Nối gót cha, hai đứa con của ông cũng tỏa đi tứ phương tìm kiếm những cơ hội mới. Vợ chồng con gái đầu (37 tuổi) đến cửa khẩu Tây Ninh làm
công nhân. Gia đình con thứ là anh Thạch Hỷ (34 tuổi) – cha của Khang – di cư lòng vòng từ Sóc Trăng, sang Vĩnh Long, rồi lên tận Tây Nguyên thu
hoạch cà phê.
Sau nhiều năm bôn ba, cuối cùng, đại gia đình lại đoàn tụ với nhau ở TP HCM – “nơi đồng tiền có giá nhất”. Nếu ở Sóc Trăng tiền công “mần”
ruộng khoảng 150 nghìn đồng một ngày thì TP HCM cao gấp đôi. Mỗi nhà kiếm được khoảng 5 triệu đồng một tháng.
PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Nghiên cứu Đời sống xã hội (Social Life), đánh giá: “Thiếu hụt việc làm, nghèo đói khiến cuộc sống của họ
trở nên khó khăn hơn. Khi đó, miền quê trở thành lực đẩy, còn các vùng kinh tế trọng điểm – nơi có nhiều cơ hội – trở thành lực hút đối với lao
động di cư”.
Từ 2009 đến 2019, dân số ĐBSCL gần như không đổi, tốc độ tăng trưởng chỉ đạt 0,1%/năm. Giai đoạn Covid-19, làn sóng “di cư ngược” về ĐBSCL
khiến dân số vùng này tăng mạnh, nhưng đến năm 2022 trở về xu hướng cũ khi người lao động quay lại Đông Nam Bộ, theo nhận định từ Báo cáo Kinh tế
thường niên ĐBSCL của Liên Đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Theo ông Lộc, lao động di cư từ ĐBSCL đến TP HCM có hai nhóm: làm công nhân và lao động tự do. Nhóm đầu thường chọn ở khu vực “cửa ngõ” như
quận Bình Tân vì gần các khu công nghiệp. Những lao động không đáp ứng được tiêu chuẩn của nhà máy thì làm công việc tự do như nông dân, phụ hồ,
buôn bán…
Cha con ông Điệp thuộc nhóm thứ hai. Cả nhà đều thích làm nông – công việc cho họ sự tự do mà công xưởng không có. “Làm trong nhà máy chỉ dư
được cái bảo hiểm. Chi phí nhà trọ, ăn uống cũng chiếm hết phân nửa tiền lương”, anh Thạch Hỷ đúc kết về 3 tháng thử làm công nhân.
Thế nhưng, sự tự do này cũng đẩy họ vào hoàn cảnh sống bên lề, không tiếp cận được hoặc từ chối sự hỗ trợ từ chính sách. Lâu dài, họ rơi vào
vòng luẩn quẩn: bất ổn sinh kế – nghèo – thất học.
Những đứa trẻ “bên lề”
Khang thường bắt đầu ngày mới vào khoảng 11h trưa. Đó cũng là lúc nước sông Đồng Nai từ từ dâng lên, thuận lợi cho việc câu cá. Từ một “thủ
lĩnh” trong những trận ném sình với lũ nhỏ dưới quê, Khang giờ đây chỉ lủi thủi một mình bên chiếc cần câu thừa hưởng từ cha. Bạn bè ai cũng bận
đi học.
Cuộc sống của lao động nhập cư tại đô thị lớn nhất nước khiến gia đình Khang phải giảm thiểu tối đa chi phí sinh hoạt. Cậu bé 11 tuổi tự hào
vì có thể giúp cha mẹ đỡ tốn mấy chục nghìn tiền thịt cá mỗi ngày.
Chỉ được đến trường chưa đến 6 tháng, chưa kịp quen mùi trường lớp thì Khang phải nghỉ học. Khi lên thành phố, cha mẹ nhận trách nhiệm dạy cậu
bé đọc và viết. Nhưng mẹ cậu, chị Nguyễn Ngọc Thanh, 28 tuổi, “chẳng biết dạy con thế nào”.
Trong mắt chị Thanh, Khang luôn là đứa sáng dạ, dạy là hiểu liền và nhiều khi còn sáng tạo thêm thứ mới. Dù vậy, khi nhắc đến chuyện học tiếp
của con trai, người mẹ hạ giọng: “Học dưới quê 2 triệu mỗi năm đã chẳng lo nổi, lên thành phố chẳng biết còn tăng bao nhiêu”.
Anh họ Khang, Trà Văn Tài, 14 tuổi, cũng bỏ học hai lần. Những chuyến di cư khiến việc học ngắt quãng, rồi đứt hẳn. Tài học lớp 1 đến lớp 3 ở
Tây Ninh trong lúc cha mẹ làm công nhân tại cửa khẩu. Khi họ về Sóc Trăng, cậu lặp lại quá trình này bởi ba mẹ không có giấy tờ gì chứng minh
thời gian đi học trước đó. Lần di cư lên TP HCM, cậu thôi học hẳn, đi làm phụ hồ ở một công trình chung cư gần nhà, lãnh 350 nghìn đồng mỗi ngày
công.
Người lớn không nói nhiều về chuyện đến trường của tụi nhỏ. Với họ, việc học hoàn thành khi “đủ chữ, không phải đủ lớp”. Cả đại gia đình,
chẳng ai học đến cấp ba. Không chỉ từ bỏ việc học, gia đình Tài cũng quên luôn những quyền lợi lẽ ra con mình được hưởng như bảo hiểm y tế miễn
phí cho hộ nghèo, hay những hỗ trợ riêng của người dân tộc thiểu số…
Đến khi Tài bị tai nạn giao thông hồi năm ngoái, chấn thương vùng đầu nặng đến độ bác sĩ phải cho chuyển tuyến, cha mẹ cậu mới nhớ ra đã ba
năm không về Sóc Trăng để xin cấp thẻ bảo hiểm y tế mới cho con. Cả nhà phải “chạy” khắp nơi mới lo đủ tiền viện phí gần 20 triệu đồng – hơn cả
một vụ lúa.
Cán bộ khu phố Long Đại (phường Long Phước, TP Thủ Đức) nhiều lần đến nhà vận động các gia đình cho trẻ đến trường, nhưng đây chưa phải ưu
tiên của họ. Mối lo hàng đầu vẫn là sinh kế. Nếu chúng đi học, nhà lại thiếu người phụ kiếm thức ăn, vác lúa. Thêm vào đó, việc di cư theo mùa –
ở TP HCM khi lúa chín và về Sóc Trăng lúc hết vụ – cũng là lý do cha mẹ không muốn con nhập học thời gian ngắn rồi lại chuyển trường.
“Họ không nghĩ việc đầu tư cho một đứa trẻ đi học là cần thiết”, Chủ tịch phường Long Phước Nguyễn Thị Ngọc Thanh nhận định.
Bỏ học sớm trở thành một “tập quán” không được gọi tên tại ĐBSCL. Suốt nhiều năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn đánh giá nơi đây là “vùng trũng”
về giáo dục cả nước. Theo Báo cáo tóm tắt giáo dục Việt Nam 2022 của UNICEF, ĐBSCL đứng đầu về tỷ lệ dân số trong độ tuổi đi học nhưng không đến
trường.
Nghiên cứu duy nhất đến nay của Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM (kết hợp với UNICEF) về tình hình trẻ em năm 2017 cho thấy phần lớn trẻ 5 tuổi
và tiểu học không đến trường đều là dân nhập cư – với tỷ lệ lần lượt là 92% và 86,4%. Thực trạng trên cho thấy khả năng tiếp cận giáo dục của trẻ
nhập cư rất hạn chế.
Chưa rành con chữ, giờ đây mỗi lần nhắn tin, Khang chỉ biết gửi icon (biểu tượng) để thể hiện cảm xúc, hoặc ghi âm nói ra suy nghĩ của mình.
Giống như cha mẹ, những đứa trẻ sống vo tròn trong khu đất ven sông, biệt lập bên lề thành phố, và “bên lề” cả chính sách.
“Sắp tới, nếu gia đình còn ở đây thì việc làm nông sẽ khó khăn hơn. Nếu tiếp tục các sinh kế cũ, họ sẽ vào lại vòng lặp di cư”, bà Thanh, Chủ
tịch phường Long Phước, nói.
Vòng lặp di cư
5h chiều, khúc sông Đồng Nai rổn rảng tiếng cười nói. Lũ trẻ nhảy ùm xuống sông, vừa tắm, vừa chơi trò tạt
nước. Trên bờ, phụ nữ nhóm bếp củi, luộc con vịt mới mua cho buổi nhậu của những người đàn ông. Mỗi vụ gặt kéo dài 10 ngày, họ lại ăn “sang” hơn
để chiêu đãi bà con từ Sóc Trăng lên thành phố phụ vác lúa.
Theo thời gian, đại gia đình nhà ông Điệp dần tạo nên một mạng lưới kết nối việc làm phi chính thức cho những người thân quen ở quê. Mỗi năm
ba vụ – đông xuân, hè thu, vụ mùa – một nhóm 4-5 người lại ngồi gần 4 tiếng xe đò để lên TP HCM làm ruộng, và trở về quê khi hết mùa thu
hoạch.
Đó cũng trở thành mùa đoàn tụ của đại gia đình nhà ông Điệp với quê hương. Kinh tế khó khăn, số lần về quê ngày càng ít lại. Ba năm sau
Covid-19, họ chưa về nhà, kể cả dịp Tết Nguyên Đán hay các lễ hội riêng của người Khmer.
Dưới ánh trăng, đàn ông chuyền tay nhau ly rượu đế và bắt đầu nói về sự cải tiến của những chiếc máy gặt – thứ đã cướp đi công việc của họ, về
đứa con mới kết hôn, hay sự ra đi của những người thân cuối cùng nơi quê nhà.
Phụ nữ tụ lại trên chiếc ghế gỗ dài mục nứt, tán dóc về kế hoạch rõ ràng nhất trong tương lai: đẻ thêm đứa nữa. Khi có bầu, họ sẽ về quê để
sinh con vì rẻ hơn, và ở đến khi đứa nhỏ cai sữa sẽ lên thành phố để làm việc. Với họ, con cái chính là nguồn bảo hiểm cho tương lai.
Gia đình ba thế hệ nhà họ Thạch hầu như chẳng tính đến chuyện gì xa hơn vụ lúa tới. Họ biết đến một ngày sẽ không còn được gặt trên cánh đồng
này nữa. Mảnh ruộng và khu đất mà họ đang làm việc, sinh sống thuộc 203 ha dự án công viên khoa học công nghệ của thành phố. Công
trình được UBND TP HCM đưa vào quy hoạch từ năm 2010, nhưng trải qua nhiều lần trì hoãn vì thiếu vốn, vướng thủ tục.
Đây trở thành điều may mắn với khu ngụ cư này, bởi họ chưa phải chuyển đi. Nhưng “cái may” có lẽ không kéo dài lâu. Chiến lược sinh kế tiếp
theo của đại gia đình được ông Điệp gói gọn trong giải pháp “khi nào bị đuổi thì đi”.
Để những người dân như gia đình nhà họ Thạch không rơi vào “vòng xoáy di cư” từ thế hệ này sang thế hệ khác, chuyên gia cho rằng cách tốt nhất
là duy trì sinh kế cho họ tại quê nhà.
“Để an cư không còn là chuyện xa vời, cần rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và đô thị, trong đó tập trung phát triển gắn với lợi thế địa
phương. Trường hợp của ĐBSCL là nông nghiệp”, PGS. TS Nguyễn Đức Lộc đề xuất.
Nói rõ hơn, PGS.TS Ngô Thị Phương Lan nêu, nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân để họ ở lại nông thôn, thay vì chọn giải pháp di
cư khi bế tắc sinh kế. Trong bối cảnh nông nghiệp được cơ giới hoá và giảm diện tích gieo cấy, địa phương cần có chính sách tạo việc làm mới để
người dân “ly nông bất ly hương”. Ví dụ như hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các mô hình liên kết phát triển bền vững trong nông nghiệp, đồng thời
đầu tư nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật cho nông dân.
“Hỗ trợ tăng năng suất nông nghiệp là chìa khóa để duy trì sinh kế cho những người ở lại”, bà nói.
Tối một ngày đầu tháng 3, hết buổi nhậu, cha mẹ Khang trở về căn chòi tranh, chuẩn bị đồ đạc cho chuyến di cư tiếp theo, khi mùa gặt kết thúc.
Ngồi đung đưa bên khúc sông, Khang vu vơ hỏi Tài về chuyện làm phi công.
– “Nghề đó thì cần có bằng đại học chứ. Lớp 1 mày còn học chưa xong mà”, Tài trả lời sành sỏi bằng tiếng Khmer đặc sệt.
– “Vậy chắc sau này đi vác lúa giống cha mẹ” – Cậu em nhún vai đáp – “Ước gì mình trúng số một tỷ. Lúc đó sẽ xin 500 nghìn mua đồ câu, còn lại
cho cha mẹ làm ăn, không phải đi bất kỳ đâu nữa”.
Nội dung và Ảnh: Phùng Tiên
Đồ hoạ: Đăng Hiếu
Bài sử
dụng dữ liệu từ:
– Báo cáo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng năm 2008, kế hoạch năm 2009, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, UBND tỉnh
Sóc Trăng.
– Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009: Di cư và đô thị hoá ở Việt Nam: Thực trạng, xu hướng và những khác biệt
– Nghiên cứu Bất ổn sinh kế và di cư lao động của người Khmer ở ĐBSCL (2013) của PGS.TS Ngô Thị Phương Lan
– Dữ liệu Hướng của người xuất cư ĐBSCL được trích từ báo cáo Sử dụng đất nông nghiệp và sinh kế bền vững ở ĐBSCL: Các kịch bản và đề xuất chính
sách của World Bank
– Cơ khí hóa nông nghiệp ở ĐBSCL, Tạp chí Cơ khí Việt Nam số 142
Nguồn tin: https://vnexpress.net/vong-xoay-di-cu-4722437.html