Khởi đầu với triết lý lấy độc giả làm trung tâm, 23 năm qua,
VnExpress không ngừng nỗ lực để đáp ứng kỳ vọng của công
chúng. Trong bối cảnh nhiều thách thức mới, chúng tôi đứng trước
câu hỏi: Thay đổi thế nào để phụng sự tốt hơn?
Khi VnExpress ra mắt vào ngày 26/2/2001, công cụ tìm kiếm của
Google mới ra đời được 3 năm; mạng xã hội Facebook còn chưa xuất
hiện; và trí tuệ nhân tạo AI (Artificial Intelligence) chỉ là bộ
phim khoa học viễn tưởng. Báo chí là kênh duy nhất độc giả tìm
đến để cập nhật tin tức.
Nhưng giờ đây, điều đó đã thay đổi. Bạn đọc có quá nhiều lựa
chọn để tìm hiểu chuyện gì vừa xảy ra.
Theo hệ thống đo đếm quốc tế Similarweb, năm 2023, VnExpress duy
trì vị thế báo điện tử số 1 Việt Nam. Hệ thống dữ liệu VnExpress
Analytics ghi nhận lượng độc giả tăng 7%, hiện diện thường xuyên
ở 173 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Dù bạn đọc vẫn đến đều đặn hàng ngày, chúng tôi cũng nhận ra, có
giai đoạn, các đợt ghé thăm trở nên ngắn lại.
Cùng lúc đó, sự bùng nổ của ChatGPT cho thấy trí tuệ nhân tạo
(AI) đã vượt ra khỏi quy mô của một công cụ hỗ trợ trung gian,
và có khả năng tạo ra nội dung cá nhân hoá ở cấp độ chưa từng
có. Thực tế này đặt các tòa soạn vào tình thế phải nhanh chóng
đổi mới.
Tại Hội nghị Báo chí Toàn cầu của Hiệp hội Báo chí thế giới
WAN-IFRA năm 2023, các cơ quan truyền thông quốc tế chia sẻ
nhiều sáng kiến về ứng dụng AI để tối ưu hoá quy trình vận hành,
sản xuất, và tạo ra tin tức riêng biệt theo sở thích của từng
bạn đọc khi độc giả ngày càng đòi hỏi nhiều hơn ở báo chí.
Đối mặt hai thách thức đó, VnExpress phải tìm lời giải cho câu
hỏi: Thay đổi thế nào để phụng sự tốt hơn?
Biểu đồ so sánh các chỉ số của VnExpress với một số nhà
xuất bản tại khu vực Đông Nam Á
Nhìn lại năm qua, VnExpress vẫn là điểm đến được bạn đọc tin tưởng dành thời gian truy cập mỗi ngày, nhiều nhất vào những thời điểm có sự kiện nóng như: Chiến sự Nga – Ukraine; Giải cứu bé Hạo Nam lọt ống bêtông; Xét xử các vụ đại án; Thông tin liên quan đến nhân sự lãnh đạo cấp cao; hay kỳ họp Quốc hội…
Trong hỗn độn tin tức, báo chí vẫn là kênh độc giả chọn để kiểm chứng điều gì đã thật sự xảy ra. Nhưng cùng lúc, chúng tôi nhận thấy có những “món ăn” tưởng chừng quen thuộc nay không còn phù hợp với “khẩu vị” người dùng.
Quay lại trả lời câu hỏi căn bản nhất “tại sao bạn đọc tìm đến tin tức”, VnExpress hiểu rằng, nhu cầu của độc giả không chỉ dừng lại ở việc cập nhật thông tin. Họ còn muốn thấu hiểu thế giới vốn đang ngày càng phức tạp, xem xét tin tức ảnh hưởng thế nào đến cuộc sống, tìm kiếm giải pháp cho vấn đề đang diễn ra trong xã hội, ở cả cấp độ cá nhân.
Để đáp ứng mong muốn ấy, tòa soạn bắt đầu phân loại nội dung dựa trên phương pháp luận: Nhu cầu Độc giả. Mục đích là cung cấp đầy đủ, cân bằng tất cả mong muốn của bạn đọc – biết tin tức, thấu hiểu bối cảnh, bồi đắp cảm xúc, và đưa ra hành động. Các đề tài được lên kế hoạch, phân luồng và tổ chức phóng viên thực hiện với tôn chỉ cao nhất – phục vụ đúng thông tin độc giả cần, vì sự tiến bộ của xã hội; mạnh tay lược bỏ nội dung vô bổ, gây lãng phí thời gian.
Phương pháp mới này, kết hợp với tiêu chí đưa tin cốt lõi – khách quan, công bằng, kịp thời, gần sự thật nhất – đã giúp chúng tôi bước sang một hành trình mới đầy động lực.
Hậu trường tác nghiệp của phóng viên VnExpress
Nguồn tin: https://vnexpress.net/vnexpress-tron-23-tuoi-4714668.html