Bể than sông Hồng sẽ được khai thác thử nghiệm trước năm 2040, tiến tới quy mô công nghiệp trước 2050, theo quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt.
Theo chiến lược phát triển ngành công nghiệp than được Thủ tướng phê duyệt ngày 16/1, Việt Nam đặt mục tiêu tìm kiếm đối tác trong và ngoài nước nghiên cứu đầu tư, lựa chọn công nghệ, phương pháp thăm dò bể than sông Hồng đến năm 2030. Việc thăm dò một phần diện tích và điều tra, đánh giá bể than sông Hồng được hoàn thành trong 15 năm sau đó.
Một số đề tài, dự án nghiên cứu khai thác thử nghiệm tại bể than sông Hồng sẽ được đầu tư, nhằm lựa chọn công nghệ hợp lý.
Theo Cục Khoáng sản Việt Nam, nếu tính đến độ sâu 3.500 m, tổng trữ lượng mỏ than sông Hồng lên đến 210 tỷ tấn, gấp 20 lần mỏ tại Quảng Ninh, trong đó có tới 90% nằm ở Thái Bình. Từ năm 2009, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ với một số nước để khai thác thử nghiệm mỏ than sông Hồng.
Quy hoạch của Thủ tướng năm 2016 đặt mục tiêu sau năm 2021 sẽ đầu tư một số dự án thử nghiệm theo phương pháp khai thác hầm lò và công nghệ khí hóa than ngầm tại các khu vực đã được thăm dò, làm căn cứ đầu tư phát triển mỏ than sông Hồng với quy mô công nghiệp, hoặc triển khai thêm một số dự án thử nghiệm để lựa chọn phương pháp, công nghệ khai thác hợp lý.
Tuy nhiên, một số nhà khoa học lo ngại quá trình khai thác mỏ than vùng sông Hồng dẫn đến nguy cơ sụt lún dây chuyền, khiến cả vùng ngập mặn.
Theo quy hoạch của Thủ tướng mới đây, Việt Nam phấn đấu sản lượng khai thác than thương phẩm đạt 45-50 triệu tấn (không tính than bùn) năm 2030 sau đó giảm 7-10 triệu tấn trong 15 năm năm tiếp theo.
Các địa phương có điểm than trữ lượng nhỏ được khuyến khích khai thác phục vụ nhu cầu tại chỗ. Than bùn được chú trọng làm nhiên liệu và phân bón cho ngành nông, lâm nghiệp. Các mỏ than lớn được khai thác theo tiêu chí xanh, hiện đại, sản lượng cao, an toàn, bền vững, tiết kiệm.
Để đạt được các mục tiêu nêu trên, Việt Nam sẽ cải tạo nhà máy sàng tuyển, trung tâm chế biến than hiện có. Nhà máy sàng tuyển tập trung được xây dựng theo từng khu vực để chế biến than.
Than phục vụ sản xuất điện được kết hợp giữa sản xuất trong nước pha trộn nhập khẩu theo hướng tối đa chủng loại; đẩy mạnh khoa học công nghệ nhằm bảo vệ môi trường, giảm phát thải nhà kính.
Thị trường than được hình thành với nhiều người bán, nhiều người mua, đa dạng nguồn (sản xuất trong nước, pha trộn, nhập khẩu) và đầu mối cung cấp. Việt Nam phấn đấu vận hành thị trường than cạnh tranh đầy đủ các phân khúc sau năm 2030.
Việc xuất khẩu, nhập khẩu than được vận hành phù hợp nhu cầu thị trường, đảm bảo tối đa nhu cầu, nhất là cho sản xuất điện. Dự trữ than cũng được xem xét.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/viet-nam-se-khai-thac-thu-nghiem-be-than-song-hong-truoc-2040-4702228.html