Hà NộiTheo GS Nguyễn Xuân Thắng, Việt Nam phải xác định tham gia ngành công nghiệp bán dẫn từ đâu, khâu nào trong chuỗi cung ứng, tránh vết xe đổ của công nghiệp ôtô.
Tại hội thảo Giải pháp thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Đại hội 13 từ nay đến hết nhiệm kỳ sáng 25/12, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng nói cả xã hội đang bàn về công nghiệp bán dẫn. Nhưng “hạ tầng để phát triển ngành ra sao, nhân lực được đào tạo thế nào? Chúng ta đi cùng những người khổng lồ trên thế giới như thế nào để phát triển ngành này?”.
GS Thắng cho rằng công nghiệp bán dẫn có nhiều công đoạn, nhiều lĩnh vực trong đó có làm chip bán dẫn, chip nhớ… Nếu như tập đoàn Samsung của Hàn Quốc sản xuất phần lớn chip nhớ, có nước chỉ tham gia khâu đóng gói sản phẩm nhưng vẫn mang lại hiệu quả kinh tế cao.
“Cần xác định tham gia công đoạn nào trong ngành công nghiệp bán dẫn, cả trước mắt và lâu dài, để có định hướng đào tạo nguồn nhân lực”, ông Thắng nói, cho rằng phải hình dung diện mạo ngành công nghiệp này trong tương lai.
Theo ông Thắng, nếu không làm rõ các vấn đề trên thì ngành công nghiệp bán dẫn có nguy cơ đi vào vết xe của ngành công nghiệp ôtô. Nhiều năm qua, cả nước bàn nhiều về phát triển công nghiệp ôtô, nhưng đến nay vẫn chưa hình thành. Ngành công nghiệp hỗ trợ sản xuất ôtô “cũng chưa thấy đâu”. Việt Nam mới chỉ tham gia vào những khâu lắp ráp thô sơ hoặc làm một vài chi tiết đơn giản “chứ chưa tham gia được vào chuỗi công nghiệp sản xuất”.
“Cần có kế hoạch, lộ trình đẩy nhanh triển khai các hiệp định đối tác để chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, năng lượng. Mục tiêu là các doanh nghiệp Việt Nam có thể trở thành nhà cung ứng dịch vụ cho các tập đoàn đa quốc gia hoặc tham gia sâu hơn, ở những nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Thắng nói.
Trong tham luận gửi đến hội thảo, ông Đỗ Trung Hiếu (Trưởng Ban Khoa giáo, báo Nhân Dân) cho rằng Việt Nam đang có nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, nền tảng tư duy toán tốt, trình độ không ngừng nâng lên. Lĩnh vực công nghệ kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ thông tin, tự động hóa, điện tử, kỹ thuật máy tính đang được nhiều người trẻ quan tâm. Đây đều là những lĩnh vực liên quan đến công đoạn khác nhau trong ngành công nghiệp bán dẫn.
Tuy nhiên, đất nước sẽ gặp thách thức lớn khi nền kinh tế đang dựa vào lao động giá rẻ, trình độ lạc hậu. Việt Nam đang thiếu hụt nhà khoa học, chuyên gia trình độ cao, đội ngũ quản lý, kinh doanh giỏi, công nhân lành nghề trong mọi lĩnh vực đời sống.
Vì vậy, thời gian tới, Việt Nam cần xây dựng chiến lược tổng thể phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao với tư duy đột phá, tầm nhìn lâu dài, phù hợp thực tiễn. Chiến lược xác định rõ mục tiêu, quy mô, lộ trình, cơ chế. Nhà nước, doanh nghiệp, đại học công nghệ cần tăng hợp tác nhằm thúc đẩy một số ngành chọn lọc, nhất là công nghiệp bán dẫn, công nghệ phần mềm, thông tin vệ tinh, số hóa, năng lượng mới, vật liệu mới, công nghệ sinh học.
“Xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để thúc đẩy kinh tế số, công nghiệp bán dẫn là nhiệm vụ ưu tiên hiện nay”, ông Hiếu đề xuất.
Hồi tháng 9, trong tuyên bố chung về quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt – Mỹ, hai bên ghi nhận tiềm năng to lớn của Việt Nam trở thành quốc gia chủ chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn; và Mỹ “ủng hộ sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam”. Chính phủ Mỹ sẽ cấp khoản tài trợ gieo mầm ban đầu trị giá 2 triệu USD, cùng với các khoản hỗ trợ từ Chính phủ Việt Nam và khu vực tư nhân trong tương lai.
Theo công ty nghiên cứu Technavio, thị trường chất bán dẫn tại Việt Nam dự kiến tăng 1,65 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2025, với tốc độ tăng trưởng khoảng 6,5% mỗi năm. Việt Nam đang phấn đấu đến năm 2030 đào tạo 50.000-100.000 nhân lực chất lượng cao ngành bán dẫn. Những năm qua, một số tập đoàn lớn thế giới đã đầu tư sản xuất chip bán dẫn tại Việt Nam như Intel, Samsung, Synopsys. Các doanh nghiệp trong nước bắt đầu tham gia nghiên cứu, sản xuất chip như FPT, Viettel.
Để làm ra một chip, có ba khâu cơ bản gồm: thiết kế, sản xuất và đóng gói. Việt Nam, với đại diện chính là nhà máy Intel tại TP HCM, hiện chỉ tham gia ở khâu cuối cùng trước khi chip được đưa ra thị trường. Đây cũng là phần chiếm tỷ lệ giá trị thấp nhất trong chuỗi cung ứng. Theo Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn SIA, đóng gói chiếm khoảng 6% giá trị trong chip, trong khi hơn 53% nằm ở thiết kế (design), 24% ở sản xuất (foundry).
Nguồn tin: https://vnexpress.net/viet-nam-can-xac-dinh-cong-doan-tham-gia-nganh-ban-dan-4693101.html