Không khí lạnh suy yếu lệch đông, mang theo hơi ẩm từ biển vào khiến Hà Nội và các tỉnh thành miền Bắc mưa nhỏ, sương mù dày đặc, độ ẩm trên 80%.
Miền Bắc một tuần nay thường xuyên mưa nhỏ, sương mù vào sáng sớm. Riêng hôm nay sương dày đặc, đứng cách xa 10 m không nhìn rõ mặt người. Đến 12h, sương vẫn chưa tan hết. Độ ẩm không khí rất cao khiến nền nhà, bờ tường bị “đổ mồ hôi”, quần áo phơi nhiều ngày không khô.
Từ 3h đến 9h sáng nay, 37 chuyến bay không thể hạ cánh xuống Nội Bài, trong đó 12 chuyến chuyển hướng tới các sân bay lân cận như Cát Bi (Hải Phòng). Đến 9h, 54 chuyến bay phải lùi thời gian khởi hành từ Nội Bài, chờ thời tiết tốt lên.
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, chỉ ra ba nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trên. Thứ nhất, gần một tuần nay, không khí lạnh suy yếu biến tính lệch đông, Hà Nội cũng như miền Bắc liên tục mưa nhỏ, mưa phùn, độ ẩm không khí gần như ở mức bão hòa (trên 80%).
Thứ hai, hôm nay trời lặng gió, không khí ở tầng thấp gần như không có sự xáo trộn. “Suốt một tuần, liên tục có các đợt không khí lạnh, tuy nhiên các lớp không khí lạnh lại rất mỏng nên chỉ làm lạnh lớp sát bề mặt đất. Ở độ cao 900 m, nhiệt độ cao hơn, tạo ra lớp nghịch nhiệt khiến cho hơi ẩm, bụi bẩn tập trung ở sát bề mặt đất, gây ra sương mù và cả ô nhiễm”, ông Lâm nói về nguyên nhân thứ ba.
Lý giải kỹ hơn, ông Vũ Văn Thắng, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, nói sương mù, nồm ẩm những ngày qua là hiện tượng rất đặc trưng ở miền Bắc, năm nào cũng xảy ra vào cuối đông đầu xuân. Đây là dạng sương mù bình lưu (advection fog), hình thành khi không khí lạnh tồn tại những ngày trước suy yếu và dịch chuyển về phía đông mang nhiều hơi ẩm hơn vào đất liền.
Sương mù bình lưu thường xuất hiện do khối không khí nóng ẩm di chuyển phía trên một bề mặt lạnh hơn khiến lớp không khí sát bề mặt lạnh đi và ngưng tụ. Tuần trước miền Bắc chìm trong đợt rét đậm rét hại, nền nhiệt rất thấp, lớp bề mặt “ngâm lạnh” lâu. Tới khi lớp không khí lạnh yếu và lệch đông, ấm và ẩm hơn tràn xuống, tạo ra hiện tượng nghịch nhiệt khiến lớp bề mặt ngưng tụ.
Cùng quan điểm, chuyên gia thời tiết Nguyễn Ngọc Huy cho rằng cách đây một tuần không khí lạnh mạnh đã khiến nhiệt độ bề mặt xuống thấp. Những ngày gần đây, từ độ cao khoảng 1.000 m trở lên đã có nắng, nhiệt độ ấm hơn trong khi lớp bề mặt vẫn lạnh dẫn tới tình trạng nghịch nhiệt, hơi ẩm không thể bốc hơi theo chiều thẳng đứng. Tình trạng lặng gió, độ ẩm không khí ở mức bão hòa (100%) cũng khiến khả năng khuyếch tán hạn chế.
Các chuyên gia dự báo sương mù dày và mưa phùn sẽ còn kéo dài đến sáng 4-5/2, sau đó giảm dần do một bộ phận không khí lạnh tràn xuống miền Bắc.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/vi-sao-ha-noi-suong-mu-day-dac-4707998.html