Thừa Thiên – HuếChính quyền tỉnh cùng người dân tổ chức lễ dâng hương, tưởng nhớ Huyền Trân công chúa trong lễ hội đền Huyền Trân, ngày 18/2.
Lễ hội đền Huyền Trân do Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Huyền Trân, dưới chân núi Ngũ Phong, phường An Tây, TP Huế.
Mở đầu lễ hội, hình ảnh Huyền Trân công chúa vâng lệnh vua Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông lấy quốc vương Chiêm Thành là Chế Mân hơn 700 năm trước được tái hiện. Đáp lại, quốc vương Chiêm Thành đã dâng châu Ô, châu Lý cho nhà Trần. Sau khi vua Chế Mân qua đời, công chúa Huyền Trân trở về Đại Việt và xuất gia tu hành tại núi Trâu Sơn, tỉnh Bắc Ninh ngày nay.
Sau hoạt cảnh, trong trang phục áo dài khăn đóng, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, cùng với bô lão làng An Cựu đã dâng hương, tưởng niệm Huyền Trân công chúa, người có công lớn trong việc mở mang bờ cõi về phương Nam. Hàng nghìn du khách và người dân cũng đổ về đền dâng hương và tham gia trò chơi dân gian.
Ông Phan Thanh Hải cho biết công chúa Huyền Trân (1287-1340) cùng với vua cha Trần Nhân Tông (1258-1308) là những danh nhân gắn liền với sự hình thành của vùng đất Thuận Hóa – Phú Xuân – Thừa Thiên Huế.
“Vâng lệnh vua cha và sau đó là anh trai, hoàng đế Trần Anh Tông, công chúa gác tình riêng, gạt lệ xuống thuyền theo chồng về Chiêm Thành, thiết lập mối hòa hiếu với lân bang. Từ món quà cưới của bà, Đại Việt có thêm hai châu, trong đó có vùng đất Huế (Thuận Hóa)”, ông Hải nói.
Lễ hội Huyền Trân công chúa tổ chức đúng ngày mất của bà nhằm tri ân, ngưỡng vọng người có công lớn trong việc mở cõi.
Võ Thạnh
Nguồn tin: https://vnexpress.net/tuong-nho-nguoi-mo-coi-huyen-tran-cong-chua-4712630.html