Ban đầu chỉ bãi đất trống nhỏ, trải qua 110 năm, quảng trường chợ Bến Thành trở thành đầu mối kết nối giao thông sầm uất bậc nhất, gắn bó nhiều thế hệ người Sài Gòn.
Mới đây, UBND TP HCM giao quận 1 lập kế hoạch triển khai cải tạo cảnh quan trước chợ Bến Thành, dự kiến hoàn thành trước 30/4/2025. Tổng diện tích chỉnh trang khoảng 45.000 m2, chia làm 4 vùng, bao gồm quảng trường và các con đường, vỉa hè, công trình gắn với quảng trường được xem là lâu đời nhất Sài Gòn. Sau khi hoàn thành cải tạo, nơi đây có thêm nhiều tiện ích công cộng, mảng xanh, phục dựng lại các công trình kiến trúc, tượng đài gắn với ký ức người dân thành phố.
Theo các tư liệu lịch sử, khu vực quảng trường vốn nằm ở bờ phía Đông của đầm lầy lớn, gọi là ao Bồ Rệt (Marais Boresse). Thị trưởng đầu tiên của thành phố Sài Gòn Eugène Cuniac (1851-1916) đã cho lấp ao để xây ngôi chợ mới thay cho chợ Bến Thành cũ ở giữa đại lộ Charner và Rue d’Adran (đường Nguyễn Huệ và Hồ Tùng Mậu ngày nay) đã xuống cấp.
Quảng trường được khởi công cùng lúc với chợ Bến Thành vào năm 1912 do hãng thầu Brossard et Maupin xây dựng, hoàn tất sau gần hai năm. Lễ khai thị chợ Bến Thành mới được báo chí thời đó gọi là “Tân Vương Hội”, gồm các hoạt động vui chơi kéo dài ba ngày 28, 29 và 30/3/1914 với hơn 100.000 người ở Sài Gòn và các tỉnh đổ về.
Các mặt chợ được bao bọc bởi bốn con đường, trong đó quảng trường nằm ở mặt tiền phía Nam, rộng 3.220 m2. Trong quá trình xây dựng, chính quyền phải di dời depot xe lửa thuộc tuyến đường sắt Sài Gòn – Mỹ Tho hoạt động gần 30 năm, về nhà ga phía Tây Nam của quảng trường. Khu vực này hiện là công viên 23 tháng 9.
Giai đoạn đầu, người Sài Gòn gọi khu vực này là Place du Marché (quảng trường Chợ), trong khi chợ Bến Thành được gọi là chợ Sài Gòn hoặc chợ Mới để phân biệt với chợ cũ. Đến tháng 7/1916, để tưởng niệm thị trưởng Cuniac vừa qua đời, quảng trường được đặt tên là Place Eugène – Cuniac. Những năm 1920, nơi đây diễn ra nhiều lễ hội vui chơi buôn bán. Các gánh xiếc giải trí, cải lương, nhạc tài tử, múa, ca nhạc với đánh võ quyền anh đã được tổ chức tại đây.
Cùng với đó, ga Sài Gòn mới được khánh thành vào năm 1915, sau đó một trạm xe điện được xây dựng ở khu chợ này vào năm 1923. Sau đó là hai trạm xe buýt ở phía Đông, Tây của chợ đã biến quảng trường Place Eugène – Cuniac Cuniac thành một trong những đầu mối kết nối giao thông tấp nập và quan trọng nhất của thành phố lúc bấy giờ.
Trước năm 1929, quảng trường chỉ là một khoảng đất trống đơn giản. Sau đó chính quyền mới xây thêm một bùng binh và khu vườn kiểng ở trung tâm.
Từ năm 1955, chính quyền Bảo Đại đổi tên Place Eugène – Cuniac thành quảng trường Diên Hồng. Tên gọi được lấy từ hội nghị diễn ra vào thế kỷ 13, vua Trần Thánh Tông triệu tập bô lão trong cả nước để bàn về việc chống quân Nguyên Mông. Tinh thần “Sát Thát” của hội nghị Diên Hồng đã trở thành biểu tượng cho sự đoàn kết và quyết tâm bảo vệ đất nước. Ngoài ý nghĩa tôn vinh lịch sử, khơi dậy tinh thần dân tộc, việc đổi tên còn là một phần nỗ lực loại bỏ dấu ấn Pháp của chính quyền lúc bấy giờ.
Thời gian sau này, do địa thế rộng rãi, dễ tập hợp và phân tán vì có nhiều con đường xung quanh, quảng trường Diên Hồng trở thành nơi đấu tranh của những người phản đối chính quyền.
Ngày 25/8/1963, trong cuộc biểu tình đòi tự do dân chủ, chống thiết quân luật tại quảng trường, nữ sinh Quách Thị Trang, 15 tuổi, bị cảnh sát bắn chết. Hội Sinh viên Sài Gòn quyên góp tiền để tạc và dựng tượng Quách Thị Trang ở vườn kiểng, đúng nơi nữ sinh qua đời. Từ đó người thành phố gọi khu vực này là công trường hay bùng binh Quách Thị Trang. Hai năm sau, tượng tướng quân Trần Nguyên Hãn cưỡi ngựa thả chim được đặt trên bệ đá cao tại khu vực bùng binh.
Nhìn từ trên cao, tổng thể phần đảo giao thông với hai bức tượng như một nhụy hoa, trong khi phần cánh là 7 tuyến đường tỏa ra các hướng gồm Lê Lợi, Trần Hưng Đạo, Hàm Nghi, Huỳnh Thúc Kháng, Lê Lai, Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh. Xoay quanh bùng binh là chợ Bến Thành, tòa nhà hỏa xa, bến xe, công viên, bệnh viện, tượng đài, bảo tàng, phố đồ cổ, phố ngân hàng… Nơi đây trở thành đầu mối giao thông sầm uất nhất thành phố, trở thành một phần ký ức của các thế hệ người dân Sài Gòn.
Năm 2014, hai bức tượng được dời để thi công ga ngầm Metro Bến Thành – Suối Tiên. Toàn bộ khu vực trước chợ được trưng dụng để triển khai hạng mục quan trọng của tuyến metro đầu tiên của thành phố. Nơi này mới được tái lập mặt bằng hai năm nay. Hiện, thành phố chuẩn bị cải tạo không gian, làm quảng trường trước chợ. Tượng Trần Nguyên Hãn, Quách Thị Trang dự kiến được đặt lại ở vị trí hài hòa với không gian mới…
KTS Khương Văn Mười, nguyên phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cho biết bùng binh chợ Bến Thành là một phần ký ức bao gồm cả văn hóa, giao thương kinh tế và lịch sử đấu tranh của người dân Sài Gòn. Thành phố cho cải tạo không gian, giữ lại tượng Trần Nguyên Hãn, Quách Thị Trang và bố trí nơi trang trọng, nổi bật đã góp phần lưu giữ hình ảnh cũ, ký ức của người dân.
Theo chuyên gia, thành phố dự kiến khai thác không gian đường Lê Lợi, công viên 23/9 và nhiều dự án khác để nâng cao cái giá trị của trung tâm thành phố. Do đó, bùng binh thay đổi thay đổi thành quảng trường là “phù hợp với xu thế”.
“Trung tâm thương mại lúc nào cũng cần một quảng trường rộng lớn bởi khách đến không phải bước vào chợ ngay”, KTS Mười nói. Do đó, thành phố làm quảng trường ở phía trước, xung quanh tổ chức phố ẩm thực, ăn uống, tạo ra nhiều điểm lợi ích là tính ưu việt của dự án.
Quan trọng hơn, trong tương lai khi tuyến Metro 1 hoạt động, cửa hầm lên xuống ngay chợ Bến Thành. Đây cũng là một hình thức TOD (phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng), các trạm đều có công trình công cộng với bên này có bệnh viện, bên kia công viên, quảng trường… tạo điều kiện để người dân đi metro thuận lợi.
“Phương án cải tạo quảng trường chợ Bến Thành vừa bảo tồn được các giá trị nhưng cũng phù hợp yêu cầu phát triển mới”, ông Mười nói.
Lê Tuyết
Nguồn tin: https://vnexpress.net/tram-nam-doi-thay-cua-quang-truong-cho-ben-thanh-4754365.html