Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng mỗi công dân tích cực tham gia xây dựng pháp luật và có ý thức thượng tôn pháp luật sẽ tạo nên sức mạnh của cả hệ thống chính trị.
Trong bài viết Phát huy tính Đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho biết nghị quyết 27 năm 2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới là dấu mốc, bước chuyển quan trọng.
Lần đầu tiên Đảng ban hành một Nghị quyết chuyên đề về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, trong đó xác định mục tiêu xây dựng hệ thống pháp luật hoàn thiện, được thực hiện nghiêm minh, nhất quán; thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân; quyền lực nhà nước là thống nhất, được phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ, kiểm soát hiệu quả; nền hành chính, tư pháp chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại.
Nghị quyết cũng xác định xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, thực sự chuyên nghiệp, liêm chính; quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả; đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh, bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045.
“Việc thực hiện thành công các mục tiêu này có ý nghĩa rất quan trọng, là tiền đề vững chắc để đất nước phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước viết.
Ông đánh giá sau hai năm thực hiện nghị quyết, bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều hạn chế vẫn còn tồn tại. Nhận thức về tầm quan trọng của Nhà nước pháp quyền có lúc, có nơi chưa đồng đều. Một số chủ trương, định hướng lớn của Đảng chưa được thể chế kịp thời, đầy đủ hoặc đã thể chế nhưng tính khả thi không cao; hệ thống pháp luật còn có quy định mâu thuẫn, chồng chéo, chưa phù hợp với sự phát triển kinh tế, xã hội, chậm được bổ sung, sửa đổi, thay thế.
Ngoài ra, cơ chế, chính sách, pháp luật chưa tạo dựng được môi trường thực sự thuận lợi để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thu hút nguồn lực của các nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng như trong nhân dân. Bộ máy hành chính Nhà nước còn cồng kềnh, chồng lấn giữa lập pháp và hành pháp. Một số bộ ngành chưa đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương, làm thay công việc của địa phương dẫn đến cơ chế xin cho, dễ nảy sinh tham nhũng, tiêu cực.
Công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số còn hạn chế. Một bộ phận cán bộ thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, “đổ lỗi” cho hệ thống pháp luật để không thực hiện chức trách.
Những tồn tại, hạn chế nêu trên “đã làm suy giảm ý nghĩa, vai trò của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên thực tiễn”. Vì vậy, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu ba vấn đề cơ bản để xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Thứ nhất, Đảng cầm quyền, lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, toàn diện, bao trùm mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại… Đặc thù của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đảng lãnh đạo bằng đường lối, chính sách, thể chế hóa đường lối, chính sách thành pháp luật để quản lý Nhà nước và xã hội.
Như vậy, pháp luật trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa cần phải liên tục được hoàn thiện để thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, phát huy dân chủ, vì con người, công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. “Cần có cơ chế kiểm soát hiệu quả việc thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng thành pháp luật của Nhà nước”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu quan điểm.
Theo ông, quy trình xây dựng pháp luật phải chặt chẽ, khoa học, dân chủ, thể hiện đầy đủ ý chí, nguyện vọng của nhân dân, bảo vệ lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân; khuyến khích đổi mới sáng tạo, thu hút mọi nguồn lực cho sự phát triển. Quốc hội cần có các giải pháp bảo đảm hệ thống pháp luật được ban hành đáp ứng được các yêu cầu của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát huy vai trò là cơ quan có thẩm quyền giải thích pháp luật để những vướng mắc trong thực thi các đạo luật được xử lý kịp thời, đáp ứng yêu cầu của cuộc sống.
Chính phủ cần theo dõi, đánh giá tình hình thi hành pháp luật để kịp thời phát hiện những quy định mâu thuẫn, chồng chéo, chưa phù hợp với thực tiễn, cản trở đổi mới sáng tạo, thu hút nguồn lực đầu tư, sản xuất, kinh doanh để có biện pháp xử lý. Tinh thần là không để một số điều luật trở thành điểm nghẽn cản trở thực hiện quyền con người, quyền công dân và phát triển kinh tế – xã hội.
Thứ hai, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, không ngừng phát huy dân chủ để nhân dân tham gia. Các vị trí lãnh đạo trong bộ máy nhà nước được cơ cấu các vị trí lãnh đạo cấp ủy đảng tương ứng, chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của cơ quan trong bộ máy nhà nước từ trung ương đến cơ sở, hình thành cơ cấu lãnh đạo chặt chẽ của Đảng đối với hoạt động quản lý nhà nước.
Từ nguyên lý và thực tiễn này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng để phát huy hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước đối với xã hội bằng pháp luật, cần phải tăng cường đồng thời hai yếu tố đức trị và pháp trị. Trong đó, yếu tố “đức trị” là sự phát huy các ưu điểm, thế mạnh, vai trò của tổ chức cơ sở Đảng, tính tiên phong, nêu gương của cán bộ Đảng viên để dẫn dắt yếu tố “pháp trị” là việc thực hiện quản lý xã hội bằng pháp luật.
“Sự thượng tôn pháp luật là biểu hiện của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, vì vậy, cán bộ Đảng viên phải gương mẫu, đi đầu trong chấp hành và tuân theo pháp luật”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu.
Thứ ba, trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhân dân được xác định là người làm chủ theo quy định pháp luật và vận hành theo nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Tuy nhiên, để có dân chủ thực chất, bên cạnh hệ thống pháp luật hoàn thiện, thì sự vận hành hiệu quả của hệ thống chính trị cũng phải phù hợp với nguyên tắc thượng tôn Hiến pháp, pháp luật.
Mỗi Đảng viên cần là nhân tố quan trọng lan tỏa tinh thần dân chủ và thượng tôn pháp luật đến nhân dân; để từ đó phát huy dân chủ trong nhân dân, làm cho mọi cá nhân, tổ chức đồng tình, ủng hộ với đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và chủ động tuân thủ, thực thi pháp luật.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng mỗi công dân tích cực tham gia xây dựng pháp luật và có ý thức thượng tôn pháp luật sẽ tạo nên sức mạnh của cả hệ thống chính trị để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
* Toàn văn bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm
Viết Tuân
Nguồn tin: https://vnexpress.net/tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-thuong-ton-phap-luat-tao-nen-suc-manh-4806118.html