Hà NộiTổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu đầu tư trọng điểm để phát triển các tổ chức nghiên cứu, triển khai giải pháp đột phá để thu hút nhân tài khoa học công nghệ ở nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài về làm việc.
Sáng 13/1, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại hội trường Diên Hồng, Tòa nhà Quốc hội, kết hợp trực tuyến đến điểm cầu tại các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương; các ban, bộ, ngành, đơn vị sự nghiệp Trung ương; các điểm cầu cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.
Tổng Bí thư Tô Lâm; Chủ tịch nước Lương Cường; Thủ tướng Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, và nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự hội nghị. Gần một triệu cán bộ, đảng viên theo dõi trực tiếp và trực tuyến.
Tổng Bí thư Tô Lâm làm trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học công nghệ
Mở đầu hội nghị, quyết định thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học công nghệ về đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia trực thuộc Bộ Chính trị được công bố. Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng Ban chỉ đạo, các Phó trưởng ban gồm Thủ tướng Phạm Minh Chính; Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Lưu Quang, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải. Chánh văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Duy Ngọc là Phó trưởng ban Thường trực.
Ban chỉ đạo có các ủy viên: Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang; Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang; Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng; Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Phó chánh văn phòng Trung ương Đảng Phạm Gia Túc.
Bố trí ít nhất 15% ngân sách nhà nước chi cho sự nghiệp khoa học phục vụ nghiên cứu công nghệ chiến lược
Báo cáo về kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng liên quan đến phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương Thái Thanh Quý cho biết từ khi thống nhất đất nước, Đảng ngày càng chú trọng và xác định tầm quan trọng của khoa học, công nghệ đối với phát triển kinh tế xã hội.
Qua các nhiệm kỳ Đại hội, nhận thức và tư duy của Đảng về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đã dần hoàn thiện, với nhiều đổi mới. Các chủ trương và định hướng được xây dựng có tính kế thừa và phát triển, phù hợp với từng giai đoạn phát triển đất nước và xu thế toàn cầu.
Tiềm lực khoa học và công nghệ của Việt Nam đã được tăng cường. Số lượng và chất lượng các tổ chức khoa học công nghệ cùng đội ngũ cán bộ phát triển mạnh mẽ, đóng vai trò nòng cốt trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ. Quản lý nhà nước cùng cơ chế, chính sách về phát triển và quản lý khoa học, công nghệ được tiếp tục đổi mới, tạo lập hành lang pháp lý thuận lợi cho hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia; hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang dần hình thành.
Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia đã được thành lập và hoạt động, bước đầu đạt hiệu quả. Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia tiên phong ban hành Chiến lược chuyển đổi số quốc gia. Hệ thống quản lý nhà nước và khung pháp lý cho công nghệ thông tin và chuyển đổi số cũng đang được hoàn thiện.
Hạ tầng số quốc gia được xây dựng đồng bộ và hiện đại; hạ tầng viễn thông phát triển rộng khắp, ngang tầm với các nước phát triển. Cơ sở dữ liệu quốc gia và chuyên ngành đang dần được triển khai. Ngành công nghiệp công nghệ số phát triển nhanh chóng, ngày càng đóng góp lớn vào GDP.
Cụ thể, Việt Nam có 423 tổ chức nghiên cứu và phát triển với quy mô khác nhau, chủ yếu tập trung ở Hà Nội và TP HCM. Hiện có gần 900 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Cả nước có khoảng 4.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, 208 quỹ đầu tư, 84 vườn ươm và 20 trung tâm khởi nghiệp sáng tạo. Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam đứng thứ 56/100 quốc gia, Hà Nội và TP HCM vào top 200 thành phố khởi nghiệp sáng tạo toàn cầu.
Năm 2024, Việt Nam xếp hạng 44/133 về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu và 71/193 về Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử. Đến hết năm 2024, tỷ trọng kinh tế số trong GDP đạt 18,3%. Ngành công nghiệp công nghệ số ước đạt doanh thu 152 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu phần cứng và điện tử ước đạt 132 tỷ USD.
Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương Thái Thanh Quý cũng cho rằng tốc độ và sự bứt phá của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia còn chậm; chưa thực sự trở thành động lực quan trọng để phát triển kinh tế xã hội. Việc huy động các nguồn lực cho khoa học công nghệ và nghiên cứu, phát triển (R&D) chưa hiệu quả, trong đó chi cho khoa học công nghệ chưa đạt mức quy định tối thiểu 2% tổng chi ngân sách Nhà nước (năm 2023 chỉ đạt 0,82%) và chi cho R&D mới đạt khoảng 0,67% GDP (trong đó mức trung bình của các nước phát triển là 2-5% GDP).
Cơ chế quản lý khoa học, công nghệ chậm đổi mới, chưa phù hợp, nhất là về tài chính, đầu tư. Cơ chế và chính sách cán bộ trong hoạt động khoa học và công nghệ còn nặng về hành chính, chưa tạo được môi trường thuận lợi để phát huy sức sáng tạo, thu hút nhân tài; nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu.
Thị trường khoa học và công nghệ phát triển chậm. Việc thực hiện các chủ trương, chính sách về phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ còn hạn chế, thiếu thể chế về tài chính, chuyển giao, ứng dụng, phát triển khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ cao; thiếu giải pháp đồng bộ và sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và địa phương.
Theo ông Quý, nhận thức và tư duy của một số cấp ủy đảng, chính quyền còn chưa đầy đủ, rõ ràng, chưa nắm rõ sự cần thiết, cấp bách phải đổi mới cơ chế quản lý khoa học công nghệ; chưa nhìn nhận đúng tính đặc thù của lĩnh vực này là tính sáng tạo, mang tính rủi ro và có độ trễ; chưa thực sự coi đây là quốc sách hàng đầu, là nền tảng, động lực để phát triển kinh tế – xã hội. Nguồn lực đầu tư dành cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số ở mức thấp.
Nhiều nút thắt, điểm nghẽn về thể chế, pháp luật cản trở sự phát triển của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa được giải quyết đồng bộ, dứt điểm, nhất là cơ chế quản lý tài chính, đầu tư chậm đổi mới, không phù hợp; thiếu thể chế thử nghiệm, sandbox, miễn trừ trách nhiệm, chấp nhận rủi ro. Điều này chưa tạo điều kiện đủ mạnh để doanh nghiệp dành nguồn lực thỏa đáng cho nghiên cứu và phát triển.
Ông Quý cho biết Nghị quyết 57 đưa ra năm quan điểm lớn. Đầu tiên, Bộ Chính trị khẳng định khoa học công nghệ phải là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới.
Nghị quyết chỉ rõ tính cách mạng, toàn dân, toàn diện của sự nghiệp phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, trong đó yêu cầu tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của doanh nhân, doanh nghiệp và nhân dân. Bộ Chính trị xác định đây là cuộc cách mạng sâu sắc, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; được triển khai quyết liệt, nhất quán, lâu dài. Người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, nguồn lực, động lực chính; nhà khoa học là nhân tố then chốt; Nhà nước giữ vai trò dẫn dắt.
Bộ Chính trị xác định các nội dung cốt lõi của cuộc cách mạng này bao gồm: thể chế, nhân lực, hạ tầng, dữ liệu và công nghệ chiến lược. Trong đó thể chế là điều kiện tiên quyết, cần hoàn thiện và đi trước một bước. Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật bảo đảm yêu cầu quản lý và khuyến khích đổi mới sáng tạo, loại bỏ tư duy “không quản được thì cấm”. “Phải bảo đảm nguồn nhân lực trình độ cao cho phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; có cơ chế, chính sách đặc biệt về nhân tài”, ông Quý nói, nhấn mạnh việc khai thác tối đa tiềm năng của dữ liệu, đưa dữ liệu thành tư liệu sản xuất chính, thúc đẩy phát triển nhanh cơ sở dữ liệu lớn, công nghiệp dữ liệu, kinh tế dữ liệu.
Nghị quyết nêu quan điểm phát triển nhanh và bền vững, từng bước tự chủ về công nghệ, nhất là công nghệ chiến lược; ưu tiên nguồn lực quốc gia đầu tư cho phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; nhanh chóng tiếp thu, hấp thụ, làm chủ và ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến của thế giới; đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, chú trọng nghiên cứu cơ bản, tiến tới tự chủ và cạnh tranh về công nghệ ở một số lĩnh vực đất nước có nhu cầu, tiềm năng, lợi thế.
Bộ Chính trị cũng đặt ra yêu cầu xuyên suốt, không tách rời là phải bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng; bảo đảm an ninh mạng, an ninh dữ liệu, an toàn thông tin của tổ chức và cá nhân.
Để thực hiện các mục tiêu lớn của Nghị quyết 57, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương Thái Thanh Quý nhấn mạnh nhiệm vụ phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số phải được xác định cụ thể trong chương trình, kế hoạch công tác hằng năm của các cơ quan, bố trí phù hợp số lượng cán bộ có trình độ chuyên môn khoa học kỹ thuật trong cấp ủy các cấp, đồng thời cần phát huy tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, cần xóa bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển; đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triến khoa học, công nghệ. Các cơ quan phải tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, giải phóng các nguồn lực, khuyến khích, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia, phát triển nguồn nhân lực.
Nhà nước có cơ chế thí điểm để doanh nghiệp thử nghiệm công nghệ mới có sự giám sát của Nhà nước; có chính sách miễn trừ trách nhiệm đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong trường hợp thử nghiệm công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới mà có thiệt hại về kinh tế do nguyên nhân khách quan, đồng thời cho phép hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo, ươm tạo công nghệ và chuyển đổi số.
Cùng với đó, Nhà nước cũng tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; bố trí ít nhất 15% ngân sách nhà nước chi cho sự nghiệp khoa học phục vụ nghiên cứu công nghệ chiến lược; ban hành cơ chế, chính sách hợp tác công tư để nghiên cứu và phát triển công nghệ chiến lược.
Các bộ ngành cần có cơ chế, chính sách hấp dẫn về tín dụng, học bổng và học phí để thu hút học sinh, sinh viên giỏi theo học các lĩnh vực toán học, vật lý, sinh học, hóa học, kỹ thuật và công nghệ then chốt, nhất là ở các trình độ sau đại học; chú trọng phát triển đội ngũ giảng viên, các nhà khoa học đủ năng lực, trình độ đáp ứng việc giảng dạy lĩnh vực khoa học cơ bản, công nghệ chip bán dẫn, vi mạch, kỹ thuật và công nghệ then chốt.
7 nhiệm vụ để đột phá về khoa học công nghệ
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị là đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đây là văn kiện có ý nghĩa chiến lược, đánh dấu bước chuyển mình quan trọng của đất nước trong các lĩnh vực này.
“Nghị quyết 57 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là kim chỉ nam cho sự phát triển trong kỷ nguyên mới phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng và là lời hiệu triệu mạnh mẽ trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân cùng nỗ lực đưa Việt Nam thành quốc gia phát triển, thu nhập cao, có năng lực cạnh tranh toàn cầu”, Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đóng vai trò then chốt, là động lực mạnh mẽ để Việt Nam phát triển tăng tốc, bứt phá, bền vững. Nghị quyết giúp Việt Nam bắt kịp, tiến cùng các nước phát triển, tránh nguy cơ tụt hậu kinh tế, từng bước vượt lên, sánh vai cùng các cường quốc về công nghệ.
Đây cũng là chìa khóa để nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế; tối ưu hóa quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý nhà nước; thúc đẩy phát triên kinh tế số, xã hội số, kinh tế xanh, phù hợp với xu thế chung của thế giới; góp phần đảm bảo tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội, mang lại lợi ích thiết thực cho mọi người dân, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, thịnh vượng.
Thủ tướng cho biết Chính phủ xác định 7 nhóm nhiệm vụ chủ yếu trong Chương trình hành động thực hiện nghị quyết 57, trước hết là nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới, khí thế mới trong toàn xã hội về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Chính phủ cũng quyết liệt hoàn thiện thể chế, xóa bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển, đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Hạ tầng cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số sẽ được tăng cường đầu tư. Nhân lực chất lượng cao, nhân tài sẽ được trọng dụng đáp ứng yêu cầu phát triển lĩnh vực này.
Các cơ quan nhà nước sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia, quản lý nhà nước, đảm bảo quốc phòng và an ninh. Hoạt động khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong doanh nghiệp sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ. Việt Nam cũng sẽ tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Đổi mới cơ chế quản lý khoa học
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết hiện nay có 4 Luật liên quan trực tiếp đến lĩnh vực khoa học, công nghệ gồm: Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Công nghệ cao, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Sở hữu trí tuệ; ngoài ra có 12 luật, 42 nghị định, 131 thông tư khác có liên quan.
Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15 đến nay, Quốc hội đã thông qua 8 Luật liên quan đến nội dung này. Đặc biệt, 29 luật và 41 nghị quyết Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7 và 8 đã giải quyết nhiều vấn đề cấp bách của thực tiễn, trong đó có những Luật quy định về việc tạo lập cơ sở dữ liệu số; phương thức quản lý, cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù liên quan đến ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số; cho phép triển khai cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các hoạt động nghiên cứu sản xuất sản phẩm, dịch vụ, các loại hình kinh doanh mới.
“Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo để phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, không phải bây giờ mới nhắc tới”, ông Mẫn nói.
Tuy nhiên hệ thống pháp luật về khoa học, công nghệ và chuyển đổi số quốc gia vẫn còn có một số hạn chế, thiếu đồng bộ, thống nhất, dẫn đến một số cơ chế khuyến khích, thúc đẩy trong những lĩnh vực này không phát huy được tác dụng. Cơ chế đầu tư, tài chính cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa thực sự phù hợp, chưa khuyến khích, thu hút đầu tư từ xã hội.
Cơ chế đầu tư, tài chính để triển khai chuyển đổi số chưa được tháo gỡ kịp thời; việc phân bổ nguồn tài chính cho các nhiệm vụ, đề án, dự án có phạm vi quy mô quốc gia còn chậm và triển khai phức tạp, mất nhiều thời gian.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng phải đổi mới mạnh mẽ tư duy, phương thức, quy trình thủ tục trong hoạt động xây dựng pháp luật. Các luật phải ngắn gọn, rõ ràng, chỉ quy định những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội; không luật hóa các nội dung thông tư, nghị định. Tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách hành chính; chuyển mạnh từ luật thiên về quản lý sang kết hợp hài hòa giữa quản lý có hiệu quả với kiến tạo phát triển, khuyến khích đổi mới sáng tạo, kiên quyết từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”.
Đối với những vấn đề cụ thể đang trong quá trình vận động, chưa ổn định, thì luật chỉ quy định khung và giao cho Chính phủ quy định chi tiết, bảo đảm sự linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành, đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn. Cơ chế quản lý khoa học phải tạo động lực đổi mới, sáng tạo như tinh thần “khoán 10” trong nông nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ sinh học.
Bên cạnh đó, Nhà nước tiếp tục cho phép thí điểm đối với những vấn đề thực tiễn mới đặt ra; nghiên cứu, quy định phù hợp về cơ chế thí điểm, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát; nghiên cứu quy định miễn trừ trách nhiệm trong trường hợp thử nghiệm công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới. Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ để rà soát hệ thống pháp luật có liên quan; thể chế đầy đủ, kịp thời, đồng bộ theo đúng yêu cầu của Nghị quyết 57.
Cơ quan của Quốc hội sẽ phân công theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, báo cáo việc thực hiện Nghị quyết; chỉ rõ những kết quả đã làm được, việc chưa làm được, việc chưa đạt yêu cầu, giải pháp khắc phục và cá thể hóa trách nhiệm.
Cần giải pháp đột phá để thu hút nhân tài về công nghệ
Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu tập trung đầu tư trọng điểm để phát triển các tổ chức nghiên cứu, có kế hoạch cụ thể xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nhân tài khoa học công nghệ, triển khai giải pháp đột phá để thu hút tập đoàn công nghệ hàng đầu, nhân tài khoa học công nghệ ở nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài về làm việc.
Ông cũng yêu cầu xem xét bỏ bớt điều kiện kinh doanh không còn phù hợp với nghị quyết 57, Nhà nước có thể chọn thí điểm một số Viện hoặc trường để mời các chuyên gia bên ngoài làm lãnh đạo, nhất là trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, những người hiểu rõ văn hóa Việt Nam, trưởng thành ở các nước phát triển, am hiểu chuyên môn, có sự kết nối quốc tế sâu rộng.
Xem diễn biến chính
Nguồn tin: https://vnexpress.net/tong-bi-thu-can-giai-phap-dot-pha-de-thu-hut-nhan-tai-cong-nghe-4838456-tong-thuat.html