Sau thảm họa sạt lở đất, chính quyền cùng người dân Trà Leng, huyện Nam Trà My xây dựng khu tái định cư được đánh giá an toàn, trở thành kiểu mẫu của miền núi.
Ngày đầu tháng 11, chị Nồ Thị Nan, 33 tuổi, ở làng Bằng La, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My ngồi trước căn nhà sàn ngắm bản làng mái tôn đỏ tươi, nghe loa truyền thanh xã thông báo sắp có đợt mưa rất to. Chị Nan nói đợt mưa này không còn nơm nớp lo sợ lũ quét, sạt lở đất như trước mà có niềm tin nhà mình cũng như khu tái định cư có thể vượt qua.
Sau thảm họa lở đất cuối tháng 10/2020 ở nóc Ông Đề vùi lấp 13 ngôi nhà, khiến 9 người chết, 13 người mất tích, chị Nan mất nhà, người chồng mới cưới tử vong. Chị được chính quyền bố trí tái định cư ở làng Bằng La, cách làng cũ 7 km.
Khu tái định nằm trên vùng đất rộng 6 ha bằng phẳng, gần sông Leng, thuộc vùng đất sản xuất của người Ca Dong, xã Trà Dơn. Không cùng địa giới hành chính, nhưng khi thấy người Bh’nong, xã Trà Leng gặp hoạn nạn, người dân Trà Dơn hiến tặng để xây dựng khu tái định cư.
Sau bốn tháng xây dựng, đầu năm 2021 làng Bằng La hình thành với 13 ngôi nhà. Mỗi nhà diện tích 50 m2, xây kiểu nhà sàn, trị giá 170 triệu đồng, được một doanh nghiệp tài trợ. Mái được làm bằng xà gồ sắt, lợp tôn, đặt trên 12 trụ bêtông cắm sâu vào lòng đất, đảm bảo chỗ ở lâu dài.
Nhà chính có hai phòng ngủ, một phòng khách, công trình phụ có bếp nấu ăn, phòng vệ sinh. Điện, nước sinh hoạt được chính quyền đầu tư xây dựng đấu nối đến từng hộ. Chị Nan cùng 12 hộ dân được cấp sổ đỏ. Để căn nhà đầy đủ, chị bỏ thêm 65 triệu đồng từ các nhà hảo tâm giúp đỡ làm nhà bếp, vệ sinh, trần. Tổng tiền đầu tư căn nhà tái định cư gần 250 triệu đồng.
Nhà ở kiên cố, quanh làng có hệ thống điện năng lượng mặt trời chiếu sáng. “Mới đây giữa làng được lắp đặt hệ thống đo mưa cảnh báo sạt lở tự động. Mỗi lúc trời mưa trên 50 mm/giờ hoặc mỗi đợt trên 100 mm thì loa phát thông báo để người dân biết và có phương án sơ tán”, chị nói.
Quá khứ đau buồn dần qua đi, về nơi ở mới chị Nan đi thêm bước nữa, hiện có con 2 tuổi. Chị vui vì được ở vùng đất bằng phẳng, có trường mẫu giáo, nhà sinh hoạt cộng đồng, bên kia sông cách làng 200 m là trung tâm hành chính xã. Đoạn sông Leng chảy qua làng được nhà nước đầu tư hơn 60 tỷ đồng xây kè kiên cố.
Tại làng Bằng La, ngoài 13 hộ dân nóc Ông Đề còn có 25 hộ dân làng Tăk Pát, xã Trà Leng – từng bị sạt lở di dời đến. Toàn bộ nhà được thiết kế cùng một mẫu do doanh nghiệp tài trợ. Hiện làng còn 30 lô để bố trí cho người dân có nguy cơ sạt lở.
Cách Bằng La khoảng 30 km, làng tái định cư Khe Chữ, xã Trà Vân có 168 hộ dân với hơn 500 nhân khẩu. Những ngôi nhà gỗ, nhà xây kiên cố nằm nối đuôi nhau giữa rừng quế. Trong làng có hệ thống điện chiếu sáng, nước sinh hoạt, đường giao thông được đầu tư đồng bộ. Đây là ngôi làng tái định cư sau sạt lũ quy mô nhất của huyện Nam Trà My.
Trước đó cuối tháng 10/2017, ảnh hưởng của hoàn lưu bão Damrey, một quả đồi ụp xuống làm sáu căn nhà bên sườn đồi ở xã Trà Văn bị vùi lấp, cướp đi 4 sinh mạng. Gần 150 nhà khác nằm dưới chân và trên sườn núi có nguy cơ bị sạt lở bất cứ lúc nào, người dân tháo chạy trong đêm.
Sau sự cố, huyện Nam Trà My và xã Trà Vân đã khảo sát tìm kiếm vùng đất Khe Chữ cách làng cũ hơn 3 km, rộng hơn 36 ha, là đất sản xuất của người dân thôn 2 để tái định cư. Chính quyền bố trí 5 ha đất ở, còn lại là đất sản xuất. Khu tái định cư được đánh giá là lý tưởng vì bằng phẳng và có đường Đông Trường Sơn đang được đầu tư xây dựng chạy qua làng.
Ngoài việc san lấp tạo mặt bằng đưa dân đến dựng nhà, chính quyền mở đường từ trung tâm xã Trà Vân đến Khe Chữ dài 10 km. Đây là cuộc di dân lớn nhất từ trước đến nay ở huyện Nam Trà My.
“Từ vùng đất sản xuất, nay nhà cửa mọc lên san sát, trong làng cây xanh tỏa bóng mát. Bọn trẻ có trường học, người dân đi lại thuận lợi”, ông Hồ Văn Bốn, cư dân Khe Chữ chia sẻ. Điều ông mừng nhất là nỗi lo sạt lở khi mưa lớn đã vơi dần.
Phó chủ tịch huyện Nam Trà My Trần Văn Mẫn cho hay làng Bằng La và Khe Chữ là hai khu tái định cư kiểu mẫu của huyện. Trong đó Khe Chữ hầu hết dời nhà gỗ chỗ cũ đến dựng lại, còn Bằng La đầu tư xây mới hoàn toàn. Tổng đầu tư cho Bằng La hơn 90 tỷ đồng (30 tỷ đồng nhà, hạ tầng và 60 tỷ đồng xây kè).
“Để xây dựng được những khu dân cư như vậy, ngoài nhà nước đầu tư cần có sự chung tay hỗ trợ của mạnh thường quân. Mỗi ngôi nhà ở Bằng La đầu tư hết 200 triệu đồng, chưa kể hạ tầng, trong khi thực hiện nghị quyết HĐND tỉnh chỉ hơn 100 triệu đồng”, ông Mẫn nói.
Quảng Nam có 18 đơn vị cấp huyện thì 9 huyện miền núi có nguy cơ sạt lở cao. Tỉnh nằm phía đông dãy núi Trường Sơn, địa hình núi cao, lượng mưa bình quân hàng năm 2.000-2.500 mm, tập trung vào tháng 9-12, chiếm 80% lượng mưa cả năm. Những năm qua, Quảng Nam gánh chịu nặng nề sạt lở núi.
Phó chủ tỉnh Hồ Quang Bửu cho hay tỉnh xác định tái định cư cho người dân vùng sạt lở là giải pháp chủ động phòng ngừa, hạn chế tối đa các rủi ro do thiên tai. Để tìm chốn an cư an toàn, tỉnh đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường khảo sát địa chất, dòng chảy. Tại những vùng xuất hiện vết nứt, tỉnh sẽ cho di dời khẩn cấp đến khu tái định cư mới.
Từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã ban hành và triển khai hàng loạt cơ chế, chính sách hỗ trợ, sắp xếp ổn định dân cư. Giai đoạn 2016-2020, tỉnh hỗ trợ đất ở tái định cư tối thiểu 200 m2/hộ, kinh phí tối đa 80 triệu đồng/hộ. Trong bốn năm này, ngân sách tỉnh bố trí cho 9 huyện miền núi hơn 385 tỷ đồng, tái định cư cho 6.905 hộ, trong đó có 2.914 hộ dân vùng nguy cơ cao thiên tai.
Giai đoạn 2021-2025, HĐND tỉnh đã thông qua nghị quyết và đặt mục tiêu sắp xếp, ổn định dân cư cho khoảng 7.820 hộ, trong đó hộ vùng thiên tai 2.330 hộ. Người dân tái định cư được bố trí đất ở tối thiểu 150 m2/hộ, hỗ trợ kinh phí với mức tối đa 125 triệu đồng/hộ. “Từ năm 2021 đến nay, ngân sách tỉnh đã bố trí hơn 245 tỷ đồng tái định cư cho 2.160 hộ vùng thiên tai”, ông Bửu nói.
Chia sẻ kinh nghiệm, ông Bửu cho biết trừ một số khu tái định cư tập trung như Khe Chữ, Bằng La do tìm được nguồn đất, người dân được bố trí theo hình thức xen ghép là chủ yếu. Quá trình thực hiện người dân là chủ thể, theo phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng. Nhà nước chỉ tổ chức thực hiện, kiểm tra giám sát, hỗ trợ kinh phí đến hộ tái định cư.
Việc lựa chọn đối tượng, địa điểm tái định cư được thực hiện dân chủ, minh bạch thông qua họp dân trong thôn để bình xét, thảo luận, đi đến thống nhất. UBND cấp xã được giao tổ chức rà soát, lập danh sách hộ di dời, xây dựng phương án di dời, tái định cư trình UBND cấp huyện phê duyệt.
Đắc Thành
Nguồn tin: https://vnexpress.net/tim-chon-an-cu-sau-sat-lo-tra-leng-4808324.html