Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp Bộ Công an triển khai chấm điểm khả tín để người dân tiếp cận vốn tín dụng nhanh, hiệu quả, Thủ tướng chỉ đạo.
Chiều 21/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá hai năm triển khai đề án 06 về Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu thí điểm chấm điểm khả tín khi người dân vay vốn, trước tiên tại ngân hàng Vietcombank đầu năm 2024.
Điểm khả tín của người dân khi vay vốn ngân hàng là “sự tín nhiệm” của khách hàng với ngân hàng, thông qua các chỉ số. Đây là cơ sở để ngân hàng đưa ra quyết định cho vay vốn hay không.
Mức độ khả tín của khách hàng được đánh giá dựa trên nhóm tiêu chí năng lực pháp lý, sử dụng vốn, tài chính, thực hiện bảo đảm tiền vay.
Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp với Bộ Công an ứng dụng Cơ sở dữ liệu dân cư để đánh giá điểm khả tín của khách hàng, nhất là khách hàng cá nhân. Việc này nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ cho vay vốn, giảm rủi ro cho các ngân hàng.
Tại cuộc họp hôm nay, người đứng đầu Chính phủ giao Ngân hàng Chính sách xã hội và Bộ Công an xây dựng tài khoản an sinh xã hội cho mỗi người dân trên ứng dụng VNeID.
Các cơ quan đẩy mạnh cung cấp tiện ích cho người dân và quản lý xã hội trên VNeID. Các lĩnh vực quản lý xã hội cần tích hợp là tố giác tội phạm, phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, khai báo tạm trú, tạm vắng. Tiện ích cho người dân là ngân hàng, mua sắm, thanh toán, giáo dục, y tế, tiện ích cho người yếu thế…
Bộ Tư pháp, Công an cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID tại Thừa Thiên Huế trong quý 1/2024 để nhân rộng toàn quốc.
Bộ Y tế, Công an, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, TP Hà Nội hướng dẫn người dân dùng Sổ sức khỏe điện tử trên VNeID, hoàn thành trong tháng 1/2024.
Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng, sửa đổi các nghị định về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin dùng vốn ngân sách; quy định về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký… Bộ Nội vụ hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức để kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
12 tỉnh gồm Bạc Liêu, Bắc Ninh, Bến Tre, Đăk Lăk, Hưng Yên, Kiên Giang, Nam Định, Phú Thọ, Quảng Trị, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Vĩnh Phúc sớm chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt. 15 địa phương khác sớm miễn, giảm phí dùng dịch vụ công trực tuyến.
Đến nay, toàn quốc có 11,2 triệu tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia với 35,4 triệu hồ sơ, mỗi năm tiết kiệm 2.500 tỷ đồng. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối với 15 bộ ngành, 63 địa phương, một doanh nghiệp nhà nước, 3 doanh nghiệp viễn thông.
Toàn quốc hoàn thành cấp căn cước công dân gắn chíp; cấp 70 triệu tài khoản định danh điện tử. Ứng dụng VNeID đã tích hợp 2,2 triệu dữ liệu đăng ký phương tiện; 10 triệu giấy phép lái xe; gần 17 triệu thẻ bảo hiểm y tế…
Nguồn tin: https://vnexpress.net/thu-tuong-cham-diem-kha-tin-de-nguoi-dan-vay-von-nhanh-4691882.html