Để chuẩn bị xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, Thủ tướng yêu cầu Tổng công ty Đường sắt tăng cường đào tạo nhân lực, phát triển ngành theo hướng hiện đại.
“Tuyến đường sắt đô thị Bến Thành – Suối Tiên ở TP HCM hiện chưa đủ cán bộ vận hành nên có thể ảnh hưởng tiến độ khai thác dự án. Vì vậy, Tổng công ty phải tăng cường đào tạo nguồn nhân lực để phát triển đường sắt tốc độ cao trong tương lai”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024 của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), chiều 9/1.
Theo lãnh đạo Chính phủ, kết luận số 49 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt mục tiêu phát triển giao thông vận tải đường sắt hiện đại, đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội nhanh, bền vững, đáp ứng mục tiêu đến năm 2045 Việt Nam là nước phát triển có thu nhập cao. Vận tải đường sắt đóng vai trò chủ đạo trên hành lang kinh tế Bắc – Nam, các hành lang vận tải chính Đông – Tây và vận tải hành khách tại các đô thị lớn.
Vì vậy, ông đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Giao thông vận tải cùng Tổng công ty Đường sắt Việt Nam quyết tâm trình để được phê duyệt dự án đường sắt tốc độ cao trong năm 2024, cùng với các dự án đường sắt Lào Cai – Hải Phòng, Lạng Sơn – Hà Nội, TP HCM – Cần Thơ….
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chú trọng xây dựng nền tảng phát triển công nghiệp đường sắt theo hướng hiện đại, triển khai chiến lược phát triển, kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2025, tiếp tục thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.
“Chúng ta cần phát huy tính tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay khối óc, mảnh đất, khung trời, cửa biển, biến không thành có, biến không thể thành có thể”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Để có nguồn lực đầu tư các dự án đường sắt, ông đề nghị Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cùng Tổng công ty Đường sắt quản trị hiện đại phù hợp điều kiện Việt Nam, cơ cấu lại tài sản, tài chính mà Tổng công ty đang có bảo đảm mang lại giá trị gia tăng cao hơn.
Hiện nay Tổng công ty quản lý, khai thác hơn 3.100 km đường sắt và hơn 22.000 người lao động trên cả nước. Vì vậy, “tổng công ty phải đặt ra bài toán, sử dụng, khai thác như thế nào cho hiệu quả hơn nữa”.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã có nhiều tiến bộ trong năm 2023 với doanh thu hơn 8.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 94,8 tỷ đồng, vận chuyển 6,1 triệu lượt hành khách, bằng 135% cùng kỳ năm trước. Người lao động trong ngành có thu nhập trung bình 9,5 triệu đồng mỗi tháng, đạt 105 % so với cùng kỳ. Ba năm trước đó (2020-2022), VNR giảm doanh thu và lợi nhuận âm liên tiếp do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/thu-tuong-can-dao-tao-nhan-luc-cho-duong-sat-toc-do-cao-4698871.html