Nghệ AnTừ chỗ không biết đếm tiền, sau 3 khóa học tổ chức ở xã Na Ngoi vào 19h-22h mỗi ngày, bà Xồng Y Thò đã thay chồng phụ trách quán photocopy.
Sáng giữa tháng 7, bà Xồng Y Thò, 47 tuổi, tất bật bấm máy photocopy, trả lại tiền thừa cho khách. Cầm tờ mệnh giá 100.000 đồng của một thanh niên trong bản, bà Thò đưa lại cho anh này 90.000 đồng, dặn “đếm kỹ xem đúng chưa”. Những giao dịch này với nhiều người khá đơn giản, nhưng trước năm 2018 nó trở nên quá khó với bà Thò bởi không biết chữ và làm các phép tính.
Bà Thò sinh ra trong gia đình người dân tộc Mông đông con ở bản Phù Khả 2, xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn. Thu nhập chủ yếu dựa vào trồng gừng trên rẫy, đi rừng hái bo bo về bán nên bố mẹ không đủ kinh tế để nuôi các con ăn học đầy đủ. Lớn lên, chỉ hai em trai được học hết lớp 5, còn bà Thò cùng 3 em gái ở nhà đi rẫy, trưởng thành thì lấy chồng.
Kết hôn năm 2000, bà Thò sinh được 3 người con. Chồng làm cán bộ văn hóa xã Na Ngoi, mở thêm quán photocopy tại nhà để cải thiện thu nhập. Những lúc không lên rẫy, bà Thò ở nhà trông coi quán. Cầm các tập tài liệu mà khách đưa đến nhờ in, bà Thò không biết bên trong viết gì. Khách trả tiền, bà luôn thật thà hỏi mệnh giá bao nhiêu, khi rõ rồi cũng không biết sẽ phải thối lại ra sao.
“Đôi lần khách đưa 50.000 đồng nhưng tôi thối lại hơn 100.000 đồng. Vài người thật thà thì họ gửi lại đúng số tiền đã photo, cũng có một số người lạ từ nơi khác đến thì họ im lặng rồi đi, không đưa lại khoản trả nhầm”, bà Thò kể.
Bà Thò kể không biết chữ và tính toán rất bất tiện, đôi lúc nhìn chồng con đọc báo, giao tiếp với mọi người cảm thấy tủi thân. Vì thế, tháng 3/2018, khi trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Na Ngoi 2 tổ chức lớp học xóa mù chữ ở bản Phù Khả 2, bà Thò nói với chồng sẽ đăng ký. “Bố và các con ủng hộ hai tay”, bà nhớ lại câu nói của chồng, bảo đó là động lực đến với con chữ.
Hơn 40 tuổi mới đụng đến sách vở, bà Thò kể nhìn trang nào cũng thấy lạ. Thời gian đầu theo học lớp xóa mù chữ, bà luôn cảm thấy “đau đầu” vì đánh vần không rõ âm, chữ viết thì nguệch ngoạc, làm phép tính đơn giản cũng toàn sai.
Một kỳ học gồm 200 tiết, mỗi đêm 4 tiết. Sau một tháng, chữ đầu tiên bà viết được tròn trịa là “Xồng Y Thò“. “Tôi đã biết viết tên mình rồi”, bà nhớ lại câu nói với hàng xóm, cũng là học viên chung lớp xóa mù. Sau 2 kỳ học, bà Thò đã đánh vần rõ ràng các câu từ, hết kỳ thứ 3 đã thành thạo các phép tính cộng trừ nhân chia. Ngoài học ở lớp, khi ở nhà bà tranh thủ nhờ chồng và các con “bổ túc” kiến thức. Nhiều hôm không đến trường, căn nhà gỗ cấp bốn bên đường liên xã đỏ đèn đến tận 23h, bà Thò miệt mài làm các bài tập.
“Tôi học hết 600 tiết của 3 kỳ, không vắng một buổi nào. Từ không biết gì về máy photocopy thì nay vận hành máy thành thạo. Trước đây giao tiếp với người khác chỉ nói tiếng Mông, nay tôi dùng được tiếng phổ thông”, bà Thò khoe.
Chị Xồng Y Xìa, 40 tuổi, cách nhà bà Thò 2 km, cũng có cuộc sống tốt hơn nhờ các lớp học xóa mù chữ ở Na Ngoi. Trước đây ngoài kinh tế khó khăn thì người Mông có nhiều hủ tục lạc hậu, bố mẹ luôn quan niệm “con gái không nên học cao, sau này đằng nào cũng về nhà chồng”. Vì vậy cuộc sống của Xìa gắn với nương rẫy, 18 tuổi thì kết hôn với người đàn ông sống bản bên.
Chồng chị Xìa biết chữ nhưng thường xuyên đi làm xa ở miền Nam, mình vợ ở nhà lo cho các con. Trước năm 2019, chị luôn cảm thấy áp lực vì mù chữ. Lúa làm ra; trâu bò, gà, nuôi lớn song khi bán lời ít vì bị thương lái ép giá.
“Cứ thấy người đến trả giá thì bán, chứ biết mặc cả gì đâu”, chị Xìa kể. Có lần, một con trâu đực giá thị trường hơn 30 triệu đồng, nhưng chị bán cho thương lái 25 triệu đồng. Đem việc bán trâu kể với hàng xóm biết lỗ hơn 5 triệu đồng, chị lái xe chạy quanh xã tìm người mua trâu đòi hủy giao dịch nhưng không thấy. Sau lần đó chị Xìa quyết tâm đi học chữ, làm các phép tính toán để không bị lừa.
Giữa năm 2019, thấy giáo viên đến nhà vận động tham gia lớp học xóa mù chữ, chị Xìa đăng ký ngay, còn yêu cầu thầy giáo cho xem lại danh sách vì sợ bị sót. Những buổi đầu tiên, cầm bút thấy tay cứng đơ, chị hơi nản vì viết không rõ chữ, hàng trên hàng dưới lộn xộn. Hết một học kỳ 200 tiết chị đã biết đọc và viết thành thạo. Những lúc rảnh rỗi thì đưa vở ra tập viết, nhờ các con kiểm tra lỗi.
Từ một người buôn bán luôn bị lừa, ép giá, sau 3 kỳ học lớp xóa mù chữ, đến nay chị Xìa đã trở thành thương lái có tiếng trong bản Phù Khả 2. Trước đây gia đình trồng lúa, ngô, hái bo bo trên rẫy về bán. Nay vào vụ mùa, chị Xìa còn đi thỏa thuận, thu gom nông sản của các hộ dân trong vùng về đóng bì tải, sau đó liên lạc với đối tác ở TP Vinh, lái xe máy chở xuống nhập để thu lời cao hơn.
Ba năm nay, nhờ buôn bán thuận lợi, kinh tế gia đình chị Xìa khấm khá. Hiện hai con trai đã học hết đại học, công việc ổn định ở miền Nam, cô con gái út đang học cao đẳng ngành y tế. Chị Xìa tâm sự trước đây chẳng hiểu gì về điện thoại, cầm lên mà không biết bấm số gọi cho ai, nay đó là vật bất ly thân dùng để gọi điện, lên mạng trao đổi với đối tác bán hàng, trò chuyện với chồng con, bạn bè…
Thầy Thái Đắc Tuấn, giáo viên trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Na Ngoi 2, phụ trách các lớp xóa mù chữ ở bản Phù Khả 2, cho biết ngoài bà Thò và chị Xìa, đa số học viên khi kết thúc khóa học đều biết đọc, biết viết, tính toán cơ bản. Một số phụ nữ đã đi buôn, hoặc mở cửa hàng tạp hóa nhỏ. Nhiều thanh niên vào miền Nam đi làm công ty cho thu nhập khá, đỡ đần được gia đình.
Từ năm 2016 đến nay, trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Na Ngoi 2 luôn tổ chức các lớp học xóa mù chữ cho người dân tại các bản trên địa bàn. Dân số tại xã Na Ngoi chủ yếu là người Mông, cuộc sống gắn liền với nương rẫy. Nhiều thanh niên, trung niên, người già không biết chữ.
Ông Phạm Viết Phúc, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn, nói công tác xóa mù chữ luôn được các cấp quan tâm, hàng năm hỗ trợ đèn pin, áo mưa, ủng… cho học viên để họ yên tâm đến lớp. Kết thúc một khóa học, giáo viên trên địa bàn sẽ rà soát tại các điểm trường xem còn người mù chữ hay không, sau đó đến nhà vận động, lập danh sách trình cấp trên mở lớp mới.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/thoat-mu-chu-nho-nhung-lop-hoc-ban-dem-4770724.html