Hàng loạt hiện vật chiến tranh hư hại không thể khắc phục bởi bảo tàng ở nhiều địa phương thiếu kinh phí bảo quản và chuyên gia giỏi ở nhiều lĩnh vực.
Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế trên đường Điện Biên Phủ ở phường Trường An, TP Huế đang trưng bày 14 hiện vật chiến tranh như xe tăng, máy bay, pháo trên diện tích 7.500 m2. Đây là các loại vũ khí của Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam được chính quyền Thừa Thiên Huế sưu tầm. Tuy nhiên, nhiều hiện vật đang xuống cấp, rỉ sét, không thể phục hồi, như các loại xe tăng M41, M48.
Ông Nguyễn Đức Lộc, Giám đốc Bảo tàng lịch sử Thừa Thiên Huế cho rằng, hiện vật xuống cấp là do trưng bày ngoài trời hơn 40 năm trong thời tiết khắc nghiệt và thiếu kinh phí bảo dưỡng, sơn sửa hàng năm. Mỗi năm bảo tàng được cấp kinh phí một tỷ cùng 100 triệu đồng từ bán vé vào cửa. Trong khi đó, ngoài trưng bày, quản lý 30.000 hiện vật, đơn vị gồm 30 người đang phụ trách 14 địa điểm di tích khác trên địa bàn tỉnh.
“Nguồn kinh phí ít ỏi, mỗi năm bảo tàng chỉ có thể bảo quản, sơn lại 1-2 hiện vật. Nếu xoay tua, một hiện vật sau 7-8 năm mới được sơn lại”, ông Lộc nói, dẫn chứng nhiều loại máy bay kể từ lúc tiếp nhận trưng bày chưa được sơn sửa do kinh phí quá lớn, trung bình 200 triệu đồng mỗi chiếc.
Để bảo quản hiện vật chiến tranh lâu dài, ông Lộc nói đơn vị đã đề xuất Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh về việc xây dựng nhà che hiện vật để tránh thời tiết nắng lắm mưa nhiều ở Huế. Song trụ sở bảo tàng hiện tại diện tích nhỏ, chưa cố định làm nơi hoạt động lâu dài nên đơn vị vẫn phải chờ xét duyệt.
Cách đó 150 km, Khu chiến tích sân bay Tà Cơn, huyện Hướng Hóa, Quảng trị cũng đang trưng bày nhiều loại vũ khí được quân đội Mỹ sử dụng ở mặt trận Đường 9 Khe Sanh. Ngoài hệ thống hầm hào, khuôn viên sân bay trưng bày 3 xe tăng, 3 máy bay và nhiều loại vỏ đạn báo. Vũ khí, khí tài xuống cấp, hoen rỉ, ngoại trừ các loại đạn pháo được sơn sửa.
“Hiện vật 4-5 năm mới được sơn quét một lần, chủ yếu là đầu đạn, đạn pháo nhỏ. Các bảo tàng lớn có nguồn thu tốt, việc bảo quản cũng sẽ tốt hơn khi có kinh phí thuê người chống rỉ sét, xử lý nấm mốc”, đại diện Trung tâm Quản lý di tích và Bảo tàng tỉnh Quảng Trị nói, thừa nhận đơn vị gặp khó trong bảo quản, bảo dưỡng hiện vật chiến tranh do thiếu kinh phí.
Năm ngoái, sân bay Tà Cơn đón hơn 15.000 lượt khách, thu khoảng 800 triệu đồng từ bán vé. Vừa qua, tỉnh tái khởi động kế hoạch tiếp nhận máy bay C-119 của Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam từ TP HCM về Khu chiến tích sân bay Tà Cơn trưng bày. Tuy nhiên, số tiền phục hồi, bảo dưỡng và vận chuyển dự kiến lên tới hơn 2 tỷ đồng. “Kinh phí quá lớn nên kế hoạch có từ 8 năm nay mà không thể triển khai”, đại diện Trung tâm Quản lý di tích và Bảo tàng tỉnh nói.
Nằm trên đường Duy Tân, TP Đà Nẵng, Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Quân khu 5 đang trưng bày 34 hiện vật chiến tranh ngoài trời. Mặc dù được bảo quản tốt hơn so với nhiều bảo tàng khác, song một số hiện vật như xe cơ giới thời Pháp vẫn bị mục, các loại pháo và xe cộ của Mỹ xuống màu sơn. “Những hiện vật này một khi mất đi thì không thể lấy lại được”, trung tá Thân Ngọc Huệ, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, Chi nhánh Quân khu 5 cho hay.
Trước đây, bảo tàng vẫn dùng dầu mỡ để bảo quản hiện vật ngoài trời, tuy nhiên cách làm này gây bám bẩn, mất mỹ quan. Sau đó, bảo tàng định kỳ dùng nước để xịt rửa và cứ 5 năm một lần lại xin quân khu cấp kinh phí sơn sửa. Do thiếu trang thiết bị, nên công tác bảo quản vẫn là “mục chỗ nào thì vá, chỉnh chỗ đó”. “Đó chỉ là giải pháp tình thế. Đã là hiện vật thì phải giữ cho đàng hoàng, không thể để hoen ố, rỉ sét”, trung tá Huệ nói, cho biết bảo tàng phải nhờ các đơn vị quốc phòng hỗ trợ bảo quản.
Trước tình trạng hiện vật chiến tranh xuống cấp ở nhiều bảo tàng địa phương, thượng tá Lê Vũ Huy, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam cho hay vũ khí, khí tài được trưng bày tuổi đã rất cao, mới nhất cũng nửa thế kỷ, còn lại đều 70-100 năm. Thông thường, hiện vật đồ sộ như máy bay, xe tăng thường trưng bày ngoài trời, trong khi khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều nên dẫn đến oxy hóa và han rỉ rất nhanh.
Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam là một trong 7 bảo tàng quốc gia, kinh phí hàng năm được cấp đủ để bảo quản trị liệu luân phiên hiện vật thể khối lớn. Nhờ vậy, hiện vật tại đây không xuống cấp nghiêm trọng. Nhưng ở địa phương, với việc 3-5 năm phải bảo quản chuyên sâu hiện vật ngoài trời, rất khó để các bảo tàng xoay sở đủ kinh phí.
Ngoài ra, theo thượng tá Huy, mạng lưới bảo tàng Việt Nam đang có rất ít chuyên gia đủ trình độ nghiên cứu, tổ chức bảo quản đa dạng loại hình, chủng loại hiện vật. “Để đào tạo được một chuyên gia đòi hỏi rất nhiều thời gian, có khi mất hàng chục năm. Hạn chế kinh phí cũng khiến bảo tàng địa phương không có điều kiện để phối hợp chuyên gia giỏi trong lĩnh vực, chưa nói đến áp dụng công nghệ bảo quản hiện đại”, ông Huy nói.
Theo Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, trong bảo quản hiện vật chiến tranh, chỉ “sai một ly, đi một dặm”. Mọi tác động dù nhỏ nhất đều phải có sự cân nhắc kỹ lưỡng, giám sát chặt của cán bộ, chuyên gia bảo quản. Với hư hỏng phức tạp, bảo tàng phải họp để xây dựng quy trình, phê duyệt phương án và mời chuyên gia đóng góp ý kiến. Ví dụ, một chiếc máy bay được cấu thành từ nhiều kim loại, hợp kim, nhưng lốp, gioăng cao su và cửa kính là phi kim loại nên phải có quy trình bảo quản trị liệu khác nhau.
“Bảo tàng cần chuyên gia có kinh nghiệm, hiểu biết vật lý, hóa học, cơ khí, điện tử và cả mỹ thuật. Do vậy, công tác bảo quản hiện vật thể khối lớn như máy bay, xe tăng tiêu tốn rất nhiều chi phí, nhân lực và thời gian”, thượng tá Huy nói và bày tỏ tiếc nuối trước sự xuống cấp của hiện vật chiến tranh rất có giá trị ở nhiều bảo tàng địa phương. Bởi đây là những vật chứng trong thời khắc trọng đại của đất nước, gắn với chiến công của quân dân ta trong các cuộc kháng chiến, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử cho nhiều thế hệ.
Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đang xây dựng cơ sở mới rộng gần 39 ha với tổng vốn đầu tư 2.500 tỷ đồng ở đại lộ Thăng Long, TP Hà Nội, dự kiến hoàn thành giai đoạn 1 vào tháng 6 năm nay. Thượng tá Huy kỳ vọng mô hình trưng bày hiện đại và quy mô này sẽ thu hút nhiều khách tham quan, qua đó tạo nguồn thu tái đầu tư cho việc bảo quản, phục chế hiện vật chiến tranh.
Võ Thạnh – Sơn Hà – Nguyễn Đông
Nguồn tin: https://vnexpress.net/the-kho-cua-bao-tang-trong-bao-quan-hien-vat-chien-tranh-4723660.html