TP HCMDốc cao, xe trọng tải lớn dày đặc, nhiều vụ tai nạn, ùn tắc xảy ra khiến tài xế e ngại mỗi khi qua cầu Phú Mỹ – tuyến huyết mạch cửa ngõ phía nam thành phố.
Chiều 11/8, dòng xe tải, container nối đuôi nhau qua cầu Phú Mỹ hướng quận 7 vào cảng Cát Lái, TP Thủ Đức. Trên cầu giới hạn ôtô trọng tải lớn chạy tốc độ tối đa 40 km/h, nhưng nhiều xe container vẫn phóng ào ào, “lọt thỏm” phía dưới là các xe 4-7 chỗ.
“Mỗi lần lái ôtô qua cầu tôi luôn phập phồng lo sợ, nhất là khi đổ dốc vì hay bị kẹp giữa các xe lớn chở hàng cao ngất, chạy rầm rầm sát bên”, chị Bùi Thanh, 35 tuổi, ở TP Thủ Đức nói, cho biết e ngại mỗi lần chạy xe qua cầu Phú Mỹ, nhưng đây là chặng đường gần nhất tới nơi làm việc ở quận 7 nên chị vẫn chọn đi mỗi ngày.
Dù có kinh nghiệm lái xe container hơn 10 năm, tài xế Vũ Văn Mạnh, 45 tuổi, nói mỗi lần chở hàng qua cầu Phú Mỹ vẫn thấy áp lực. Ngoài việc cầu thường xuyên ùn ứ, anh kể từng nhiều lần “mất hồn” vì gặp xe chạy ẩu, cắt mặt đột ngột.
“Xe lớn, lại chở nhiều hàng nên việc xử lý những tình huống như vậy rất khó. Nếu mất tập trung, sơ suất nhỏ cũng có thể dẫn đến tai nạn”, anh Mạnh nói, thêm rằng đoạn xuống chân cầu có độ dốc lớn, nhiều tài xế lại không giảm tốc độ hay giữ khoảng cách nên rất dễ húc đuôi nhau, nguy hiểm cho ôtô nhỏ hơn. Cũng độ dốc cầu lớn nên nhiều xe cũ, chở hàng nặng hay bị sự cố hoặc chết máy đột ngột dễ dẫn đến va chạm hoặc gây ùn tắc kéo dài.
Cầu Phú Mỹ dài hơn 2 km, thông xe năm 2009 với mức đầu tư gần 2.100 tỷ đồng theo hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao). Công trình được thiết kế dây văng, tĩnh không 45 m – cao nhất trong các cầu ở TP HCM hiện nay với độ dốc khoảng 5%. Cầu nằm trên tuyến Vành đai 2, kết nối các đường Nguyễn Văn Linh, Võ Chí Công ra vào cảng Cát Lái, Phú Hữu nên mật độ xe rất đông. Mỗi ngày, bình quân có gần 30.000 lượt ôtô qua cầu, đa phần là xe trọng tải lớn.
Riêng đoạn dốc cầu Phú Mỹ theo hướng từ quận 7 sang TP Thủ Đức nhiều năm qua bị ví như “dốc tử thần” khi xảy ra hàng chục vụ tai nạn. Gần nhất, hôm 8/8, xe tải khi đổ dốc cầu đã đâm liên hoàn 7 xe phía trước, ba xe bốc cháy, ùn tắc kéo dài suốt nhiều giờ.
Từ năm 2017 Sở Giao thông Vận tải TP HCM đã điều chỉnh giảm tốc độ đối với xe trọng tải lớn qua cầu còn 40 km/h thay vì 60 km/h; ôtô con, xe máy vẫn chạy 60 km/h. Ngoài ra, trên cầu được gắn thêm camera, hệ thống biển báo, gờ giảm tốc; Cảnh sát giao thông cũng tăng cường xử lý xe vi phạm tốc độ. Tuy nhiên, tình trạng xe chạy ẩu khi vắng bóng lực lượng chức năng vẫn diễn ra phổ biến.
Đại diện Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Phú Mỹ (PMC – nhà đầu tư) cho biết, so với những cây cầu khác trên địa bàn, Phú Mỹ có độ dốc lớn hơn nhưng vẫn nằm trong ngưỡng tiêu chuẩn. Nhiều cầu khác ở miền Tây như Cần Thơ, Mỹ Thuận, Rạch Miễu cũng có độ dốc tương đương. Qua theo dõi, đơn vị ghi nhận nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ tai nạn ở dốc cầu là xe không giữ khoảng cách an toàn, hoặc chạy quá tốc độ nên kiến nghị đơn vị chức năng tăng cường xử lý.
TS Chu Công Minh, chuyên ngành cầu đường (Đại học Bách Khoa TP HCM), cũng cho biết độ dốc của cầu Phú Mỹ 5% nằm trong tiêu chuẩn. Một số cây cầu trên thế giới còn dốc hơn, như Eshima Ohashi (Nhật Bản) với độ dốc hai bên 6,1% và 5,1%. Theo ông, độ dốc phụ thuộc vào thiết kế tĩnh không thông thuyền. Cầu Phú Mỹ có tĩnh không 45 m để tàu lớn thuận tiện di chuyển phía dưới, do đó độ dốc sẽ cao.
“Nếu vẫn giữ tĩnh không như trên và giảm độ dốc sẽ phải xây đường dẫn rất dài. Việc này tốn nhiều chi phí và quỹ đất”, ông Minh nói, cho rằng để đảm bảo an toàn khi qua cầu Phú Mỹ tài xế cần giữ khoảng cách an toàn, nhất là khi đổ dốc. Ngoài ra, cơ quan quản lý có thể đặt thêm trạm cân gần khu vực để hạn chế xe quá tải và các thiết bị giám sát, cảnh báo tốc độ.
Sau vụ tai nạn hôm 8/8, Trung tâm quản lý hạ tầng giao thông đường bộ, Sở Giao thông Vận tải TP HCM, cho biết đã yêu cầu PMC rà soát, khắc phục bất cập hạ tầng và tăng cường biện pháp đảm bảo an toàn như: duy tu mặt đường, thay biển báo bị mờ… Ngoài ra, đơn vị đề nghị nhà đầu tư sớm mở rộng đường Võ Chí Công, đoạn từ cầu Phú Mỹ tới nút giao Mỹ Thủy. Việc này được cho sẽ hạn chế ùn ứ trên cầu cũng như tăng khả năng thoát xe khu vực đầu cầu hướng về nút giao.
Đại diện Phòng CSGT TP HCM (PC08) cho biết ở khu vực Cát Lái vẫn đang duy trì tổ phản ứng nhanh, các thành viên trao đổi công việc qua nhóm chat để chủ động giải quyết các tình huống tai nạn, ùn tắc. Riêng cầu Phú Mỹ, CSGT cũng được tăng cường túc trực mỗi ngày để điều tiết, xử lý xe vi phạm, chủ động phương án cứu hộ nếu có tình huống phát sinh.
Theo Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Phan Công Bằng, áp lực giao thông ở khu vực trên ngày càng cao nên tình hình vẫn phức tạp. Ngoài lượng hàng thông qua các cảng biển tăng mạnh, nhu cầu vận chuyển nhiều còn do tốc độ phát triển đô thị ở khu Nam tăng nhanh, kéo theo nhu cầu đi lại lớn. Nhiều người dùng ôtô cá nhân cũng đang chọn cầu Phú Mỹ làm hướng đi chính.
Ngoài các biện pháp trước mắt đang thực hiện, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải cho biết giải pháp lâu dài cho khu vực cầu Phú Mỹ là nhiều dự án hạ tầng lớn đang và sắp triển khai. Trong đó, tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành dự kiến năm 2025 hoàn thành sẽ tạo trục đường mới giảm áp lực cho tuyến Nguyễn Văn Linh – cầu Phú Mỹ – Võ Chí Công.
Đồng thời, thành phố cũng đang nghiên cứu đầu tư cầu Thủ Thiêm 4 (nối quận 7 sang Khu đô thị Thủ Thiêm), Phú Mỹ 2 (nối quận 7 qua huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai), giúp chia sẻ lưu lượng xe cho khu vực trên và hạn chế ùn tắc, tai nạn. “Nguồn thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển cũng được thành phố ưu tiên phân bổ cho nhiều dự án ở cửa ngõ cảng Cát Lái, góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông cho khu vực”, ông Bằng nói.
Gia Minh
Nguồn tin: https://vnexpress.net/tai-xe-bat-an-qua-doc-tu-than-cau-phu-my-4780728.html