Việc xem xét kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư sẽ thực hiện theo quy trình 3 bước.
Quyết định 165 của Bộ Chính trị do Thường trực Ban Bí thư Lương Cường ký nêu quy trình xem xét, kỷ luật với tổ chức đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, có hiệu lực từ 6/6.
Bước chuẩn bị
Ủy ban Kiểm tra Trung ương trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư (qua Văn phòng Trung ương Đảng) hồ sơ vụ việc gồm tờ trình, báo cáo đề nghị thi hành kỷ luật tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm và tài liệu có liên quan.
Văn phòng Trung ương Đảng sao gửi hồ sơ vụ việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương trình đến các ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư. Hồ sơ vụ việc Bộ Chính trị trình đến các ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng theo quy chế làm việc.
Thường trực Ban Bí thư sẽ phân công ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư nghe đại diện tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm trình bày ý kiến trước khi tổ chức hội nghị xem xét kỷ luật.
Nếu đảng viên vi phạm là ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư thì Tổng bí thư hoặc Thường trực Ban Bí thư nghe đảng viên vi phạm trình bày ý kiến.
Tiến hành kỷ luật
Bước này các cơ quan sẽ tổ chức 2 hội nghị. Thứ nhất là hội nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định kỷ luật. Thành phần tham dự gồm Bộ Chính trị hoặc Ban Bí thư; đại diện lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng. Trường hợp cần thiết thì mời đại diện tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm và đại diện tổ chức Đảng quản lý đảng viên.
Tại hội nghị, đại diện Ủy ban Kiểm tra Trung ương trình bày tờ trình, báo cáo đề nghị thi hành kỷ luật. Đại diện tổ chức Đảng vi phạm, đảng viên vi phạm trình bày ý kiến, tổ chức Đảng có đảng viên vi phạm phát biểu. Ủy viên Bộ Chính trị hoặc ủy viên Ban Bí thư được phân công gặp đại diện tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm trước đó sẽ báo cáo về kết quả cuộc trao đổi.
Hội nghị thảo luận, biểu quyết quyết định hình thức kỷ luật hoặc biểu quyết đề nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, thi hành kỷ luật. Trường hợp Bộ Chính trị, Ban Bí thư đề nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, thi hành kỷ luật thì giao Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì, phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng chuẩn bị hồ sơ vụ việc để Bộ Chính trị trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Trường hợp Bộ Chính trị, Ban Bí thư quyết định không thi hành kỷ luật thì Văn phòng Trung ương Đảng thông báo bằng văn bản đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương và tổ chức Đảng, đảng viên có liên quan biết.
Thứ hai, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, quyết định kỷ luật gồm Ban Chấp hành Trung ương Đảng; đại diện lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Tổ chức Trung ương, các ban đảng có liên quan.
Tại đây, đại diện Bộ Chính trị đọc tờ trình, báo cáo đề nghị thi hành kỷ luật. Đại diện tổ chức Đảng, đảng viên có vi phạm trình bày ý kiến. Sau đó, hội nghị thảo luận, biểu quyết quyết định hình thức kỷ luật bằng phiếu kín.
Trường hợp Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định không thi hành kỷ luật thì ủy quyền cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư thông báo bằng văn bản đến tổ chức Đảng, đảng viên có liên quan biết.
Bước kết thúc
Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì, phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng tham mưu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành quyết định kỷ luật hoặc thông báo không kỷ luật. Bộ Chính trị hoặc Ban Bí thư triển khai quyết định kỷ luật, thông báo không kỷ luật đến tổ chức đảng, đảng viên vi phạm và đơn vị có liên quan.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương hoàn chỉnh hồ sơ xem xét, thi hành kỷ luật và bàn giao Văn phòng Trung ương Đảng lưu trữ hồ sơ theo quy định. Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao Ủy ban Kiểm tra Trung ương kiểm tra, giám sát tổ chức Đảng và đảng viên có liên quan chấp hành quyết định thi hành kỷ luật.
Cả nước hiện có hơn 50.000 tổ chức đảng, 5,3 triệu đảng viên. Từ đầu nhiệm kỳ khóa 13 (năm 2021) đến cuối năm 2023, hơn 1.400 tổ chức đảng, hơn 66.000 đảng viên bị kỷ luật, trong đó nhiều người phải chịu mức cao nhất là khai trừ khỏi đảng.
3 bước xử lý cán bộ diện Trung ương quản lý bị tố cáo
Theo Quyết định 164 của Bộ Chính trị, sau khi có đơn tố cáo, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hoặc cơ quan tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sẽ làm việc làm việc với người tố cáo để xác định rõ danh tính, địa chỉ người tố cáo. Đoàn kiểm tra sẽ được thành lập để xử lý đơn tố cáo trong không quá 180 ngày, có thể gia hạn không quá 60 ngày. Văn phòng Trung ương Đảng bảo đảm kinh phí và các điều kiện cần thiết phục vụ đoàn kiểm tra.
Bước thứ hai, đoàn kiểm tra thống nhất lịch làm việc, yêu cầu tổ chức đảng, đảng viên bị tố cáo chuẩn bị báo cáo và cung cấp tài liệu; có hồ sơ giải trình bằng văn bản gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư thông qua đoàn kiểm tra. Sau khi nghiên cứu, thẩm tra, đoàn sẽ gặp người tố cáo để lấy thêm thông tin nếu cần, nhưng phải có biện pháp bảo vệ họ.
Trường hợp vi phạm rõ đến mức phải kỷ luật và tổ chức đảng, đảng viên bị tố cáo tự giác nhận hình thức kỷ luật tương xứng, trưởng đoàn kiểm tra báo cáo Thường trực Ban Bí thư cho thực hiện quy trình kép – thi hành kỷ luật cùng với giải quyết tố cáo.
Trong khi xác minh, nếu đoàn phát hiện tổ chức đảng, đảng viên bị tố cáo có dấu hiệu vi phạm khác thì trưởng đoàn báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định. Hồ sơ có thể sẽ chuyển sang kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm hoặc giao Ủy ban Kiểm tra Trung ương làm việc.
Hoàn tất các bước kiểm tra, đoàn xây dựng dự thảo báo cáo kết quả giải quyết tố cáo, sau đó tổ chức hội nghị thông qua báo cáo. Tại hội nghị, tổ chức đảng, đảng viên bị tố cáo được giải trình, tự nhận hình thức kỷ luật. Hội nghị sẽ thảo luận, bỏ phiếu kín để quyết định hình thức kỷ luật, có báo cáo đến ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư để tổ chức hội nghị xem xét, kết luận. Nếu thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng thì đoàn kiểm tra báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến chỉ đạo trước khi trình Trung ương.
Cuối cùng, đoàn kiểm tra hoàn thiện thông báo kết luận giải quyết tố cáo, quyết định kỷ luật hoặc báo cáo đề nghị cấp có thẩm quyền thi hành kỷ luật trình Thường trực Ban Bí thư ký ban hành.
Theo Hiến pháp 2013, mọi người đều có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của tổ chức, cá nhân. Theo luật tố cáo, mục đích của tố cáo nhằm phát giác, ngăn chặn, hạn chế kịp thời mọi hành vi vi phạm pháp luật xâm phạm đến lợi ích nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức…
Nguồn tin: https://vnexpress.net/quy-trinh-ky-luat-dang-vien-thuoc-tham-quyen-trung-uong-dang-bo-chinh-tri-ban-bi-thu-4758860.html