Tài chính báo chí cần đảm bảo nguyên tắc hài hòa giữa ngân sách Nhà nước cấp và nguồn thu do cơ quan báo chí tạo ra, theo Phó thủ tướng Trần Lưu Quang.
Sáng 21/12, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024.
Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết, ngân sách Nhà nước sẽ tập trung hỗ trợ một phần cho những nơi khó khăn, nhất là hoạt động đổi mới và đào tạo báo chí. Bộ Thông tin và Truyền thông được giao quan tâm đến tài chính báo chí hơn khi chủ trì soạn thảo Luật Báo chí sửa đổi. Các vướng mắc cần giải quyết là cơ chế tự chủ tài chính, cơ chế đặt hàng, thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp cho cơ quan báo chí…
Cuối tháng 11, Bộ Thông tin và Truyền thông tổng hợp kiến nghị của các cơ quan báo chí, đề nghị Bộ Tài chính gỡ vướng 5 nhóm vấn đề liên quan đến tài chính, gồm: Quy định thống nhất về lộ trình tính đủ giá sản phẩm; xác định chi phí tiền lương trong giá đặt hàng; rút ngắn quy trình đặt hàng báo chí; ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho tất cả loại hình báo chí; bố trí kinh phí cho cơ quan chủ quản báo chí.
Tại hội nghị hôm nay, Phó thủ tướng đánh giá lĩnh vực báo chí năm nay tốt hơn năm trước. Báo chí thực hiện nhiệm vụ chính trị nhanh, sâu sắc hơn, khả năng cạnh tranh “tiến bộ đáng kể”. “Nhiều bài viết, phóng sự xúc động, chạm đến trái tim”, ông Quang chia sẻ.
Tuy nhiên, Phó thủ tướng cho rằng công tác chuyển đổi số báo chí còn chậm khi số cơ quan báo chí mức kém chiếm 63%. Quy định tài chính chưa thúc đẩy cơ quan báo chí phát triển. Năm 2024 sẽ có nhiều thách thức, trong đó hai vấn đề chính là biến đổi khí hậu diễn ra rất nhanh và bất ngờ; khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ, nhất là sự ra đời của trí tuệ nhân tạo, ChatGPT… Những thách thức này ảnh hưởng rất lớn đến người làm báo và xã hội.
Phó thủ tướng mong muốn nhà báo đồng hành, chia sẻ khó khăn của số đông người trong xã hội, có trách nhiệm trong định hướng dư luận. Mỗi cơ quan báo chí cần tăng khả năng cạnh tranh với phương tiện truyền thông khác, bởi bây giờ người dân mở điện thoại thường thích xem tiktok, lướt mạng xã hội hơn đọc báo.
“Nếu không tăng cạnh tranh bằng sản phẩm hấp dẫn hơn thì quảng cáo, doanh thu của báo chí sẽ sụt giảm, ảnh hưởng đến thu nhập cán bộ, nhân viên. Không còn cách nào khác là phải nâng cao chất lượng”, ông Quang nói.
Phó thủ tướng cũng nhắn nhủ mỗi nhà báo trước tiên phải là người tử tế, bởi “nếu không là người tử tế thì sản phẩm không tử tế được”. Đồng thời, nhà báo luôn học hỏi từ các lớp tập huấn, chương trình công tác, đồng nghiệp trong và ngoài nước. Học hỏi sẽ giúp nhà báo bản lĩnh, trách nhiệm, tích cực hơn.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, nói Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến báo chí. Sứ mệnh của báo chí, nỗ lực, bản lĩnh, tâm huyết của người làm báo đã được khẳng định.
Tuy nhiên, ông Nghĩa cùng bày tỏ lo ngại trước nguy cơ báo chí tụt hậu so với sự phát triển của mạng xã hội, cả về nội dung, khả năng dẫn dắt bạn đọc, phương thức tiếp cận. Một bộ phận nhỏ nhà báo suy thoái tư tưởng chính trị, lối sống, đạo đức nghề nghiệp, “tự cho mình quyền đi dọa dẫm cơ quan, doanh nghiệp”.
“Một số cơ quan còn tư tưởng thấy báo chí là né tránh, trong khi đã có quy định về phát ngôn, cung cấp thông tin về các vấn đề dư luận quan tâm”, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nêu thực trạng và cho rằng việc né tránh báo chí khiến họ phải tìm thông tin nơi khác không rõ ràng, có thể khiến người dân hoang mang.
Ông Nghĩa lưu ý báo chí đấu tranh quyết liệt, đến cùng để chống sai trái, chống tham nhũng, nhưng phải viết đúng, không được lợi dụng, sách nhiễu.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/pho-thu-tuong-tai-chinh-bao-chi-can-hai-hoa-4691648.html