Phó thủ tướng Lê Thành Long đi xuồng máy từ đê tả Bùi qua cánh đồng ngập gần 5 m để vào thị sát thôn Nhân Lý, nơi ngập sâu nhất của xã Nam Phương Tiến.
Chiều nay, huyện Chương Mỹ tiếp tục mưa. Nước sông Bùi rút khoảng 20 cm so với hôm qua, nhưng tình trạng ngập lụt chưa được cải thiện. Con đường bêtông chạy dọc thôn Nhân Lý vẫn ngập gần 2 m, nhiều ngôi nhà nước lên sát mái.
Thay mặt Chính phủ, Phó thủ tướng Lê Thành Long đã tặng quà, động viên và chia sẻ khó khăn với người dân vùng lũ.
Trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó chủ tịch TP Hà Nội, Phó thủ tướng yêu cầu đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân tại vùng lũ, đặc biệt rà soát hộ dân ở khu vực nguy hiểm để có phương án sơ tán. Dự báo mưa còn tiếp diễn trong những ngày tới, tình trạng ngập chưa thể cải thiện ngay, UBND TP Hà Nội cần tiếp ứng lương thực, nhu yếu phẩm đầy đủ, kịp thời cho bà con.
Khi nước rút, Hà Nội cần có biện pháp khắc phục hậu quả như đảm bảo hệ thống điện, trường lớp, vệ sinh môi trường, ngăn ngừa dịch bệnh. Về lâu dài, Hà Nội cần phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như các bộ ngành, cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất giải pháp chống ngập căn cơ.
Chiều qua, khi kiểm tra thực tế tại đây, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài yêu cầu di dời hơn 700 hộ dân (khoảng 1.000 người) ra khỏi những ngôi nhà ngập sâu. Với các điểm đê xung yếu ở sông Bùi, bà giao các đơn vị liên quan trực 24/24h sẵn sàng phương án xử lý khẩn cấp nếu xảy ra sự cố.
Do ảnh hưởng của bão Prapiroon, từ ngày 25/7 miền Bắc mưa lớn, nước sông Bùi dâng cao đã gây ngập 12 xã với 24 thôn xóm. Hơn 1.500 hộ bị ngập 0,5-2 m với hơn 5.500 người bị ảnh hưởng trực tiếp. Chính quyền đã sơ tán gần 3.800 người, huy động gần 4.800 người, 200 phương tiện để hộ đê.
Ngoài ra, hiện có khoảng 1.600 ha diện tích lúa, cây ăn quả, hơn 1.800 ha thủy sản bị ngập, cuốn trôi. Trên 77.000 m2 chuồng trại bị ngập, đổ với 190.000 con gia súc, gia cầm bị ảnh hưởng. Thiệt hại kinh tế khoảng 92 tỷ đồng.
Từ hôm qua đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã yêu cầu thủy điện Sơn La đóng một cửa xả, thủy điện Hòa Bình đóng ba cửa xả để giảm áp lực cho vùng hạ du, trong đó có Hà Nội.
Ba huyện Chương Mỹ, Thạch Thất, Quốc Oai có địa hình phức tạp, gò đồi xen kẽ các vùng trũng, đặc biệt là vùng Hữu Bùi thuộc vùng ảnh hưởng của lũ rừng ngang từ dãy Ba Vì, Lương Sơn đổ về. Ngoài ra, hệ thống đê, công trình tiêu thoát nước chưa được quan tâm đầu tư nên khu vực này thường xuyên bị nước tràn đê, gây ngập úng cục bộ.
Trong khoảng 15 năm trở lại đây, 4 lần nước tràn qua đê Hữu Bùi gây ngập lụt cho nhiều xã của huyện Chương Mỹ. Lần đầu năm 2008, khi Hà Nội trải qua trận lụt lịch sử trên diện rộng. Lần thứ hai vào tháng 10/2017, lần thứ ba vào tháng 7/2018 và đây là lần thứ tư.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/pho-thu-tuong-le-thanh-long-kiem-tra-vung-ngap-lu-o-ha-noi-4775847.html