Thủ tướng yêu cầu các địa phương tập trung thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2025 để cơ bản hoàn thành trong tháng 9.
“Việc này nhằm ổn định tổ chức để các địa phương tiến hành đại hội Đảng bộ các cấp năm 2025”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói tại phiên họp thứ 8 của Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, sáng 15/7.
Lãnh đạo Chính phủ giao Bộ Nội vụ đôn đốc các bộ ngành, địa phương hoàn thành việc sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị hành chính cấp huyện, xã phù hợp tình hình địa phương, bảo đảm hiệu quả, giảm chi thường xuyên của Nhà nước và tăng tính tự chủ.
Năm 2025, các huyện xã mới sau sáp nhập sẽ tổ chức đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030. Bản đồ địa giới sau đó được chỉnh lý. Trụ sở huyện xã chưa được sử dụng sẽ thanh lý hoặc chuyển công năng, bán đấu giá tài sản, đất; kinh phí thu được bổ sung ngân sách địa phương.
Tháng 7/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2030. Chính phủ sau đó ban hành Nghị quyết về Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2025. Mục tiêu của việc này là giải quyết bất hợp lý về phân định địa giới, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, tạo thuận lợi cho quản lý nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Các huyện xã thuộc diện bắt buộc sáp nhập có diện tích và dân số dưới 70% tiêu chuẩn; huyện có diện tích dưới 20% và dân số dưới 200%; xã có diện tích dưới 20% và dân số dưới 300%.
Bộ Nội vụ cho biết đến hết năm 2025, cả nước sắp xếp khoảng 1.300 đơn vị hành chính, giảm 13 đơn vị cấp huyện và 624 cấp xã. Tuy nhiên vấn đề nan giải là số lượng đơn vị sắp xếp nhiều, tiến hành đồng thời với quy trình tinh giản biên chế nên số người lao động dự kiến dôi dư rất lớn. Trong khi đó, số dôi dư từ việc sáp nhập huyện xã giai đoạn 2019-2021 ở một số địa phương đến nay chưa giải quyết xong.
Báo cáo tại cuộc họp cho thấy 6 tháng qua, cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh bằng việc đơn giản hóa 168 quy định, 247 thủ tục hành chính. Thủ tướng đã phê duyệt phương án đơn giản hóa với 40 thủ tục hành chính nội bộ. Giao thí điểm mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công một cấp trực thuộc UBND cấp tỉnh tại Hà Nội, TP HCM, Quảng Ninh, Bình Dương.
Đánh giá cao các kết quả đạt được song Thủ tướng cho rằng cần phải có quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt trong cải cách hành chính. “Người đứng đầu phải xác định rõ người, việc, trách nhiệm và tiến độ. Các đơn vị phải lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm của cải cách hành chính và xác định chuyển đổi số là một công cụ quan trọng”, Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương tăng cường đối thoại, xử lý ngay các vấn đề phát sinh, “nghiêm cấm đùn đẩy, né tránh trách nhiệm và phải thực hiện tốt cơ chế khen thưởng, kỷ luật cán bộ”.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/thu-tuong-phan-dau-hoan-thanh-sap-xep-huyen-xa-trong-thang-9-4770184.html