Để đáp ứng yêu cầu của kỷ nguyên mới, PGS Đào Duy Quát đề xuất phương thức tuyển chọn nhân tài dựa trên năng lực và phẩm chất, không nhất thiết phải là đảng viên.
Tại tọa đàm “Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc – cơ hội và thách thức” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 27/12, PGS Đào Duy Quát, nguyên Phó ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương, bày tỏ lo ngại về việc tinh gọn bộ máy có thể dẫn đến việc người giỏi rời bỏ hệ thống, trong khi những người kém cỏi ở lại.
Trong bối cảnh của cách mạng công nghiệp 4.0, ông Quát cho rằng đất nước rất cần có những nhân tài công nghệ. Lãnh đạo trong lĩnh vực này nên được giao cho những người có tri thức xuất sắc, tinh thần yêu nước và sự nhiệt thành cống hiến cho quốc gia.
“Để lựa chọn người tài, cần phải dựa vào khả năng làm việc và kết quả thực tế thay vì yêu cầu họ phải là đảng viên. Nếu chỉ theo quy trình hiện hành, bộ máy một số lĩnh vực như giáo dục và khoa học rất khó thu hút được tài năng”, ông nói.
Theo nguyên Phó ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng tập hợp nhiều tài năng không phải đảng viên để cùng đưa đất nước vượt qua thử thách. Do đó hiện nay hệ thống chính trị cần có phương thức lựa chọn cán bộ khoa học để bộ máy tinh gọn nhưng vẫn vận hành hiệu quả.
Ông nhấn mạnh cần xác định rõ nhiệm vụ cho từng vị trí công việc để lựa chọn người có đức, có tài. Giảm đầu mối không nên thực hiện theo cách cơ học mà cần có phương thức lãnh đạo khoa học, hiện đại để đảm bảo bộ máy không còn cồng kềnh và kém hiệu quả.
TS Nguyễn Văn Đáng, giảng viên Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cũng cho rằng việc tinh gọn bộ máy không đơn thuần là cơ cấu tổ chức mà còn liên quan đến chất lượng nhân sự. Theo ông cần phân định các nhóm người tài theo từng lĩnh vực, như tài năng lãnh đạo chính trị hay chuyên môn, để đảm bảo sự hiệu quả trong vận hành.
“Các nước trong khu vực Đông Nam Á như Singapore, nơi có chế độ trọng dụng người tài rất hiệu quả, hay Nhật Bản với hệ thống công chức chuyên môn hóa nổi bật, đều là những mô hình mà Việt Nam có thể tham khảo và áp dụng”, ông nói.
GS Vũ Minh Khương từ trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore) cho rằng Việt Nam đã chuẩn bị tốt cho kỷ nguyên mới, nhưng để tiến xa hơn, cần có sự quyết tâm và tiêu chí rõ ràng trong cải cách, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của xã hội.
Ông nhấn mạnh sự cần thiết phải tìm đến những tài năng không chỉ trong giới chính trị mà còn ở trong xã hội để xây dựng đội ngũ cán bộ sáng tạo và có khả năng phản ứng nhanh với những thay đổi. “Phải tìm người tài vượt ra khỏi suy nghĩ thông thường”, ông nhấn mạnh.
TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nhấn mạnh rằng ngoài những chính khách tài giỏi có tầm nhìn, Việt Nam cần những chuyên gia am hiểu sâu sắc về các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo hay Internet vạn vật. Ông cảnh báo rằng nếu những lĩnh vực này được giao cho những người chỉ có kiến thức tổng quát sẽ dẫn đến nhiều khó khăn trong việc triển khai hiệu quả các chính sách.
Các diễn giả cũng cho rằng những cải cách phải đi kèm với thay đổi về tư duy lãnh đạo và cách thức quản lý, đề cao tính minh bạch và trách nhiệm, nhằm tạo ra động lực cho sự phát triển bền vững.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/pgs-dao-duy-quat-ky-nguyen-moi-can-can-bo-sang-tao-va-linh-hoat-4832748.html