Đà NẵngPhường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu có khoảng 8.000 hộ dân và có tới 2.000 mộ nằm xen lẫn khu dân, nhiều nhà mộ nằm ngay trong khuôn viên.
Nơi tập trung nhiều mộ là các ngõ, ngách trên đường Phạm Như Xương và Mẹ Suốt, phường Hòa Khánh Nam, phía sau Đại học Sư phạm Đà Nẵng. Trong đó, nhiều nhất là tổ 21 với gần 600 ngôi mộ, tổ 33 gần 400 ngôi mộ…
Ông Huỳnh Hùng, 51 tuổi, sinh ra và lớn lên ở ngõ 22 đường Phạm Như Xương, cho biết trước năm 1975 khu vực này là đất ruộng, mộ của các tộc, họ có từ thời đó. Một số khu mộ còn được làm cổng, ghi bảng “nghĩa trang”. Sau này người dân mua đất ruộng, tôn nền xây nhà ở. Ban đầu nhà dân cách xa mộ, nhưng về sau dân cư đông đúc, họ lấn dần.
Nhà ông Hùng có một dãy trọ, cửa các phòng nhìn ra “nghĩa trang Võ Tộc”. Thửa đất do bố mẹ để lại, khi thấy nhiều sinh viên, công nhân nghèo có nhu cầu trọ, ông xây phòng cho thuê. Nhiều người nơi khác đến ái ngại không dám thuê, nhưng những người ở đây lâu thì quen nên vẫn kín phòng.
Những người sinh sống khu này chủ yếu thu nhập thấp, chấp nhận mua nhà, đất giấy tờ viết tay có xác nhận của phường. Ông Võ Mậu Điềm, 52 tuổi, cho biết mua căn nhà 50 m2 ở tổ 33 từ năm 2000, giá 50 cây vàng (tương đương 22,5 triệu đồng lúc bấy giờ).
“Khi mới chuyển về, xung quanh các ngôi mộ cỏ mọc um tùm, chuột, rắn nhiều. Hàng ngày vợ chồng, con cái phải đi qua khu mồ mả có lúc lạnh gáy, nhưng ở lâu thành quen”, ông Điềm kể. Dân cư ngày một đông lên, người dân chung tay đổ đường đất thành bêtông, dọn cỏ dại, cảnh quan cũng sạch hơn.
Ông Võ Quang Vinh, 51 tuổi, tổ phó tổ 33, cho biết khu vực nhà ông sinh sống có 153 hộ thì hơn 50% có mộ trong sân nhà, nghĩa địa trước ngõ. Nhà ông Vinh bị kẹp giữa hai ngôi mộ, cách nhà khoảng 5 m là hai ngôi mộ khác nằm đối xứng con đường bêtông, như chiếc cổng của khu dân cư.
“Tôi về đây mua nhà hơn 40 m2 10 năm trước, giấy tờ viết tay, giá hơn chục triệu đồng. Mình khó khăn, bí chỗ ở mới chấp nhận sống chung với mồ mả”, ông Vinh nói.
20 năm trước, TP Đà Nẵng công bố dự án ga đường sắt và khu đô thị Bắc nhà ga, phần lớn diện tích làm hai dự án thuộc phường Hòa Khánh Nam. Trong khi nhiều người chờ đô thị được thay áo mới thì nhiều người khác lén lút xây dựng nhà cửa trên đất nông nghiệp để bán. Chính quyền địa phương giai đoạn trước quản lý lỏng lẻo, dẫn đến tình trạng hàng nghìn nhà dân “xây chui”.
Hai cựu Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu là Dương Thành Thị và Đàm Quang Hưng đã bị cảnh cáo vì “thiếu kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời”, để vùng quy hoạch dự án ban đầu có 400 hộ dân, nhưng hiện tại đã lên hơn 2.000 hộ và hầu hết là nhà xây trái phép.
Dân cư đông lên, trong khi các dự án “treo” khiến cuộc sống người dân gặp nhiều hệ lụy. Nếu như người dân các tổ 21, 33, khu dân cư Cẩm Túc… sống chung với mồ mả thì hàng trăm hộ dân khác cạnh kênh thoát nước đường Mẹ Suốt hai năm qua sống trong vùng rốn lũ.
Mới đây dự án ga đường sắt được bãi bỏ, ông Vinh thấy cán bộ xuống đo đạc, chính quyền cho biết có kế hoạch di dời mồ mả, nhưng người dân cứ “ngóng hoài”. “Chúng tôi mong muốn thành phố sớm di dời mồ mả và tái thiết đô thị, sắp xếp khu dân cư để đảm bảo cuộc sống người dân”, ông nói.
Theo ông Bùi Trung Khánh, Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Nam, trên diện tích khoảng 10 km2 của phường, ngoài các khu nghĩa trang, khu văn hóa tâm linh làng Khánh Sơn, hiện có gần 2.000 ngôi mộ xây và mộ đất nằm trong khu dân cư, sát nhà dân. Việc di dời mộ vượt quá khả năng của phường.
Tháng 10/2022, UBND TP Đà Nẵng đã giao nhiệm vụ di dời mồ mả xen lẫn trong khu dân cư là một trong ba nhiệm vụ trọng tâm của quận Liên Chiểu. UBND quận Liên cho biết đã chỉ đạo các phòng, ban xây dựng kế hoạch, trình thành phố thẩm định và bố trí vốn triển khai trong giai đoạn 2023-2026.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/noi-nguoi-dan-song-chung-voi-2-000-ngoi-mo-4714913.html