Nhiều doanh nghiệp vận tải đang lo ngại cảnh sát giao thông dùng dữ liệu giám sát hành trình để xử lý vi phạm, trong khi thiết bị này có sai số do khách quan.
Hơn một tháng qua, ông Hoàng Minh, Giám đốc một doanh nghiệp vận tải hành khách tuyến Hà Nội – Lào Cai, lo lắng tìm và bổ sung tài xế mỗi tuyến, đề phòng họ bị phạt nguội qua thiết bị giám sát hành trình, xe phải nằm bãi dẫn đến tăng giá vé, tăng cước vận tải.
Ông Minh cho hay theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008, thiết bị giám sát hành trình có mục đích chính là cung cấp dữ liệu phục vụ công tác quản lý, giám sát của doanh nghiệp vận tải và quản lý nhà nước trong hoạt động vận tải. Tài xế không bị xử phạt và cảnh sát giao thông không sử dụng kết quả khai thác từ dữ liệu thiết bị giám sát hành trình để xử phạt vi phạm hành chính.
Nhưng từ 1/1/2025, theo Điều 67 Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ, cảnh sát giao thông được sử dụng nhiều biện pháp để phát hiện vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ, như: Khai thác dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe; tiếp nhận dữ liệu thu thập từ công trình kiểm soát tải trọng xe. Nghị định 168/2024 bổ sung việc xử phạt các hành vi vi phạm được phát hiện từ khai thác dữ liệu thiết bị giám sát hành trình.
Xe khách hoạt động tại bến xe Nước Ngầm, Hà Nội. Ảnh: Anh Duy
Ông Minh cho rằng nếu cảnh sát giao thông xử phạt tài xế làm việc quá thời gian qua thiết bị giám sát hành trình thì nhiều doanh nghiệp vận tải sẽ chịu cảnh “phạt oan” bởi hạ tầng giao thông ở Việt Nam còn bất cập. Ví dụ xe từ bến Mỹ Đình ra đến cầu Thăng Long, Hà Nội, chỉ 7 km song có ngày tắc đường hai giờ. Tài xế không thể đến trạm dừng nghỉ trong 4 giờ để đổi người lái theo quy định.
Luật Trật tự An toàn giao thông đường bộ quy định người lái ôtô kinh doanh vận tải và vận tải nội bộ không được phép lái xe liên tục quá 4 giờ, làm việc trong ngày tối đa 10 giờ. Trong một tuần, nhóm tài xế này không được lái xe quá 48 giờ. Theo ông Minh, cách tính thời gian lái xe trên cơ sở thời gian hoạt động (xe nổ máy) cần xem xét đến lúc xe bơm dầu, lấy hàng, chờ thủ tục, lệnh xuất phát, tắc đường nhiều giờ… Nhiều cao tốc chưa có trạm dừng nghỉ để cho xe và tài xế nghỉ, sinh hoạt cá nhân.
Ngoài ra, thiết bị giám sát hành trình hiện nay phần lớn là đời cũ, tín hiệu GPS phụ thuộc điều kiện đường truyền dữ liệu, mạng viễn thông, thời tiết, địa hình. Trên nhiều tuyến đường miền núi phía Bắc, thiết bị giám sát hành trình thường xuyên bị mất dữ liệu. Doanh nghiệp ông Minh từng có một vài xe xảy ra va chạm giao thông trên quốc lộ 4D qua Lào Cai, khi cần trích xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình thì không có do lỗi đường truyền.
Đồng cảnh ngộ, ông Mạnh Hùng, Giám đốc một doanh nghiệp vận tải logistics, cũng cho rằng không nên phạt nguội qua thiết bị giám sát hành trình mà chỉ nên sử dụng để khuyến cáo các hành vi vi phạm. Năm 2024, khi kê khai thuế, trích xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình tại doanh nghiệp cho thấy có một số xe tải hoạt động khoảng 10.000 km, song dữ liệu truyền về Cục Đường bộ Việt Nam chỉ 8.000 km. Doanh nghiệp phải giải trình sai số với cơ quan nhà nước.
“Số liệu chênh lệch này cho thấy dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình truyền về cơ quan quản lý chưa được chính xác, chưa đủ tin cậy để xử phạt vi phạm giao thông”, ông Hùng nói.
Theo ông Đặng Văn Chung, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, sau ngày 1/1/2025 nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng ôtô bày tỏ lo ngại về việc xử phạt vi phạm giao thông qua thiết bị giám sát hành trình. Để có căn cứ xử phạt, dữ liệu thu được từ thiết bị giám sát hành trình phải chính xác và có trừ sai số do thiết bị, điều kiện đường truyền dữ liệu, mạng viễn thông, địa hình, vật che khuất, tình trạng giao thông…
Hiện phần lớn thiết bị giám sát hành trình được doanh nghiệp đầu tư từ nhiều năm trước, sử dụng công nghệ viễn thông cũ nên có sai số. Quy định mới không bắt buộc doanh nghiệp phải nâng cấp các thiết bị này. “Khi xe đi vào hầm hay miền núi, tín hiệu GPS kém, đường truyền không ổn định thì dữ liệu từ thiết bị giám sát sẽ sai số lớn nên không thể là căn cứ xử lý vi phạm”, ông Chung nói.
Ngoài ra, hiện nay thiết bị giám sát hành trình chưa nằm trong danh mục đo lường như các máy đo tốc độ, cân kiểm tra tải trọng xe theo Thông tư 23/2013 về đo lường nên cần xem xét chuẩn hóa mới có thể áp dụng vào kiểm tra xử phạt.
Để giải quyết các vướng mắc trên, Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành xem xét chưa xử phạt hành vi vi phạm từ khai thác dữ liệu thiết bị giám sát hành trình với người điều khiển ôtô và chủ phương tiện vi phạm về vượt quá thời gian lái xe quy định. Cơ quan chức năng chỉ xử phạt hành vi vi phạm liên quan đến việc lắp đặt, quản lý, sử dụng thiết bị giám sát hành trình trên các loại xe kinh doanh vận tải đối với cá nhân, tổ chức kinh doanh vận tải; không xử phạt với người điều khiển xe.
Hiệp hội cũng đề nghị Chính phủ xem xét, điều chỉnh thời gian lái xe của người lái ôtô kinh doanh vận tải lên 70 giờ mỗi tuần, bằng số giờ quy định tại Mỹ, EU và Nhật Bản. Cảnh sát giao thông chỉ xử phạt với hành vi vượt quá 10% thời gian quy định lái xe liên tục, thời gian trong ngày và trong tuần của người lái ôtô kinh doanh vận tải. Ngoài ra, thiết bị giám sát hành trình phải được chuẩn hóa là phương tiện đo lường.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/noi-lo-phat-nguoi-qua-thiet-bi-giam-sat-hanh-trinh-4848482.html