Đà NẵngHơn 10 năm trước, khi ông Nguyễn Bá Thanh làm Bí thư Thành ủy đã có nhiều cuộc tranh luận khi xây cầu Rồng qua sông Hàn.
Trong quy hoạch chung năm 1993, TP Đà Nẵng được định hướng xây những cây cầu bắc qua sông Hàn, nhưng không thể thực hiện do nguồn lực hạn chế. Năm 1997, Đà Nẵng tách khỏi tỉnh Quảng Nam thành thành phố trực thuộc Trung ương, hạ tầng giao thông được ưu tiên đầu tư.
Thành phố khởi công xây cầu quay sông Hàn năm 1998 và hoàn thành sau hai năm bằng tiền ngân sách và nhân dân đóng góp. Năm 2003, thành phố khởi công xây cầu Thuận Phước ở cửa sông Hàn, đồng thời có chủ trương xây hai cây cầu mới ở cuối đường Nguyễn Văn Linh và đường Trần Thị Lý nối sân bay về hướng biển và tuyến đường Sơn Trà – Điện Ngọc nối bán đảo Sơn Trà với Hội An.
Việc xây cầu cuối đường Nguyễn Văn Linh nối từ bờ đông sang bờ tây sông Hàn đã vấp phải nhiều rào cản, gây tranh cãi lớn trong lãnh đạo thành phố và dư luận.
Làm sao xây cầu không được ảnh hưởng tới di tích?
Phương án ban đầu là xây cầu vượt qua đường Bạch Đằng, tương tự cầu quay sông Hàn. Nhưng ngay sau đó đã có những tranh cãi vì phía bờ tây là Bảo tàng Điêu khắc Chăm, nếu xây cầu vượt đường sẽ “nhét” bảo tàng dưới gầm cầu.
PGS.TS Đặng Văn Bài, khi đó đang làm Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, trong một hội thảo đã cùng một số nhà nghiên cứu trao đổi ngay với lãnh đạo TP Đà Nẵng, nêu quan điểm Bảo tàng Điêu khắc Chăm nổi tiếng thế giới, kiến trúc xứng đáng để xếp hạng di tích, không nên làm thay đổi không gian.
Đến cuộc họp tổng kết cuối năm của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tại Đà Nẵng, ông Bài gặp Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh đề nghị thành phố tìm phương án phù hợp, hài hòa giữa bảo tồn và phát triển đô thị. “Tôi nói không phản đối hay cản trở xây cầu, vì giao thông là yếu tố quan trọng cho thành phố. Nhưng bảo tàng có trước, cầu xây sau thì phải nghĩ cách điều chỉnh”, ông kể.
Cuối năm 2005, ông Bá Thanh giao Sở Giao thông Vận tải Đà Nẵng tổ chức cuộc thi thiết kế kiến trúc các cây cầu qua sông Hàn. “Tất cả cầu phải thi kiến trúc để không chỉ xây dựng một công trình mà còn là biểu tượng mới của thành phố, đảm bảo về văn hóa, mỹ thuật, kiến trúc”, ông Đặng Việt Dũng, lúc đó giữ chức Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, kể lại.
Thiết kế của Tập đoàn Louis Berger (Mỹ) đã vượt qua 15 phương án của các công ty Việt Nam, Nhật và Đức. Cầu được thiết kế dạng vòm thép với biểu tượng con rồng, có hầm bộ hành trên đường Bạch Đằng để khách đi qua, đảm bảo không có gầm cầu chạy phía trên Bảo tàng Điêu khắc Chăm.
Ngày 17/12/2008, UBND TP Đà Nẵng phê duyệt dự án và đến 19/7/2009 khởi công với tổng đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng, tổng chiều dài toàn cầu là 666,565 m. Thời điểm đó cầu chưa có tên, bảng dự án chỉ ghi “Cầu mới bắc qua sông Hàn”.
Đầu và đuôi rồng thiết kế thế nào?
Theo ông Đặng Việt Dũng, kết cấu cầu Rồng thời điểm đó rất đặc biệt và duy nhất vì vừa là vòm thép, vừa là cầu treo trên vòm thép, các dầm bằng thép, riêng dầm cầu gần Bảo tàng Điêu khắc Chăm là liên hợp bêtông với thép. Cọc khoan nhồi 2 m lần đầu được thi công ở Đà Nẵng.
Thường cầu phải có hai trụ, nhưng cầu Rồng chỉ có một trụ ở giữa. Mố cầu bên bờ tây ngập nước, vì phải hạ thấp xuống dưới để tránh ảnh hưởng cảnh quan Bảo tàng Điêu khắc Chăm. Bản mặt cầu 6 làn xe, rất lớn so với thiết kế nên phải tính toán kỹ lưỡng và tranh luận rất nhiều lần.
“Kết cấu thân cầu tạm ổn, nhưng nhóm kỹ sư Mỹ không mường tượng được đầu và đuôi rồng thế nào. Bản phác thảo của họ nhìn rất Tây với nhiều góc cạnh. Khi trúng thầu rồi, công ty Mỹ gửi cho lãnh đạo thành phố thiết kế rồng 6 chân, cầu 2 trụ, trông rất đồ sộ và thô kệch”, ông Dũng kể.
Lãnh đạo Đà Nẵng không đồng ý với bản thiết kế mới, yêu cầu giữ lại bản cũ và tính toán lại kết cấu. Ông Bá Thanh chỉ đạo tổ chức thi thiết kế đầu rồng để “mang lại biểu tượng lâu dài cho thành phố”. Trong khi đó, các hạng mục khác của cây cầu vẫn tiếp tục triển khai.
Tháng 3/2012, nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng, người nổi tiếng với tượng đài Mẹ Nhu làm từ vỏ bom đạn, về quê Đà Nẵng để góp sức cho cầu mới. “Cái khó khi thiết kế đầu và đuôi cho cầu là công trình đã thi công theo thiết kế rồi, nhà điêu khắc phải chạy theo nên tính sáng tạo bị hạn chế. Hơn nữa, con rồng này không phải rồng của hội họa mà là rồng thép lớn nhất thế giới”, ông Hạng nhớ lại.
Trình bày phương án thiết kế đầu rồng với lãnh đạo Đà Nẵng, ông Hạng đưa ra ý tưởng cho rồng uốn lượn vươn lên cao, tạo thế rồng bay mạnh mẽ, thay vì tư thế trườn qua sông nhìn mỏng manh; làm hai đầu rồng ở hai đầu cầu, một hướng về sân bay quốc tế Đà Nẵng để chào đón khách, một hướng về biển để vươn ra bốn bể năm châu.
“Nhưng ông Nguyễn Bá Thanh bác ý tưởng này, với lý do rồng bay mà xoay lưng lại với nhau thì không khéo người ta lại nói chưa chi đã mất đoàn kết, anh lên núi, anh xuống biển”, ông Hạng kể. Đồng ý cho ông Hạng thiết kế đầu và đuôi rồng, nhưng ông Thanh yêu cầu phải là “rồng thuần Việt”.
Ông Hạng đi đến nhiều bảo tàng, tìm nhiều tư liệu về rồng qua các giai đoạn lịch sử Việt Nam, cuối cùng quyết định chọn rồng thời Lý, đồng thời sáng tạo đôi mắt rồng hình trái tim, đuôi rồng là bó hoa sen đang nở. Đầu rồng cao 10 m, dài 15 m, nặng 40 tấn. Nhưng để tránh những cuộc tranh cãi với Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, ông nhiều lần xin khất về tiến độ hoặc đưa ra mô hình rất nhỏ.
Rồng bay về hướng nào?
Tại cuộc họp Hội đồng Kiến trúc quy hoạch TP Đà Nẵng ngày 15/3/2012, ông Nguyễn Bá Thanh quả quyết cho rằng đầu rồng phải hướng về bờ với ý nghĩa “rồng bay từ biển vào, uốn lượn trên sông Hàn”. Tuy nhiên, ông Đặng Việt Dũng phản đối.
“Quan điểm của ngành giao thông là rồng vươn ra biển lớn. Thiết kế ban đầu như vậy, thi công đã gần xong thân cầu, trong đó phía tây cạnh Bảo tàng Điêu khắc Chàm đã thấp hẳn xuống, rồng không thể bay vào vì tư thế bị chúi đầu”, ông Dũng giải thích.
Không thuyết phục được cấp dưới, ông Thanh chốt “chuyện bay vô hay bay ra, đầu rồng, đuôi rồng làm như thế nào thì tiếp tục nghiên cứu”, và nêu quan điểm “cho cãi nhau thoải mái, nhưng khi đã thống nhất phương án thì cứ thế làm, không bàn ra tán vào gì nữa”. Sau đó, ông Thanh quyết định nghe theo ý kiến của Giám đốc Sở Giao thông Vận tải.
Ngày 18/10/2012, Hội đồng Tư vấn đặt, đổi tên đường và công trình công cộng TP Đà Nẵng họp, chính thức đề nghị đặt tên “cầu Rồng”, lấy ý tưởng từ truyền thuyết “Con Rồng, cháu Tiên”, đồng thời gắn liền với truyền thuyết “Trứng Rồng – Rùa thần” của di tích cấp quốc gia Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng). Lãnh đạo thành phố cũng đề nghị đơn vị thiết kế đầu rồng có thể phun lửa. Công ty The Louis Berger đưa ra phương án rồng phun lửa bằng tia laser, nhưng ông Nguyễn Bá Thanh lắc đầu quả quyết “rồng phải phun lửa thật”.
Tới phương án thử nghiệm phun lửa thì lại có thêm tranh cãi “rồng phun lửa sẽ rất nóng”. Người Đà Nẵng khi đó có thói quen tập trung hai bên sông Hàn, nhìn cây cầu hoàn thành từng công đoạn và bàn tán. Một người dân ở quận Thanh Khê mạnh dạn đề xuất với lãnh đạo thành phố nên cho rồng phun thêm nước. Ông Thanh lắng nghe và gọi ngay cho nhà sáng chế Phan Đình Phương làm hệ thống phun nước bằng thủy lực.
Khi đầu rồng được gắn lên, dư luận lại dấy lên chuyện “đầu rồng quá thấp, nhìn như chết đuối”. Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng lên tiếng bảo vệ tác phẩm vì kỹ thuật không cho phép làm đầu rồng ngẩng cao. Ông cho rằng đánh giá đầu rồng cao hay thấp là do góc nhìn. Đầu rồng ông làm đã nhân đôi kích thước ban đầu của công ty Mỹ thiết kế.
Công trình do các kỹ sư Việt Nam thi công, ngày 29/3/2013 thì khánh thành. Hàng nghìn người dân, du khách chen chân xem rồng thép phun lửa, phun nước, nhiều người chê nhìn rồng giống rắn. Riêng ông Dũng nhìn nhận: “Rồng mang tính biểu tượng, dần dần người dân sẽ quen”. Năm 2014, cầu Rồng nhận giải kỹ thuật xuất sắc quốc tế và vào top công trình chiếu sáng xuất sắc thế giới.
Sau 10 năm cầu Rồng trở thành biểu tượng của Đà Nẵng, ông Dũng tâm sự đó là niềm tự hào mà các kỹ sư Việt Nam đã vượt qua thách thức của kỹ thuật và “nhiều cái chưa có trong sách vở”. Khi giữ chức Phó chủ tịch thường trực Đà Nẵng, ông Dũng có thêm nhiều kinh nghiệm để thẩm định các dự án giao thông.
PGS.TS Đặng Văn Bài nói cố Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh được biết đến là người có phần độc đoán trong những quyết định, nhưng với cầu Rồng thì ông lắng nghe những ý kiến phản biện để tìm được tiếng nói chung. Vấn đề còn lại là mọi người có dám phản biện và phản biện trên tinh thần xây dựng, tôn trọng nhau hay không.
“Câu chuyện xây cầu Rồng cũng là bài học trong phản biện xã hội. Vai trò của người đứng đầu rất quan trọng, vì tầm nhìn và khả năng dung nạp, xử lý thông tin của người đứng đầu có tính quyết định rất lớn. Giờ cầu Rồng hay Bảo tàng Điêu khắc Chăm đều ghi dấu ấn trong lòng du khách”, ông Bài nói.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/nhung-cuoc-tranh-luan-khi-lam-cau-rong-4706997.html