Hàng trăm hộ dân đang phải sống trong các căn hộ tạm cư xuống cấp vì thiếu kinh phí và không có kế hoạch tu bổ hợp lý.
6 năm chuyển về tạm cư ở khu 9 tầng Đông Khê, quận Ngô Quyền, anh Nguyễn Văn Hiệp, ngụ căn 503, tòa M4A chứng kiến căn hộ ngày càng ẩm mốc, bong tróc. Năm 2018, gia đình anh Hiệp chuyển về đây sống khi căn hộ cũ ở chung cư Đổng Quốc Bình được thành phố phá dỡ, xây mới. “Lúc đó căn hộ mới sạch sẽ, khang trang nên dù là tạm cư tôi rất vui, nếu được ở hẳn cũng tốt”, anh Hiệp nói.
Tuy nhiên, theo thời gian căn hộ của anh Hiệp dần xuống cấp, tường bị ngấm nước, ẩm mốc, loang lổ. Rất nhiều căn hộ khác cũng bị như nhà anh. Có nhà còn bị dột, dù không ở tầng cao nhất. “Cư dân phản ánh nhiều, nhưng chưa thấy cơ quan chức năng sửa chữa lần nào”, anh Hiệp nói.
Khu chung cư Đông Khê gồm 8 tòa, mỗi tòa 9 tầng, mỗi tầng 6 căn hộ, tổng diện tích mặt bằng khoảng 7.000 m2, hiện có hơn 200 hộ dân sinh sống. Không chỉ trong căn hộ, khu sân sinh hoạt chung, nhà để xe, sảnh tầng một cũng bị hư hỏng. Nền gạch nứt vỡ, sụt lún khiến nước bẩn đọng trong sảnh. Tường, nền nứt vỡ, cống thường xuyên bị tắc, thang máy trục trặc.
Một số hộ dân không chịu nổi cảnh nhà cửa xuống cấp, muốn tự cải tạo, nhưng không được phép. Về khu chung cư 9 tầng Đông Khê từ năm 2022, bà Vũ Thị Hạnh ở căn 502, tòa M4A, cho hay đã làm đơn xin tự sửa chữa hai lần không có phản hồi nên đành bỏ tiền tự sửa.
Tình trạng xuống cấp này cũng diễn ra tại một số chung cư thuộc sở hữu nhà nước như khu 9 tầng lô 27 Lê Hồng Phong, khu Đ2 phường Đồng Quốc Bình (quận Ngô Quyền); khu 5 tầng Khúc Thừa Dụ, 7 tầng Vĩnh Niệm, 5 tầng Kênh Dương, U19 Lam Sơn (quận Lê Chân) và khu 5 tầng Cát Bi (quận Hải An).
Đây đều là những khu nhà xây từ khoảng năm 2006 trở lại đây, chưa có ban quản trị, thường được sử dụng làm nơi tạm cư cho các hộ dân ở chung cư nguy hiểm, phải di dời, chờ bố trí nơi ở chính thức. Công tác bảo trì, sửa chữa, khắc phục các hạng mục xuống cấp chậm trễ, từ năm 2023 đến nay gần như bị bỏ ngỏ.
Cư dân tại các chung cư này đã kiến nghị đến cơ quan chức năng nhiều lần, khi hộ mới về được hộ cũ phản ánh lại thì rất phiền lòng vì chỗ ở không đảm bảo, cần giải pháp khắc phục, ông Phạm Văn Hà, Bí thư Quận ủy Ngô Quyền nói trong kỳ họp HĐND TP Hải Phòng ngày 19/7.
Thừa nhận tình trạng xuống cấp tại các khu nhà tạm cư, ông Nguyễn Thành Hưng, Giám đốc Sở Xây dựng TP Hải Phòng, cho biết có hai nguyên nhân chính là thiếu kinh phí và kế hoạch sửa chữa khoa học. Đơn vị quản lý là Công ty TNHH MTV Quản lý và Kinh doanh Nhà (Công ty Nhà) sử dụng tiền thuê nhà của người dân để sửa chữa, bảo trì.
Tuy nhiên, số tiền này còn thấp so với thực tế đầu tư xây dựng, chi phí vận hành của tòa nhà. Mỗi năm đơn vị này chi khoảng 10-15 tỷ đồng để sửa chữa và ưu tiên các căn hộ, khu nhà cực kỳ nguy hiểm trước, không thể làm đồng bộ.
Giám đốc Sở Xây dựng cũng cho rằng Công ty Nhà chưa điều tra, khảo sát, lập kế hoạch quản lý tài sản khoa học để xác định được khu nào cần sửa chữa sớm, khu nào chưa và thông báo cho người dân biết kế hoạch đó.
Hiện Sở Xây dựng trực tiếp quản lý nguồn vốn sửa chữa các chung cư và đã khảo sát toàn bộ hiện trạng để bắt tay cải tạo chung cư, nhà tạm cư xuống cấp trong năm 2024.
Lê Tân
Nguồn tin: https://vnexpress.net/nha-tam-cu-o-hai-phong-xuong-cap-4775335.html