Theo Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, các nạn nhân vụ cháy ở Trung Kính, Hà Nội chết cháy nhiều hơn chết ngạt do lửa xộc thẳng vào từng phòng trọ.
Tại phiên họp tổ ở Quốc hội chiều 24/5, ông Trần Quang Phương đưa ra nhận định trên sau khi đọc báo cáo từ cơ quan chức năng và trực tiếp đến hiện trường.
Phó chủ tịch Quốc hội mô tả hai ngôi nhà cháy đều rất cũ. Một nhà 3 tầng được cải tạo thành nhiều phòng cho thuê, mỗi phòng rộng chừng 16 m2, hành lang các tầng rộng khoảng 60 cm dẫn ra cầu thang bộ chật hẹp.
Cánh cửa phòng làm bằng gỗ, nan chớp nên khi lửa bùng lên khí nóng xộc thẳng vào các phòng. “Các nạn nhân phần nhiều vì vậy chết cháy. Đây là điểm khác với các vụ trước thường người chết ngạt nhiều hơn chết cháy. Chỉ người nào chui vào phòng vệ sinh kiên cố mới may mắn thoát nạn”, ông nói.
Về nguyên nhân ban đầu vụ cháy, ông Phương cho rằng “có thể do chập điện”. Khi cháy gây nổ bình gas, bình ắc-quy của xưởng sửa chữa xe điện nằm ở khoảng sân chung lợp mái tôn giữa hai ngôi nhà. Cùng với đó xe máy, xe điện bắt lửa rất nhanh nên lượng nhiệt đặc biệt lớn, kéo sập khung sắt, mái tôn.
Đồ đạc, xe cộ để ngổn ngang ở khoảng sân chung nên khi cháy đã chặn lối thoát hiểm duy nhất của người trong hai ngôi nhà. 24 người bao gồm cả gia chủ và người thuê trọ bởi thế khó thoát ra.
“Hỏa hoạn xảy ra giữa ngôi làng vốn là vùng ven Hà Nội, phản ánh những bất cập về phòng cháy, chữa cháy ở những nơi làng lên phố. Ngõ dẫn vào hiện trường cũng chật hẹp, nhiều khúc cua. Bà con còn cơi nới để cho thuê làm phá vỡ quy hoạch”, ông Phương nhận định.
Phó chủ tịch Quốc hội cho hay tới đây khi Quốc hội xem xét, thông qua Luật Phòng cháy, chữa cháy sẽ quy định chặt chẽ hơn điều kiện kinh doanh trong các ki-ốt, cửa hàng sửa xe, những nơi vừa ở, vừa kinh doanh. Kết quả khảo sát cho thấy đây là bất cập chung của các thành phố lớn.
Trả lời báo chí bên lề kỳ họp Quốc hội sáng cùng ngày, Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh Trịnh Xuân An cho rằng nên cấm trường hợp chủ nhà sản xuất kinh doanh kết hợp với cho thuê phòng trọ vì rủi ro cao.
“Như vụ cháy ở Trung Kính, ở dưới kinh doanh xe điện, khi chập cháy thì lửa rất to và lan nhanh, hậu quả rất lớn. Nạn nhân thường mắc kẹt do không có lối thoát nạn, lối ra vào duy nhất ở dưới tầng 1 lại chính là điểm bùng phát cháy”, ông An nói.
Khi Quốc hội thảo luận dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại kỳ họp này, ông An kiến nghị bổ sung điều khoản cấm kinh doanh với nhà diện tích nhỏ, là nơi sinh sống từ 10 người trở lên hoặc trong trường hợp không đảm bảo phòng cháy chữa cháy.
Ông An cũng đề nghị bộ ngành, cơ quan chức năng đánh giá cụ thể tiêu chuẩn một số mặt hàng dễ cháy để siết chặt quản lý nếu cho kinh doanh trong khu dân cư. “Ví dụ trong khu nhà trọ kinh doanh vật liệu dễ cháy, hóa chất, xe điện, những hàng hóa nguy cơ cao thì phải có điều kiện khắt khe hơn trong phòng cháy chữa cháy. Phải rà soát và đưa vào trong luật vấn đề này”, đại biểu này đề nghị.
Theo ông, đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM cần xây dựng đồng bộ trong quy hoạch đô thị, nhất là dự án nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp để giảm dần nhà trọ tự phát. Chính quyền phường, quận phải rà soát ngay các công trình nhà ở, nhà trọ có nguy cơ cao về cháy nổ để yêu cầu, cưỡng chế phá bỏ vật cản lối vào của xe chữa cháy và thiết kế thêm lối thoát hiểm.
Phó đoàn Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị cơ quan chức năng rà soát, có phương án với từng loại hình nhà ở, đặc biệt là nhà trọ cao tầng trong ngõ hẻm. Bà đề xuất nhà cho thuê phải có ít nhất một lối thoát hiểm bên cạnh lối ra vào chính và chủ trọ tại đô thị lớn phải tự kiểm tra, loại bỏ vật cản tại lối thoát nạn, tham vấn ý kiến cơ quan chức năng để đảm bảo điều kiện phòng cháy chữa cháy.
0h30 ngày 24/5, đám cháy bùng lên tại ngôi nhà số 1 ngách 43/98/31 phố Trung Kính, quận Cầu Giấy. Trên khu đất rộng khoảng 200 m2 có nhà 2 tầng một tum dành cho 7 người gia đình chủ nhà; khu nhà trọ rộng 100 m2 cao 3 tầng, mỗi tầng 4 phòng, có 17 người đang thuê. Ở giữa hai nhà là khoảng sân rộng 55 m2 để xe máy, xe điện và cũng là cửa hàng sửa chữa xe điện của con chủ nhà.
Hỏa hoạn khiến 14 người tử vong, trong đó có 2 người gia đình chủ nhà, 12 người thuê trọ. 6 người bị thương được đưa tới Bệnh viện Giao thông Vận tải. Đến tối cùng ngày, chính quyền Hà Nội chưa công bố danh tính nạn nhân. Nhiều khả năng nạn nhân bị cháy biến dạng nên mất thời gian nhận diện.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/nguoi-chet-chay-nhieu-hon-chet-ngat-trong-vu-hoa-hoan-o-trung-kinh-4750284.html