Chuyên gia cho rằng đề xuất lao động nộp khoản BHXH bị doanh nghiệp trốn đóng để hưởng hưu trí là đẩy hết khó khăn cho họ, ảnh hưởng tiêu cực tới lưới an sinh.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi sau nhiều lần chỉnh lý đã bổ sung cơ chế đặc thù bảo vệ lao động trong trường hợp chủ sử dụng không còn khả năng đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) như phá sản, giải thể, bỏ trốn.
Cụ thể, cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ tạm thời xác nhận thời gian đóng nếu lao động có yêu cầu để làm căn cứ hưởng các chế độ. Nếu sau này chủ sử dụng đóng bù thì lao động sẽ được xác nhận, cộng thời gian này vào để tính lại thời gian hưởng. Nghĩa là lao động đóng đến đâu tính đến đó, không cộng thời gian bị doanh nghiệp chậm, trốn đóng BHXH.
Trường hợp tính cả thời gian bị chậm, trốn đóng BHXH mới đủ điều kiện hưởng hưu trí, tử tuất thì lao động có thể chọn nộp khoản bị chậm, trốn này vào Quỹ Hưu trí tử tuất để được xác nhận hưởng. Nếu sau này cơ quan Bảo hiểm xã hội thu hồi được khoản nợ thì sẽ tính lại chế độ và trả lại khoản lao động đã đóng.
Theo cơ chế này, nếu lao động chọn đóng bù để hưởng hưu trí thì phải chi ít nhất 30% tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH vào Quỹ hưu trí và tử tuất. Cụ thể, 8% tiền lương tháng đóng BHXH ban đầu nhưng doanh nghiệp không đóng; 22% tiền đóng bù (8% của lao động, 14% của doanh nghiệp) để được xác nhận thời gian đóng hưởng chế độ.
PGS.TS Giang Thanh Long, giảng viên cao cấp Đại học Kinh tế quốc dân, bày tỏ không ủng hộ đề xuất trên. Mỗi tháng lao động đã phải trích 8% bình quân tiền lương đóng BHXH cùng 14% của doanh nghiệp. Nếu chủ sử dụng chậm, trốn đóng nghĩa là “ôm” luôn khoản này của lao động mà không nộp vào Quỹ. Phần lỗi thuộc về chủ doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý nhà nước không theo dõi sát sao để ngăn ngừa chứ không phải do lao động.
“Yêu cầu lao động đóng bù cho khoản họ không có lỗi là rất vô lý. Tính ra họ phải đóng hai lần tiền lương và chỉ được hưởng chế độ một lần”, ông nói. Cơ chế bảo vệ là phải đứng về phía lao động chứ không để họ tự chi thêm tiền để thụ hưởng quyền lợi đương nhiên được hưởng. Trong khi tìm biện pháp xử lý doanh nghiệp, cơ quan chức năng cần ghi nhận thời gian lao động bị chậm, nợ đóng BHXH để họ hưởng các chế độ.
Chung quan điểm, nguyên Thứ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân đánh giá đề xuất như dự luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi là đẩy hết khó khăn cho lao động dù họ có quyền chọn đóng hay không. Người bị doanh nghiệp nợ BHXH phần lớn là công nhân, lao động thu nhập trung bình hoặc thấp.
“Họ chạy ăn từng bữa còn khó, lấy đâu ra tiền đóng bù BHXH để hưởng lương hưu?”, ông đặt câu hỏi.
Các chuyên gia nhìn nhận nếu không giải quyết thỏa đáng quyền lợi cho lao động có thể gây hậu quả xã hội. Bà Nguyễn Thị Việt Nga, Phó đoàn chuyên trách đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, lo ngại quy định như dự thảo dễ tạo tiền lệ xấu để một bộ phận doanh nghiệp cố tình chậm, nợ BHXH vì đã có nhà nước lo hoặc lao động tự chịu. Khi phải bỏ tiền túi để đóng bù BHXH, lao động sẽ phản ứng, giảm sút niềm tin với chính sách an sinh.
“Một trong những mục tiêu sửa đổi luật là mở rộng lưới an sinh, ngăn ngừa rút BHXH một lần thì đề xuất này cần cân nhắc kỹ, đánh giá liệu có tác động ngược hay không?”, bà Nga nói.
Để chậm, nợ đọng đến trốn đóng BHXH kéo dài, theo nữ đại biểu là lỗ hổng chính sách, cần sửa đổi đồng bộ nhiều luật chứ không riêng Luật Bảo hiểm xã hội. Nhiều nước xử lý tình trạng này rất gắt gao và Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm, trong đó trao quyền nhiều hơn cho thanh tra ngành Bảo hiểm xã hội, quy định rõ trách nhiệm liên ngành trong quy trình xử lý. Doanh nghiệp gặp khó thực sự thì nghiên cứu hỗ trợ vượt qua để tiếp tục sản xuất.
PGS.TS Giang Thanh Long đặt câu hỏi trách nhiệm của cơ quan Bảo hiểm xã hội trong việc để chậm đóng, nợ BHXH kéo dài mà không có biện pháp khắc phục. Cơ quan quản lý lẫn thực thi nên thay đổi quan điểm “dĩ hòa vi quý” sợ doanh nghiệp đóng cửa, lao động mất việc, bởi xử lý không thỏa đáng thì hệ lụy khôn lường. Ngoài quyền lợi trước mắt của lao động bị mất, không có tiền đóng bù, họ có thể chuyển từ khu vực việc làm chính thức sang phi chính thức. Khi đó tìm cách kéo họ về với hệ thống an sinh không dễ.
Thảo luận trên nghị trường Quốc hội ngày 27/5, nhiều đại biểu cũng đề nghị cân nhắc kỹ đề xuất, không để người lao động phải đóng bù khoản nợ BHXH của doanh nghiệp. Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân kiến nghị dành nguồn quỹ dự phòng hỗ trợ cho các trường hợp bị ảnh hưởng, hoặc trích từ lãi suất tiền gửi hoặc lợi nhuận đầu tư của Quỹ Bảo hiểm xã hội.
Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, việc chậm đóng BHXH diễn ra ở tất cả loại hình doanh nghiệp. Riêng tiền nợ khó thu hồi tại doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngừng hoạt động, chủ bỏ trốn hơn 4.000 tỷ đồng khiến hơn 213.400 người bị “treo” quyền lợi.
Dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đã được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp tháng 10/2023, dự kiến thông qua ngày 25/6 và có hiệu lực từ 1/7/2025.
Phương Hà
Nguồn tin: https://vnexpress.net/neu-lao-dong-phai-dong-bu-khoan-no-bhxh-cua-doanh-nghiep-la-vo-ly-4751442.html