Hải PhòngNhóm người cào và lấy đi lớp đất mặt màu mỡ trên đồng ruộng ở huyện Thủy Nguyên và An Dương, gây biến dạng địa hình, làm nghèo đất.
Khoảng 10 người cùng một máy xúc và 5 ôtô tải nhỏ xuất hiện trên cánh đồng cạnh nghĩa trang Phương Mỹ của xã Mỹ Đồng, huyện Thủy Nguyên, đêm 11/12. Nơi này giáp ranh với xã Chính Mỹ, cách khu dân cư gần nhất 200 m và chưa có đèn đường chiếu sáng. Trong ba tiếng, họ liên tục cào, xúc lớp đất mặt ruộng đưa lên xe chở đi.
Ruộng thuộc sở hữu của người dân xã Mỹ Đồng nhưng cho một số hộ ở xã Chính Mỹ thuê cấy lúa. Thời điểm này, các thửa ruộng mới được cày xới để chuẩn bị cho vụ mùa mới. “Họ cào lấy hết lớp đất bề mặt trong đêm, hôm sau tôi ra làm cỏ mới biết”, bà Nguyễn Thị May, canh tác trên ba sào ruộng vừa bị mất trộm đất, nói. Lớp đất màu mỡ bị lấy đi, ruộng chỉ còn lại nền đất cứng, ít dinh dưỡng. Nông dân sẽ phải mất công cải tạo, bón phân mới có thể gieo trồng.
Sát ruộng bà May còn có hai thửa khác diện tích tương tự cũng bị nhóm người lạ đào bới, lấy đất. “Mấy hôm nay bị động, họ dừng rồi”, một người dân nói, chỉ vào dấu vết bánh xe còn nguyên trên mặt ruộng. “Đất tặc” đã phá kênh thủy lợi, bờ ruộng, đắp đường để xe dễ dàng di chuyển xuống ruộng.
Theo người dân, nạn trộm đất ruộng xuất hiện từ đầu tháng 11. Ngoài những cá nhân, còn có nhóm đông người sử dụng phương tiện cơ giới lấy đất của dân để đem bán cho các nhà vườn. Trên thị trường, đất màu được khai thác từ ruộng được bán 200.000-400.000 đồng một m3.
Bà Bùi Thị Lơ, Chủ tịch UBND xã Mỹ Đồng, cho hay tình trạng lấy đất màu từ đồng ruộng trái phép thường xảy ra dịp cuối năm, khi nhu cầu đất trồng cây của các nhà vườn tăng cao. Trước đây “đất tặc” chỉ dám lấy đất đã được cày ải, nay họ mang cả máy xúc, xe tải đi trộm đất là “đáng báo động”.
“Chúng tôi cũng mất ăn mất ngủ vì việc này. Lực lượng thì mỏng, khi có tin báo, xuống đến nơi thì họ đã giải tán, không bắt được quả tang”, Chủ tịch xã Mỹ Đồng nói, cho hay công an đang điều tra.
UBND xã Mỹ Đồng đã gửi thông báo tới từng hộ dân, cảnh báo nạn trộm đất và một số người dân tự ý bóc lớp đất mặt để đổ vào vườn trồng cây. “Việc lấy đất màu làm biến dạng địa hình, hạ thấp thửa đất, ảnh hưởng đến việc canh tác, vi phạm công tác quản lý và sử dụng đất”, thông báo nêu.
Tại xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên, chính quyền phải bơm nước vào các cánh đồng để ngăn “đất tặc”. Khi xe không xuống được ruộng, nhóm trộm chuyển hướng sang các thửa ruộng ở khu Tai Sổ, nơi đã được thu hồi để triển khai dự án mở rộng nghĩa trang Phi Liệt. Sáng 20/12, khi thấy hàng chục người cùng xe công nông lấy đất, bảo vệ của dự án cùng địa chính xã Lại Xuân đã ngăn chặn.
Cơ quan chức năng ghi nhận tình trạng trộm đất ruộng, đất thuộc các dự án chuẩn bị triển khai còn xảy ra ở một số cánh đồng các xã Phù Ninh, Lâm Động, Hoa Động, Hòa Bình, huyện Thủy Nguyên và xã Đại Bản, An Hưng, huyện An Dương. UBND TP Hải Phòng đã yêu cầu các xã báo cáo tình trạng này.
Chính quyền cho rằng việc lấy đất bề mặt ruộng có dấu hiệu của hành vi hủy hoại đất. Theo Luật Đất đai, hủy hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình, làm suy giảm chất lượng đất, gây ô nhiễm đất, làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định. Tùy theo diện tích đất bị hủy hoại mà có mức xử phạt hành chính khác nhau, dao động từ 60 đến 150 triệu đồng.
Lê Tân
Nguồn tin: https://vnexpress.net/nan-trom-dat-dong-ruong-4691284.html