Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cảnh báo một số môn nghệ thuật truyền thống có thể phải dừng đào tạo do không thể tuyển sinh, không có người học.
Chất vấn Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng tại phiên họp Thường vụ Quốc hội sáng 21/8, đại biểu Dương Minh Ánh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, bày tỏ lo ngại về tình trạng đào tạo nguồn nhân lực nghệ thuật hiện nay.
Bà cho biết quy mô đào tạo đang bị thu hẹp, chất lượng giảm sút đáng kể. Nhiều ngành nghệ thuật gặp khó khăn trong tuyển sinh. Cơ sở vật chất và chế độ đãi ngộ, đặc biệt là các trường ngoài công lập, còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đào tạo.
“Với vai trò là người đứng đầu ngành, Bộ trưởng có thể cho biết những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này và giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng và số lượng nguồn nhân lực văn hóa, nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước?”, bà Ánh đặt câu hỏi.
Nữ đại biểu cũng cũng đề nghị Bộ trưởng làm rõ việc có hay không sự phân biệt đối xử giữa học viên ngành nghệ thuật tại trường của Bộ với trường của địa phương, khi chỉ học sinh học các trường trung ương mới được hưởng các cơ chế ưu đãi.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói tình trạng mai một các môn nghệ thuật truyền thống đã được ông báo cáo Quốc hội tại các kỳ họp trước. Trong bối cảnh hiện nay, nếu không có nhiều giải pháp quyết liệt, một số bộ môn nghệ thuật truyền thống có thể khép lại. “Phải có nhu cầu thực tế thì cơ sở đào tạo mới tuyển sinh được, nhưng hiện nay các trường đều không có đủ đầu vào”, ông Hùng nói.
Ông cho biết Bộ đang nghiên cứu, khảo sát nhu cầu, nguyện vọng, năng khiếu học sinh, sinh viên ngành nghệ thuật để điều chỉnh chính sách phù hợp. Chính phủ cũng ban hành nhiều quy định khuyến khích như miễn giảm học phí, chế độ ưu đãi với người học nghệ thuật truyền thống.
Bộ sẽ tập trung vào các nhóm ngành có nguy cơ mai một như nhạc công hát kịch dân tộc; nhạc công truyền thống Huế; đờn ca tài tử; diễn viên sân khấu kịch hát; nghệ thuật biển diễn dân ca; nghệ thuật ca trù, bài chòi; biểu diễn nhạc cụ truyền thống. “Những chính sách ưu đãi này được áp dụng cho cả nước, không phải chỉ có trường của Bộ văn hóa mới ưu đãi. Hàng năm, Bộ đều gửi công văn đến tất cả địa phương, sở văn hóa đề nghị báo cáo đề xuất.”, ông Hùng nói.
Tuy nhiên ông cho biết Bộ chưa nhận được thông tin từ các địa phương về những học viên mong muốn được hỗ trợ. Nếu có, Bộ sẽ phối hợp Bộ Tài chính xử lý ngay nếu quyền lợi người học không được đảm bảo. Về lâu dài, Bộ sẽ nghiên cứu giải pháp để các thế hệ học sinh, sinh viên yêu văn hóa Việt Nam, coi truyền thống là hồn cốt để lưu truyền.
“Chỉ khi yêu thích đam mê, thì tỷ lệ người học nghệ thuật truyền thống mới tăng lên. Điều này cần làm lâu dài, từ từ chứ không thể ngày một ngày hai”, ông Hùng nói.
Thường vụ Quốc hội sẽ chất vấn các Bộ trưởng, trưởng ngành trong hai ngày 21-22/8.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/mot-so-mon-nghe-thuat-truyen-thong-co-the-khep-lai-do-khong-co-nguoi-hoc-4783886.html