Trên các tuyến như Phạm Văn Đồng, Võ Chí Công, Trần Hữu Tước…, số nhà không theo quy tắc khiến đội cấp cứu 115 có lần phải nhờ công an tìm hộ bệnh nhân.
Đường Phạm Văn Đồng dẫn ra sân bay Nội Bài dài hơn 5 km, bắt đầu từ nút giao Mai Dịch, quận Cầu Giấy đến cầu Thăng Long, quận Bắc Từ Liêm. Sau khi mở rộng năm 2017, tuyến đường được xem đẹp nhất nhì Thủ đô. Tuy nhiên, với tài xế Trần Văn Nam, 39 tuổi, việc tìm nhà trên đường này thực sự thách thức.
Có lần khách gọi đón ở số nhà 65 đường Phạm Văn Đồng, như thường lệ anh Nam mở phần mềm chỉ đường, nhưng tới nơi chỉ là khoảng đất trống. Số 65 phần mềm chỉ gần cầu Thăng Long, nhưng điểm khách đứng chờ là số 65 gần về phía Cầu Giấy, hai điểm cách nhau gần 5 km. Khách hàng sau đó giải thích số nhà do mình… tự đặt.
“Rút kinh nghiệm từ lần nhầm lẫn địa chỉ, tôi thường gọi khách hỏi xem điểm đón nằm gần với tòa nhà hay giao cắt nào để định hướng trước, chứ số nhà gần như không có ý nghĩa trên tuyến đường này”, anh Nam nói.
Trên đường Phạm Văn Đồng có những thửa đất rộng vài trăm mét vuông được chủ chia nhỏ cho thuê, hình thành dãy 8 cửa hàng mang số 30, phân biệt bằng các ký tự A, B, C, D. Số nhà trên tuyến cũng không theo thứ tự, như hướng từ Cầu Giấy đi cầu Thăng Long, nhà số 32 nằm cạnh số 68A, 68B, kế đến là số 179, 170A và quay về số 36. Từ số 170, đi qua ngã tư giao với đường Hoàng Quốc Việt, số nhà bất ngờ nhảy lên thành 655.
Ở chiều đối diện từ cầu Thăng Long về Cầu Giấy, trụ sở Bộ Công an là số 47, nhưng bên cạnh lại là dãy 4 nhà cùng mang số 200. Có đoạn số nhà 176 nằm xen với nhà 169 và 167. Nhiều nhà có tới hai số, như một biển hiệu ghi số 160 Phạm Văn Đồng, nhưng ở dưới lại xuất hiện tấm biển vuông màu xanh ghi số 143; hay cùng một nhà nhưng trên biển hiệu ghi 182, phía dưới ghi 181.
Chủ một căn nhà trên đường Phạm Văn Đồng cho biết gia đình ngại thay đổi số nhà do phải thay đổi từ sổ hộ khẩu, sổ đỏ, căn cước công dân, làm visa… nên chấp nhận để số nhà mới ở biển hiệu phía trên, phía dưới giữ số nhà cũ.
Theo nguyên tắc của Bộ Xây dựng, với nhà mặt đường, nhà trong ngõ, nhà trong ngách thì bên trái là số lẻ, bên phải là số chẵn, đi từ nhỏ đến lớn theo dãy số tự nhiên theo chiều từ bắc xuống nam, từ đông sang tây, từ đông bắc sang tây nam, từ đông nam sang tây bắc.
Song trên phố Trần Hữu Tước, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, bên lẻ lại bắt đầu từ nhà số 2, tiếp đó mới đến số lẻ, có đoạn số nhà 50 lại nằm bên lẻ. Các số cũng đánh không theo thứ tự từ to tới nhỏ, mà từ số bé nhảy sang số lớn, như số 86 lại nằm cạnh số 24, 84 lại cạnh số 46.
Ông Tự, 57 tuổi, sống trên phố Trần Hữu Tước, cho biết số nhà đánh không theo logic xuất hiện sau khi mở rộng đường. Nhiều gia đình từ ngõ chuyển ra mặt đường nên lấy luôn số nhà cũ. Thế nên trên một con phố có tới 3 nhà số 20, một gia đình phải thêm chữ “Đ” vào đằng sau để tránh bị nhầm lẫn.
Cũng tại quận Đống Đa, phố Yên Lãng có 4 nhà cùng số 38 nằm nối tiếp nhau, xen giữa là số 38B. Thứ duy nhất giúp phân biệt những nhà này là mặt hàng kinh doanh. Chủ một quán bún cho biết trùng số nhà gây nhiều phiền phức. “Không ít khách tới ăn bún nhưng thấy số 38 kinh doanh mặt hàng khác, nghĩ quán đã đóng cửa nên rời đi, shipper cũng nhầm khi tới lấy đồ khách đặt”, chủ quán kể.
Cách khoảng 7 km, đường Lê Đức Thọ, quận Nam Từ Liêm, cũng bị đánh số nhà lộn xộn, như 4 nhà cùng gắn số 21, trong đó có ba cửa hàng và một tòa chung cư. Gần đó phố Hồng Đô mới mở khoảng 2 năm gần đây xuất hiện tình trạng số nhà chủ yếu là chẵn, nhiều gia đình tự chọn số đẹp.
Loạn số nhà xảy ra ở nhiều phố khác như Hoàng Cầu, Phú Lương, Phú Lãm, Bùi Xương Trạch, Phạm Huy Thông, Đội Cấn, đường Võ Chí Công, Lê Văn Lương, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Trãi… Đây là những tuyến phố, tuyến đường được mở rộng vài năm gần đây, nhiều nhà trước nằm trong ngõ nay ra mặt tiền đường lớn.
Việc đánh số nhà lộn xộn không chỉ gây ức chế, mất thời gian cho người tìm kiếm mà còn ảnh hưởng tới nhiều mặt đời sống như cấp cứu, phòng cháy, chi trả hóa đơn điện nước, quản lý nhân khẩu…
Bác sĩ Ngô Thị Bích Hạnh, Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội, kể không ít lần gặp khó khăn khi đón bệnh nhân. Có lần nhận cuộc gọi cấp cứu ở số 35 phố Đội Cấn, nhưng khi xe tới thì có một loạt số 35 kèm theo chữ cái đánh thêm A, B, C, D, E, F đằng sau, không thể phân biệt nhà nào nên chị lại phải gọi điện hỏi.
Trên đường Phạm Văn Đồng, có lần đội cấp cứu 115 phải nhờ công an dẫn đường đến đón bệnh nhân do số đánh lộn xộn. “Nhiều lúc chúng tôi buồn thay cho bệnh nhân vì tìm địa chỉ rất mất thời gian, trong khi cấp cứu sớm một phút cũng quý giá”, bác sĩ Hạnh nói, mong mỏi Hà Nội thống nhất cách đánh số nhà.
Thực tế từ năm 2014, UBND TP Hà Nội đã ra quy chế đánh số, gắn biển số nhà và biển chỉ dẫn công cộng, phân cấp cho các quận huyện. Sở Xây dựng đánh giá tại quận trung tâm, việc gắn biển số nhà đã tương đối ổn định, vấn đề phát sinh chủ yếu thuộc quận, huyện đang phát triển khu đô thị mới, tuyến đường, phố mới hình thành.
Nguyên nhân, theo Sở Xây dựng, có tình trạng người dân tự phát treo biển tên, gắn số nhà, khi chính quyền cấp số mới thì vẫn giữ lại số cũ. Một số tuyến đường được đặt tên nhưng chậm trễ gắn biển số. Tại các khu đô thị mới, chủ đầu tư tự đặt tên, đánh số nhà và chưa bàn giao hạ tầng kỹ thuật cho cơ quan chuyên ngành của thành phố. Do vậy việc đánh biển số nhà ở đây chưa được chuẩn hóa để đưa vào hệ thống quản lý của chính quyền địa phương.
Để thuận lợi trong công tác quản lý đô thị, quản lý hành chính, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân trong hoạt động giao dịch, Sở Xây dựng kiến nghị thành phố kiểm tra công tác đánh, gắn biển số nhà và biển chỉ dẫn công cộng trên địa bàn; xem xét gắn biển số nhà tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Bộ Xây dựng mới đây đề xuất 7 trường hợp bắt buộc đánh lại và gắn mới biển số, trong đó có số nhà ở các tuyến đường mới mở, nhiều nhà mới xây. Trước đó tháng 10/2023, Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Công an phối hợp với Bộ Xây dựng thống nhất cách ghi số nhà.
Việt An – Võ Hải
Nguồn tin: https://vnexpress.net/loan-so-nha-hang-loat-tuyen-pho-ha-noi-4747032.html