Chuyên gia, doanh nghiệp vận tải cho rằng việc lắp thiết bị an toàn như ghế, nôi trẻ em trên taxi, xe khách sẽ tăng tính an toàn cho trẻ, song khó thực hiện.
Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ quy định trẻ em dưới 10 tuổi, cao dưới 1,35 m không được ngồi cùng hàng ghế với người lái xe (trừ loại ôtô chỉ có một hàng ghế). Người lái xe phải sử dụng, hướng dẫn sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em phù hợp. Quy định này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2026.
Bộ Công an đang soạn thảo nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong giao thông đường bộ, trong đó quy định người chở trẻ em trên ôtô không có thiết bị an toàn có thể bị phạt 0,8-1 triệu đồng.
Như vậy, người lái hay chủ xe sẽ phải trang bị thiết bị an toàn phù hợp với trẻ em dưới 10 tuổi. Hiện thiết bị này có nhiều loại như nôi dành cho trẻ dưới một tuổi, nặng dưới 13 kg; ghế dành cho trẻ 1-4 tuổi; ghế nâng và dây an toàn dành cho trẻ 4-6 tuổi; đệm nâng và dây an toàn cho trẻ 6-12 tuổi, nặng 22-36 kg.
Hiện nay cơ quan chức năng chưa quy định cụ thể các loại xe phải trang bị thiết bị an toàn như thế nào. Tuy nhiên, quy định này đang tạo ra ý kiến trái chiều nếu áp dụng cho xe kinh doanh vận tải như taxi, xe hợp đồng, xe khách.
Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội, phân tích khi hành khách là trẻ em, lái xe sẽ phải dừng để lắp ghế an toàn mất khoảng 15 phút, khi khách xuống lại phải tháo ghế. Việc này gây bất tiện cho tài xế và có thể gây ùn ứ khi đường phố đông đúc. Lái xe taxi sẽ phải mang sẵn ghế trẻ em trên xe, việc này gây khó khăn cho các xe không có cốp sau.
Ngoài ra, việc lắp thêm ghế trẻ em có thể gây trở ngại vì các mẫu xe hybrid mới thường có cốp nhỏ, không thể chứa các ghế trẻ em. Trường hợp taxi chở 2-3 trẻ thì không thể đủ ghế an toàn, khi đó lái xe có thể phải từ chối khách.
Ông Hùng cho rằng đa số trẻ em đi taxi đều đi cùng người lớn, khi đó chỉ cần sử dụng một dây an toàn cho trẻ như đi trên máy bay là có thể giữ trẻ ngồi trong lòng, không cần thiết lắp thêm ghế an toàn trên xe.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh cho rằng quy định trang bị thiết bị an toàn như ghế, nôi… là làm khó cho doanh nghiệp vận tải. Mỗi taxi phải trang bị thêm 1-2 ghế, tăng chi phí 3-4 triệu đồng, làm gián tiếp tăng chi phí xã hội.
Theo ông Thanh, taxi trong nội đô thường đi quãng đường ngắn với tốc độ 30-40 km/h nên khả năng va chạm và thiệt hại không lớn như xe lưu thông chặng dài hay trên cao tốc. Yêu cầu tài xế taxi mang theo ghế trẻ em sẽ bất hợp lý và khiến họ có thể từ chối chở hành khách có trẻ sơ sinh và con nhỏ. Tài xế mất thời gian để lắp đặt ghế trẻ em nên sự nhanh chóng, thuận tiện của taxi sẽ giảm đi.
Cùng với đó, việc bắt buộc trang bị ghế trẻ em trên taxi có thể khiến các gia đình đông người phải gọi thêm một taxi khác, phải chịu chi phí cao hơn. Những gia đình đông con nhỏ không vui vẻ vì một taxi sẽ không đủ ghế an toàn cho tất cả trẻ nhỏ.
Xe hợp đồng, xe khách cũng không dễ dàng lắp các loại ghế an toàn cho trẻ em. Ông Lê Ngọc Nam, Chủ tịch Công ty TNHH X.E Việt Nam, cho rằng thiết kế của xe khách, xe hợp đồng không thể lắp thêm ghế trẻ em, trên xe chỉ có dây an toàn có thể nới rộng, hẹp phù hợp nhiều hành khách. Hành khách có thể đặt chỗ cho nhiều trẻ em theo nhu cầu và khi lên xe thì nhà xe mới biết có trẻ em nên không thể chuẩn bị thiết bị an toàn để phục vụ nhóm trẻ này. “Các nước cũng không yêu cầu lắp ghế riêng cho trẻ em khi đi xe khách”, ông Nam nói.
Ủng hộ sử dụng thiết bị an toàn trên phương tiện, TS Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cho rằng theo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, tất cả chuyến đi bằng ôtô có trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35 m cần sử dụng thiết bị an toàn.
Tuy nhiên, ông Minh nhận định xe kinh doanh vận tải, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu chở trẻ em và các yêu cầu về an toàn kèm theo. Một lái xe hoặc một nhà xe tuyến cố định rất khó biết điểm dừng tới, chuyến tới có bao nhiêu trẻ em dưới 10 tuổi. Bởi vậy loại hình kinh doanh vận tải và vận tải công cộng cần có lộ trình dài hơn để khuyến khích doanh nghiệp tham gia.
Theo ông Minh, nhà nước nên quy định việc cung cấp thông tin số lượng thiết bị an toàn cho trẻ trên từng chuyến xe kinh doanh vận tải để hành khách có thể đặt chỗ có thiết bị an toàn. Điều này có thể áp dụng khi đặt chỗ online với cả xe tuyến cố định, xe hợp đồng.
Xe chở học sinh mầm non và tiểu học trong đô thị có thể sử dụng thiết bị an toàn là dây bảo hiểm chuyên dụng thiết kế phù hợp với lứa tuổi, kèm theo đó có các giải pháp bổ sung như quy định tốc độ tối đa của loại hình này thấp hơn xe con trên cùng một tuyến đường.
Ông Minh cho rằng nên ưu tiên tập trung triển khai với ôtô cá nhân trước, vì đây là loại xe có thể di chuyển tốc độ cao trên cao tốc, tần suất trẻ em sử dụng cao, đồng thời bố mẹ, người giám hộ luôn biết trước được nhu cầu này. “Cách triển khai cụ thể với hoạt động kinh doanh vận tải nên được xem xét ở nhiều góc độ để bảo đảm quy định đi vào cuộc sống một cách thiết thực, góp phần nâng cao an toàn giao thông cho trẻ em ở Việt Nam”, ông Minh nói.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/lap-ghe-an-toan-cho-tre-em-tren-taxi-xe-khach-kho-kha-khi-4818225.html