Các cơ quan thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ lập bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt lở, lũ quét tỷ lệ 1:10.000 hoặc lớn hơn cho 150 xã miền núi trong hai năm tới.
Theo đề án Cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam, đến năm 2025 các Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Cục Địa chất Việt Nam và Vụ Khoa học công nghệ sẽ ưu tiên điều tra, xây dựng dữ liệu phân vùng rủi ro sạt lở đất, lũ quét.
Hà Giang có 44 xã nằm trong danh sách dự kiến lập bản đồ, nhiều nhất cả nước. Tiếp theo là Kon Tum 21 xã, Hà Tĩnh 20 xã, Lào Cai 17 xã, Yên Bái 11 xã.
Dựa trên nghiên cứu năm 2021 của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, các xã được lập bản đồ khi có trên 60% diện tích nguy cơ sạt lở và 30% diện tích có nguy cơ lũ quét; hoặc trên 70% diện tích có nguy cơ sạt lở, trên 60% diện tích có nguy cơ lũ quét.
“Quá trình khảo sát thực địa, căn cứ nhu cầu của địa phương và diễn biến thiên tai, chúng tôi có thể điều chỉnh các xã”, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết.
Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng yêu cầu các cơ quan liên quan điều tra lập bản đồ phân vùng tỉnh dễ bị tổn thương, mức độ phơi bày do sạt lở đất, lũ quét tỷ lệ 1:50.000 và 1:25.000 cho 37 tỉnh trung du, miền núi; lập bản đồ phân vùng nguy cơ, phân vùng rủi ro thiên tai do sạt lở đất, lũ quét tỷ lệ 1:50.000 và 1:25.000 cho 15 tỉnh miền núi ở cả ba miền Bắc, Trung Nam.
Lũ quét, sạt lở đất là một trong những loại hình thiên tai gây thiệt hại lớn ở Việt Nam. Hiện nay công tác dự báo, cảnh báo còn nhiều hạn chế do thiếu dữ liệu, công nghệ. Năm 2023, cả nước xảy ra nhiều vụ lũ quét, sạt lở đất gây hậu quả nghiêm trọng. Trong đợt 1-8/8, mưa lớn, lũ quét làm 17 người chết, mất tích, thiệt hại gần 1.400 tỷ đồng. Đợt ngày 12/9 tại Lào Cai khiến 9 người chết, mất tích, hay sạt lở tại đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng) hồi tháng 7 khiến 6 người chết.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/lap-150-ban-do-canh-bao-xa-co-nguy-co-sat-lo-lu-quet-4720544.html