Lượng hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp những tháng cuối năm ở Thủ đô chững lại, nhưng nếu tính cả năm thì tăng khoảng 20% so với 2022.
Trong 11 tháng qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội giải quyết cho hơn 80.200 người nhận trợ cấp thất nghiệp, 730 người được hỗ trợ học nghề. Ước tính cả năm, hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp tăng khoảng 20% so với 2022.
Hồ sơ gửi về trung tâm hồi giữa năm dao động 9.000-10.000 do làn sóng mất việc, giãn việc, giảm giờ làm tăng mạnh. Từ tháng 10 đến nay, lượng hồ sơ gửi về giảm còn khoảng 6.000 mỗi tháng. “Đây là tín hiệu đáng mừng, cho thấy tình trạng lao động mất việc những tháng cuối năm đã giảm nhiệt, không gay gắt như thời gian trước”, bà Vũ Thị Thanh Liễu, Phó giám đốc Trung tâm, đánh giá.
Độ tuổi hưởng trợ cấp thất nghiệp cao nhất là nhóm nữ từ 25 đến dưới 40, chiếm gần 40%, nam cùng độ tuổi chiếm 29%; nữ trên 40 tuổi chiếm 12,5%, nam cùng độ tuổi khoảng 10%. Điều này cho thấy nguy cơ mất việc ở lao động trung tuổi ngày càng tăng. Trên 35 tuổi, nhiều người bắt đầu suy giảm khả năng làm việc và nhiều doanh nghiệp không muốn tuyển dụng.
50% người nộp hồ sơ là lao động có hợp đồng từ một đến dưới ba năm; 44% là lao động không xác định thời hạn; 4% là hợp đồng dưới một năm. Lao động hưởng trợ cấp nhiều nhất là nhân viên bán hàng, kế toán, thợ may thêu và các nhóm thợ, môi giới bất động sản, xây dựng…
Trong tổng số lao động nộp hồ sơ, chỉ 0,8% chọn học nghề, chủ yếu học lái ôtô, nấu ăn, tin học văn phòng, những ngành cơ bản để nhanh chóng tìm kiếm việc làm mới. Theo bà Liễu, lao động mất việc thường chịu áp lực bởi tích lũy không nhiều, muốn nhận tiền mặt để duy trì cuộc sống.
Theo khảo sát hồi quý III/2023 của Navigos Search, gần 70% doanh nghiệp chọn sa thải lao động khi gặp khó khăn, tiếp đến là tạm dừng tuyển dụng mới. Lao động cần chuẩn bị tốt kỹ năng đáp ứng nhu cầu tuyển dụng mới khi thị trường bình ổn trở lại. Cụ thể là tìm kiếm cơ hội việc làm từ nhiều nguồn, chủ động học thêm các kỹ năng mà doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng để tăng cơ hội việc làm.
Hồng Chiêu