Cà MauNông dân miền Tây cần liên kết để tạo thành những thửa ruộng tôm lúa lớn, giúp doanh thu và lợi nhuận tăng 10 lần.
Ý kiến được ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Công ty thủy sản Minh Phú nêu tại hội nghị huy động nguồn lực thực hiện các giải pháp nông nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long, ngày 21/3.
Mô hình tôm lúa là hình thức canh tác nông nghiệp độc đáo, thuận theo tự nhiên gắn liền với khí hậu nhiệt đới gió mùa của vùng. Đặc trưng của hình thức này là sự luân phiên giữa hai mùa mưa nước ngọt và mùa khô nước mặn tạo ra điều kiện sinh thái phù hợp cho cả lúa và tôm sinh trưởng.
Theo ông Quang, nông dân làm tôm lúa không phải đầu tư nhiều nhưng năng suất trung bình mỗi vụ thu hoạch được 5-8 tấn lúa, và 300-1.000 kg tôm. Như vậy, mỗi năm, người canh tác có thu nhập tối thiểu 250 triệu đồng, trung bình 500 triệu đồng, và có thể lên tới một tỷ đồng mỗi ha nếu canh tác thành công.
“Chính vì vậy, nông dân cần liên kết hợp tác để tạo thành thửa ruộng lớn 7-10 ha, tạo những cánh đồng mẫu lớn 1.000-10.000 ha. Nông dân liên kết hợp tác thành tổ hợp tác xã kiểu mới giúp tăng doanh thu và lợi nhuận”, ông Quang nói.
Tại hội nghị, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết hơn 300 năm trước những bước chân đầu tiên của nông dân từ phương Bắc đi vào vùng đã thích ứng và làm nông nghiệp thuận theo tự nhiên. Người dân sản xuất mô hình trên lúa dưới cá, lúa cá, lúa tôm, dưới tôm trên rừng…
“Từ đây, họ làm sống dậy một thời của mảnh đất Nam Bộ. Bây giờ chúng ta có nhiệm vụ kích hoạt cách làm đó và lan tỏa để làm sao tạo ra được giá trị”, ông Hoan nói.
Theo báo cáo tại hội nghị, giai đoạn 2021-2025, ngân sách nhà nước hỗ trợ Đồng bằng sông Cửu Long 266.000 tỷ đồng (tăng 20% so với giai đoạn 2016-2020). Trong đó ngân sách Trung ương 82.000 tỷ đồng; ngân sách các địa phương 162.000 tỷ đồng; vốn nước ngoài (ODA) 22.000 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư vào nông nghiệp vùng trong năm 2023 đạt khoảng 100.000 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2022.
Định hướng phát triển ngành nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 theo 3 tiểu vùng sinh thái: ngọt ở thượng nguồn và trung tâm của đồng bằng; mặn – lợ ở vùng ven biển; chuyển tiếp ngọt – lợ ở giữa đồng bằng. Trên cơ sở chuyển đổi cơ cấu sản xuất, bước đầu xác định các phân vùng sản xuất nông nghiệp, gồm vùng an toàn, chuyển đổi và linh hoạt.
Đồng bằng sông Cửu Long gồm 13 tỉnh, thành với diện tích khoảng 4 triệu ha; diện tích đất canh tác nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản gần 3 triệu ha. Khu vực này có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh về sản xuất nông nghiệp với chiếm trên 50% so với cả nước; xuất khẩu lương thực chiếm trên 90%, cây ăn trái và thủy sản trên 70%.
An Minh
Nguồn tin: https://vnexpress.net/nong-dan-thu-nhap-gap-10-lan-neu-san-xuat-tom-lua-quy-mo-lon-4725097.html